Sơn La: Trắng tay vì bán bò, đầu tư tiền ảo
VOV.VN - Nạn đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp biến tướng đã len lỏi đến tận các bản làng xa xôi, hẻo lánh ở vùng biên giới, gây nhiều hệ lụy…
Câu chuyện về đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã diễn ra “âm thầm” từ nhiều năm nay nhưng thời điểm này lại có dấu hiệu phức tạp trở lại. Một số trang web đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh đa cấp trên không gian mạng để biến tướng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Điều đáng nói là vấn nạn đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp biến tướng đã len lỏi đến tận các bản làng xa xôi, hẻo lánh ở vùng biên giới, gây nhiều hệ lụy.
Đầu tư tiền ảo, mất tiền thật
Cách trung tâm xã Sốp Cộp, tỉnh Sơn La gần 20km, nhưng để đến được gia đình ông Vừ Chụ Pó, ở bản Pá Khoang, xã Mường Và phải mất hơn 2 giờ đồng hồ băng rừng, lội suối. Vẻ mặt rầu rĩ, ông Pó cho biết, tháng 4/2021, nghe một người ở xã Nậm Lạnh, cùng huyện Sốp Cộp khoe tham gia đầu tư ứng dụng tại trang web "Pchome-global,com" và nhận được rất nhiều tiền lãi, có thể mua được ô tô.
Nghe bùi tai, ông đã dùng toàn bộ tiền tích góp của gia đình và tiền bán ngô vụ vừa rồi, cộng phần góp vốn của con trai tham gia đầu tư tổng số tiền 90 triệu đồng. Ngoài gia đình ông, 2 bố con người em ruột ở ngay kế bên cũng bán 3 con bò để đầu tư 80 triệu đồng tại ứng dụng này.
Những ngày đầu, theo dõi trên ứng dụng thấy lãi lên hàng ngày ông rất phấn khởi. Cứ 20 triệu đồng, mỗi ngày trên ứng dụng báo lãi gần 900.000 đồng, ông nghĩ chẳng mấy số tiền mình có được sẽ tăng nhanh chóng…
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2 tuần thì ứng dụng đã bị khóa. Lời lãi không thấy đâu, số tiền gốc đã đầu tư cũng không thể rút về, người đại diện nhận tiền đầu tư không liên lạc được, trang mạng cũng sập, không thể truy cập…Trong phút chốc, toàn bộ số tiền tích góp của gia đình đã hoàn toàn mất trắng, ông không biết thời gian tới cả nhà sẽ sống ra sao...
Với anh Sồng A Pó làm nghề sửa xe máy ở bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp một lần được nghe người trong bản nói chị Máy cùng bản tham gia đầu tư vào công ty Vitae 6 triệu đồng; khi rủ được 3 người khác tham gia thì được công ty trả hoa hồng cho 9 triệu đồng. Thấy có lãi, anh đã tìm cách vào trang của công ty Vitae quảng cáo trên facebook và chủ động liên hệ với người đại diện của công ty này qua facebook; đồng thời, không ngần ngại cung cấp một số thông tin cá nhân và chuyển một khoản tiền đến tài khoản của công ty.
Sau khi được cấp một tài khoản, Anh Pó có thể truy cập vào trang web để theo dõi số tiền mình đầu tư và biến động lãi xuất khi rủ được thêm người cùng tham gia. Anh cho biết, người dại diện công ty cũng hướng dẫn anh cách lôi kéo người khác tham gia, vì cứ thêm được 1 người là anh sẽ được trả hoa hồng 2,8 triệu đồng.
Tuy nhiên, anh chưa kịp rủ thêm ai thì khoảng 2 tháng sau, anh cũng như nhiều người cùng bản đều không thể truy cập vào trang web của Công ty Vitae; người đại diện mà anh liên hệ cũng mất hút cùng số tiền anh đã đầu tư, facebook bị khóa, số điện thoại thường liên hệ với anh cũng không liên lạc được…
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La có trên 100 người đầu tư tiền thật mua tiền ảo trên các trang webnhư "Webshopping.cc", "Pchome-global,com", http://vitae.co, với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Trung bình mỗi người đầu tư từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, có người đầu tư hàng trăm triệu đồng và rất nhiều người trong số đó đã bị mất tiền.
Khó khăn trong ngăn chặn đa cấp trá hình
Kinh doanh đa cấp là hình thức kinh doanh được nhà nước cho phép. Nhưng lập các trang web ảo, mượn hình thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân thì lại là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tất cả các giao dịch, trao đổi đều được thực hiện bằng điện thoại thông minh, qua mạng, qua tài khoản và cho đến nay chưa có người dân nào trên địa bàn huyện Sốp Cộp làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.
Để ngăn chặn hoạt động kêu gọi đầu tư dưới hình thức đa cấp trên không gian mạng trên địa bàn Sốp Cộp, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Công an huyện Sốp Cộp và các ban ngành tổ chức điều tra, xác minh về tổ chức, phương thức, thủ đoạn hoạt động, quy mô, số lượng người tham gia, tiến hành tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho nhân dân, nhất là bà con người dân tộc ở khu vực biên giới về bản chất thật sự của hoạt động này để hạn chế việc người dân tham gia và bị lừa chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hoạt động này trên địa bàn huyện Sốp Cộp vẫn chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động là chính.
Thượng tá Nguyễn Xuân Vinh, Trưởng Công an huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết, người dân tham gia đầu tư tiền ảo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, lại bị hấp dẫn bởi những mồi nhử sinh lời, nên tin tưởng vào các công ty kêu gọi đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp. Mặt khác, do tâm lý e ngại nên khi lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an đến tuyên truyền, vận động, xác minh, họ không nghe, không tin, thậm chí thiếu hợp tác. Quan điểm của lực lượng là sẽ điều tra xác minh cụ thể, khi có đủ căn cứ sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Xuân Vinh, không phủ nhận đa cấp là một loại hình kinh doanh hiện đại và đã có nhiều công ty sử dụng hình thức này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức đa cấp để lập trang web ảo, kêu gọi người dân đầu tư tiền sinh lời cao, tạo nên những cơn sốt làm giàu, đánh vào lòng tham của những người dân nghèo khó ở vùng sâu vùng xa đã làm xáo trộn cuộc sống của họ khi reo rắc những ảo tưởng làm giàu vô lý, tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn về ANTT tại địa bàn.
Được biết, trong tháng 9/2021, vẫn tiếp tục có thêm 15 trường hợp nữa ở huyện biên giới Sốp Cộp bị dụ dỗ dùng tiền thật để mua tiền ảo. Lãi xuất khủng ở đâu chưa thấy, chỉ thấy một thực tế hiện hữu là nhiều người có nguy cơ mất trắng toàn bộ tài sản cả đời tích cóp, khiến cuộc sống trở nên điêu đứng./.