Startup Việt - biến "nguy" thành "cơ"
VOV.VN - Cú sốc mang tên COVID-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp đều gặp ít nhiều khó khăn,nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, cũng đã có không ít startup Việt tìm được hướng đi, biến “nguy” thành “cơ”.
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có sự phát triển-đứng thứ 3 khu vực. Các ý tưởng khởi nghiệp của những người trẻ là rất dồi dào và đầy tiềm năng. Thậm chí các startup Việt còn rất sáng tạo và linh hoạt chuyển đổi cho phù hợp với từng hoàn cảnh.
Chúng ta đều biết rằng, cả thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Cú sốc mang tên COVID-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp đều gặp ít nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp – các startup vốn còn khá non trẻ.
Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, cũng đã có không ít startup Việt tìm được hướng đi, biến “nguy” thành “cơ”.
EZGO360- một ứng dụng nhằm tối ưu hóa việc lên lịch trình tổng thể cho những chuyến đi du lịch nước ngoài dài ngày của du khách, từ lên lịch trình, đến đặt vé máy bay, đặt phòng, địa điểm vui chơi… Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, các quốc gia “đóng cửa” với du khách quốc tế cũng là lúc startup này “đóng băng” như chia sẻ của anh Lê Hà Xuân-người sáng lập dự án EZGO360.
Nhưng cũng chính trong thời gian khó khăn này, một hướng đi mới đã được nhìn ra. Thay vì phục vụ thị trường quốc tế như trước, EZGO360 hướng đến thị trường du lịch nội địa- thông qua việc cung cấp các nền tảng giúp các doanh nghiệp du lịch trong nước số hóa quy trình hoạt động. Chính sự chuyển hướng linh hoạt này, đã giúp EZGO360 tiếp tục phát triển, chờ cơ hội bứt phá sau dịch.
Lê Hà Xuân- người sáng lập dự án cho biết: "Trong mùa COVID-19 các dự án du lịch đều đang đóng băng. Thế nhưng dự án của chúng tôi đang tái khởi động và phát triển, đốt cháy giai đoạn, bây giờ đang triển khai luôn ở thị trường Việt Nam. Chúng tôi kết hợp với các doanh nghiệp du lịch truyền thống và giúp họ số hóa và thay đổi cách thức vận hành của họ".
Tương tự, ManMo là ứng dụng tìm kiếm và đặt phòng lưu trú được Trần Ngọc Mạnh cùng các cộng sự khởi xướng từ năm 2017. Ứng dụng giúp du khách tìm kiếm được những cơ sở lưu trú gần nhất phù hợp với nhu cầu, khách hàng chỉ cần cung cấp địa chỉ khu vực muốn đến hoặc tìm theo tên, giá cả, tiện ích mong muốn.
Không chỉ giúp du khách đơn giản hóa trong việc tìm và đặt phòng, ứng dụng còn cung cấp công cụ giúp các chủ nhà nghỉ/khách sạn dễ dàng quản lý khách và tăng thu nhập.
Trần Ngọc Mạnh- người sáng lập dự án cho biết, sau hơn 2 năm, dự án đã có trong tay cơ sở dữ liệu của hơn 20.000 cơ sở lưu trú. Tuy vậy, không may là thời điểm chuẩn bị tung ứng dụng ra thị trường, quảng bá sản phẩm, thì lại trùng với thời gian dịch COVID-19. Nhưng nói như người sáng lập dự án thì “trong nguy luôn có cơ” và ManMo đã nhìn ra cơ hội tăng tốc của mình chính trong thời gian khó khăn nhất.
Theo Trần Ngọc Mạnh: "Trong nguy thì luôn có cơ, bởi vì ManMo không chỉ tập trung vào khách du lịch mà chúng tôi đánh vào nhu cầu chung của tất cả mọi người đó là nhu cầu tìm kiếm. Do vậy, thời gian dịch vừa rồi có ảnh hưởng nhưng không ảnh hưởng nhiều như các dự án khác, nhưng cũng là cơ hội để ManMo tái cấu trúc và xem lại quy trình hoạt động của mình.
Thời gian trước khi chúng tôi làm việc với các cơ sở lưu trú nhưng có vẻ như họ không cởi mở lắm, nhưng vì dịch bệnh nên cũng bị ảnh hưởng và khi chúng tôi tiếp cận thì rất chào đón và đợt dịch COVID-19 cũng là cơ hội để ManMo tăng trưởng nóng".
May mắn hơn EZGO360 và ManMo, eDoctor- startup thuộc mảng cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, có lẽ là một trong số ít startup Việt nhận được khoản “rót vốn” triệu đô từ 4 nhà đầu tư quốc tế của Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh dịch bệnh leo thang hồi đầu năm 2020.
Dù có được nguồn lực hỗ trợ này, nhưng như chia sẻ của Huỳnh Phước Thọ-đồng sáng lập eDoctor, thì để “trụ được” trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, các startup buộc phải có kế hoạch, khéo léo thích ứng. Bởi nếu chỉ ngồi đợi khủng hoảng qua đi, thì cơ hội cũng mất và nguồn lực cũng cạn. Do đó, eDoctor đã chủ động đưa ra nhiều dịch vụ và sản phẩm mới, thích ứng với thị trường trong thời điểm dịch bệnh leo thang và trong tương lai.
"Khi dịch COVID-19 bùng phát thì cùng lúc đó eDoctor nhận được khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài thì sau đó chúng tôi có nguồn lực để đẩy mạnh các dịch vụ và công nghệ mới hỗ trợ người dùng, tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa.. và đó cũng là thời điểm mà lượng người dùng tăng lên rất nhiều" - Huỳnh Phước Thọ chia sẻ./.