Sửa đổi Nghị định 132: Chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp gỡ 'nghẽn'
VOV.VN - Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, chuyên gia góp ý cho Dự thảo sửa đổi Nghị định 132 quy định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Tăng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy - CEO khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi - nên nâng mức khống chế chi phí lãi vay EBITDA (chỉ số phản ánh thu nhập trước khi trừ đi các khoản chi phí lãi vay, thuế và khấu hao) để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Nâng từ 30% lên 40% hoặc có thể lên 50%, việc này phụ thuộc vào mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường từng thời kỳ và tùy vào lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước cần thu hút vốn đầu tư trọng điểm”, ông Huy nêu quan điểm.
Ông Huy giải thích, việc nâng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tế của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Điều này giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính và có thêm cơ hội tái đầu tư.
Đồng tình với đề xuất này, chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Trinh phân tích: Quy định về khống chế chi phí lãi vay bắt nguồn từ Chương trình Hành động số 4 trong tổng số 15 Chương trình Hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Đây được xem là giải pháp hạn chế tình trạng lạm dụng vốn mỏng, lạm dụng tài trợ vốn/tài trợ tài chính nội bộ giữa các thành viên trong tập đoàn đa quốc gia với mục đích tránh thuế.
OECD đưa ra mức 30% và nếu áp theo mức này, Bộ Tài chính đang đặt doanh nghiệp Việt ngang tầm với doanh nghiệp tại các nước G20. Đây là những quốc gia có nền kinh tế vững chãi, doanh nghiệp khỏe mạnh, nên họ đầu tư không cần vay vốn nhiều.
Còn doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn, vẫn cần phải dùng đòn bẩy tài chính để có vốn đầu tư kinh doanh. Dự thảo Nghị định 132 do đó cần loại trừ tất cả chi phí lãi vay mà hợp lý, hợp lệ cho doanh nghiệp trong nước.
Nghị định 132 nhằm mục đích chống chuyển giá, trốn thuế, phù hợp để quản lý các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp FDI có thể chuyển lợi nhuận sang các nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn để trốn thuế. Còn doanh nghiệp trong nước, dù có phát sinh giao dịch liên kết, vay vốn nội bộ lẫn nhau thì cũng khó chuyển giá, trốn thuế, nhất là khi có cùng mức thuế suất.
"Nếu không sửa đổi Nghị định 132 thì các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không ít phải bỏ cuộc chơi. Theo tôi, nghị định chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp FDI, chưa nên áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam", ông Trinh nêu quan điểm.
Trên thực tế, hướng dẫn của OECD về việc áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay khá linh hoạt và cho phép các quốc gia lựa chọn cơ chế phù hợp, thậm chí nếu chứng minh được lãi suất trong các khoản vay trả cho bên liên kết đã theo nguyên tắc giá thị trường thì không bị loại trừ chi phí lãi vay vượt mức khống chế.
Kéo dài thời gian chuyển tiếp chi phí lãi vay
Một giải pháp nữa được chuyên gia đề xuất là tăng thời gian chuyển tiếp chi phí lãi vay dài hơn 5 năm, số năm kéo dài thế nào thì có thể phân định theo các tiêu chí giá trị lớn, loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực thu hút đầu tư trọng tâm từng thời kỳ.
Nguyên nhân là với thời gian dài hơn, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi và tái cơ cấu tài chính, từ đó sử dụng tối đa lợi ích từ chi phí lãi vay được chuyển tiếp.
Hiện một số nước trên thế giới có quy định về thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế và thời gian chuyển lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh khá linh hoạt. Ví dụ Mỹ không giới hạn số năm chuyển tiếp chi phí lãi vay vượt mức khống chế. Ngoài ra, cơ chế chuyển lỗ của Mỹ là vô thời hạn đối với khoản lỗ phát sinh từ năm tài chính bắt đầu từ 1/1/2018.
Đức cũng không giới hạn số năm chuyển tiếp chi phí lãi vay vượt mức khống chế và Không giới hạn thời gian chuyển lỗ…
Ấn Độ quy định chi phí lãi vay vượt mức khống chế được chuyển sang 8 năm liên tiếp tiếp theo. Liên quan đến thời gian chuyển lỗ, các khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh được chuyển tiếp 8 năm.
Không tính chi phí lãi vay với ngân hàng thương mại
Giới chuyên gia cũng đề xuất chi phí lãi vay dùng tính mức khống chế là chi phí lãi vay phát sinh với các bên có quan hệ liên kết, không tính chi phí lãi vay với ngân hàng thương mại.
Mục đích của quy định về giao dịch liên kết là nhằm quản lý việc tuân thủ nguyên tắc giá thị trường của các giao dịch liên kết. Do đó, các vấn đề liên quan đến lãi vay cũng nên đặt trong tinh thần chung của quy định này - chỉ điều chỉnh lãi vay giữa các bên liên kết.
Dự thảo quy định sửa đổi cũng đã bỏ hình thức liên kết với ngân hàng thương mại nếu khoản vay lớn, do đó, loại trừ khoản vay với ngân hàng thương mại trong công thức tính khống chế chi phí lãi vay là hợp lý.
“Ngân hàng không phải là bên có quan hệ liên kết với doanh nghiệp. Ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, còn doanh nghiệp tìm đến ngân hàng để có được những khoản vay”, TS. Bùi Trinh nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng e ngại việc khống chế chi phí lãi vay tác động đến một số mô hình hoạt động đặc thù, như tập đoàn trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản.
Để thực hiện dự án cần tiếp cận nguồn vốn lớn, các công ty thành viên của tập đoàn trong nước thường không đủ năng lực để được vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Các tập đoàn, tổng công ty phải huy động vốn tập trung tại công ty mẹ để chuyển vốn cho các công ty con, công ty thành viên với mức lãi suất ưu đãi hơn.
Vì vậy, việc khống chế tổng chi phí lãi vay tạo rào cản trong việc cho vay nội bộ trong tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do phải nộp thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh.