Tác động chính sách từ Mỹ: Tăng trưởng kinh tế châu Á 2025-2026 chậm lại
VOV.VN - Ngày 18/11, các chuyên gia, học giả từ Tổ chức KAS (Konrad Adenauer Stiftung) và Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức một hội thảo tại thủ đô Jakarta của Indonesia, bàn về tác động địa chính trị của các cuộc bầu cử diễn ra trên thế giới, đặc biệt là cuộc bầu cử Mỹ. Các chuyên gia nhận định, kinh tế châu Á có thể chậm lại trong giai đoạn 2025-2026.
Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 1/2025, với nhiều dự đoán sẽ có những thay đổi chính sách mạnh mẽ và sự leo thang cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Các chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng, căng thẳng địa chính trị xung quanh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm tới. Những chính sách mới từ Mỹ có thể khiến các nước Đông Nam Á chứng kiến sự sụt giảm trong tương lai về sự tham gia, viện trợ nước ngoài và đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ.
Theo chuyên gia Shafiah Muhibat từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Mỹ có thể quyết đoán hơn đối với Trung Quốc, tác động rất lớn đến Indonesia và Đông Nam Á. Đây sẽ là sự thay đổi so với chính quyền của Tổng thống Joe Biden, người đã dành những năm đầu tiên lãnh đạo để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với ASEAN, trong đó có tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ vào năm 2022.
Tổng thống đắc cử Donald Trump, người được cho là có ít ưu tiên ASEAN hơn và hướng tới các thỏa thuận song phương và xu hướng này có thể tương tự trong nhiệm kỳ thứ 2. Các chuyên gia ước tính, tăng trưởng kinh tế dự kiến chậm lại trên khắp châu Á trong giai đoạn 2025-2026, bao gồm mức giảm 0,3 điểm % so với dự báo ban đầu của Indonesia, vì Mỹ có thể sẽ giám sát chặt chẽ hơn và áp thuế quan cao hơn.
Người đứng đầu cơ quan phát triển và phân tích chính sách của Bộ Ngoại giao Indonesia Yayat GH Ganda đánh giá một nước Mỹ "khó đoán" hơn dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Các nước ASEAN, bao gồm cả Indonesia, có thể bị gây áp lực phải chọn bên với căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.
Trong những thập kỷ qua, các nước Đông Nam Á đã nỗ lực cân bằng mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, với nhiều nước tìm cách đạt được sự cân bằng tinh tế và có mức độ thành công khác nhau. Với nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Donald Trump sẽ đưa các nước vào thế khó hơn nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang.