Sự kiện Biển Đông không ảnh hưởng nhiều đến GDP của Việt Nam
VOV.VN - Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định như vậy.
Báo cáo tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2014 sáng nay (27/6), tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê cho biết: tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, quý I tăng 5,09% và quý II tăng 5,25%.
Đây là mức tăng GDP cao so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 và 2013 và cả ba khu vực đều có mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2013.
Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, đóng góp 0,55% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, đóng góp 2,06% và khu vực dịch vụ tăng 6,01%; khu vực dịch vụ tăng 6,01%, đóng góp 2,57%.
Xét về góc độ sử dụng GDP của 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,19% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,09 vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 5,04%, cao hơn mức 4,49% cùng kỳ năm trước. Tích lũy tài sản tăng 5,08%, đóng góp 1,66%.
Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nông nghiệp tăng 2,5%; lâm nghiệp tăng 5,9% và thuỷ sản tăng 6%.
Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Sáu ước tính tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 7,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,9%; riêng ngành khai thác tiếp tục giảm ở mức 2,5%.
Nhận định về mức tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm 2014, trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang gia tăng căng thẳng, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng 5,8% là một mức rất khó khăn. Tuy nhiên, dự vào các tính toán và cân đối của liên ngành, chúng tôi đã đưa ra một kịch bản từ 5,5-5,6%. Để tăng được con số như vậy, chúng tôi tham mưu cho Chính phủ và bản thân các ngành cũng phải đưa ra các kịch bản khác nhau để báo cáo Chính phủ. Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty đều tham gia đề án tái cơ cấu nền kinh tế và có những hoạt động cụ thể, giải pháp cụ thể, hiệu quả, mục tiêu mà Quốc hội đưa ra sẽ đạt được.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, sự kiện Biển Đông không làm ảnh hưởng nhiều đến chúng ta và có thể khắc phục được. Nhân cơ hội này, chúng ta có thể đổi mới và nâng cao quy trình sản xuất. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng không ảnh hưởng nhiều, hiện địa bàn của Trung Quốc chỉ chiếm hơn 11%./.