Tắc tín dụng không phải vì lãi suất
(VOV)-Các doanh nghiệp không vay được vốn là do không đáp ứng được các điều kiện cho vay của ngân hàng.
Bên cạnh đó, bà Hồng còn cho biết: Lãi suất cho vay các khoản vay mới ngắn hạn chỉ từ 8-10%/năm, còn trung và dài hạn từ 11-12%/năm. Nhiều dự án tốt, khách hàng tốt, một số NH đưa ra lãi suất 7-8%/năm. Đáng chú ý nữa, lãi suất các khoản cho vay cũ, tính từ 15/7/2012 các TCTD đã ủng hộ giảm lãi suất, đến nay tỷ trọng dư nợ cho vay có lãi suất trên 15% chỉ còn 12,9%. Đầu tháng 5, các NHTM Nhà nước đã cam kết tiếp tục giảm lãi suất khoản vay cũ về dưới 13%.
Các DN đủ điều kiện vay, vẫn tiếp cận vốn tín dụng NH bình thường (Ảnh: Thitruongtaichinh.vn) |
Không những thế, tính đến 21/5/2013, tăng trưởng tín dụng đạt 2,29%, đây là mức đã có dấu hiệu cải thiện (bởi vì hết tháng 4/2012, tín dụng vẫn giảm 0,2%). Tín dụng cũng đã tăng trưởng trở lại qua các tháng. “Mặt bằng lãi suất hiện giảm khá mạnh, về mức của giai đoạn năm 2005-2006. Với mức lãi suất hiện tại, nó không còn là vấn đề của ách tắc dòng vốn tín dụng”- bà Hồng nhấn mạnh.
Nguyên nhân gây ách tắc dòng vốn tín dụng, theo bà Hồng, cần phải được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh. Đó là DN phải cơ cấu lại sản xuất kinh doanh của mình, qua đó tăng khả năng thuyết minh về dự án khả thi của mình khi vay vốn, chứng minh được dòng tiền của mình.
Còn phía NH, bàn Hồng cho rằng, thời gian qua do nhiều DN không có khả năng trả nợ (trong điều kiện sản xuất, kinh doanh khó khăn, tiêu thụ đầu ra khó…). Đã thế, trong điều kiện tổng cầu nền kinh tế còn yếu, các DN rất khó chứng minh khả năng trả nợ của mình. Vì thế, NHNN đã cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780. Nhờ đó đến nay, tổng số nợ được cơ cấu lại thời hạn trả vào khoảng 280.000 tỷ đồng. Với giải pháp này, các DN đang khó trả nợ, nếu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, họ vẫn có thể tiếp cận vốn tín dụng.
10 doanh nghiệp hỏi vay, ngân hàng chỉ duyệt được 3
Trước thực trạng DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng của NH, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank, cho biết: Thời điểm hiện nay, cả DN và NH đều có khó khăn. NH sẵn sàng tạo điều kiện cho DN vay vốn, nhưng DN phải đảm bảo đáp ứng được các điều kiện khi vay. Thực tế tại VPBank, theo ông Vinh, ví dụ cứ 10 DN đến làm thủ tục vay vốn, thì chỉ khoảng 3 DN là có thể đáp ứng các điều kiện và được vay. Điều này cũng gắn với thực tiễn là nếu lấy bình quân 10 doanh nghiệp thì có tới 7 doanh nghiệp đang có tình trạng giảm sút về hoạt động sản xuất, giảm doanh số...
Sự giảm sút này, theo ông Vinh, có nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến lãi suất, vốn tín dụng, vì nền kinh tế dựa vào tín dụng tới 70%. Nhưng “sẽ là thái quá khi cho rằng lãi suất là nguyên nhân duy nhất của khó khăn”- ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Vinh giải thích: Nguyên nhân gây ra khó khăn trong nền kinh tế hiện nay có gốc rễ do cơ cấu nền kinh tế không hợp lý, đặc biệt là cung và cầu. Có thực tế là, trong khi giảm chi tiêu Chính phủ, giảm đầu tư công, thu nhập người dân giảm, sức mua cũng giảm… nhưng lại có sự hô hào về mặt chính sách là cần thắt chặt tiêu dùng. Điều này gây ra tồn kho, gây khó cho lưu thông thị trường.
Hơn nữa, cũng theo ông Vinh, khó khăn còn do cấu trúc vốn của DN hiện nay gây ra. Bởi vì, DN thường có vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại vốn phải dựa vào ngân hàng tới 70%. Cho nên, lãi suất tăng giảm đều ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tính kỹ thì vốn chiếm chưa tới 20% về chi phí vận hành DN, còn lại chi phí cho nguyên liệu là lớn nhất. Tức là hiệu quả của DN chỉ phụ thuộc khoảng 15-20% vào vốn.
Nguyên nhân khiến DN khó khăn lại khó khăn hơn khi dòng vốn bế tắc, theo ông Vinh phân tích: Trong tỷ lệ vốn vay từ NH mà DN đưa vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính chỉ khoảng 60%, còn lại khoảng 40% có sự đầu tư ngoài ngành. Khi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành gặp khó khăn, bế tắc thì vốn nằm im, trong khi DN vẫn phải trả lãi cho cả 100% vốn vay, nhưng chỉ khai thác được 60% vốn cho hoạt động.
Chính vì thực tế này, ông Vinh cho rằng, NH sẵn sàng cho DN vay, nhưng trong điều kiện khó khăn chung, NH cũng phải rụt rè, điều kiện khắt khe hơn. NH cho vay hỗ trợ DN nhưng không phải DN cứ muốn vay là cho vay, mà phải căn cứ vào kế hoạch chi tiêu vốn vay đó của DN ra sao, cũng phải căn cứ vào nguồn thế chấp của DN, căn cứ vào năng lực hoạt động của DN…
Đồng quan điểm với ông Vinh, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, doanh nghiệp muốn tiếp cận được vốn vay, cần phải chủ động chứng minh được năng lực, kế hoạch kinh doanh và khả năng trả nợ của mình. Bởi vì, với chủ trương khơi thông vốn cho DN, NH cũng phải hướng vào phát triển các ngành nghề có tiềm năng hiệu quả. Các sản phẩm đặc trưng của DN là yếu tố quan trọng quyết định dòng vốn cho DN./.