Tái cấu trúc DNNN: Khó nhất

Trong ba mũi đột phá để tái cấu trúc nền kinh tế thì Tái cấu trúc DNNN được đánh giá là khó khăn nhất. Nhưng điểm lại suốt quá trình lịch sử dân tộc thì việc càng khó chúng ta càng làm tốt.

Yếu kém, thua lỗ kéo dài

Chỉ bằng mấy con số, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã khái quát khá rõ những điểm yếu của các DNNN trong thời gian qua. Đó là hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN còn thấp mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực. DNNN sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo một đồng doanh thu năm 2009, trong khi DN ngoài quốc doanh chỉ cần sử dụng 1,2 đồng vốn và DN FDI là 1,3 đồng vốn (mức trung bình của DN Việt Nam là 1,5 đồng vốn). Trong 10 năm qua, tỷ suất lợi nhuận trên tổng nguồn của khu vực DNNN chưa năm nào quá 6%, trong khi các DN FDI luôn duy trì mức trên dưới 10%.

Bộ trưởng cũng cho biết thực trạng tài chính của một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước rất yếu kém, thua lỗ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính. Vai trò điều tiết vĩ mô còn hạn chế, chưa bắt kịp xu hướng của kinh tế thị trường, năng lực hiệu quả quản trị DN còn yếu kém, bất cập.

Theo ông Vương Đình Huệ, sự yếu kém là do sự chậm chạp trong nhận thức về đổi mới, hạn chế trong lựa chọn mô hình phát triển của doanh nghiệp. Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới gây khó khăn cho hệ thống DNNN. Ông Huệ cũng chỉ ra rằng, mô hình DNNN đã quá thiên về mở rộng quy mô đầu tư, chưa chú trọng chiều sâu nên hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh thấp. Chiến lược phát triển kinh doanh hạn chế. Nhiều DNNN đầu tư vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều vào vốn vay hoặc chiếm dụng, tình trạng độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường trong một số lĩnh vực làm hạn chế động lực cạnh tranh và phát triển. Ngoài ra, cơ chế, chính sách về quản lý DNNN chưa theo kịp thực tiễn. Sự phối hợp giữa các bộ ngành trong quản lý, giám sát còn hạn chế….

Tái cấu trúc: Khó cũng phải làm

Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: “trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc khu vực DNNN được xác định là khó khăn nhất”. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang gặp khó khăn, hệ thống tài chính quốc gia chưa đủ mạnh để hỗ trợ có hiệu quả cho việc cơ cấu lại DNNN. Nhận thức đầy đủ và thống nhất của cả hệ thống chính trị cũng không dễ dàng. Việc giải quyết, sắp xếp lao động dôi dư cũng là một thách thức không nhỏ. “Kinh phí cho tái cấu trúc cũng có thể phát sinh lớn, ước hàng chục tỷ đồng sẽ là gánh nặng đối với nền kinh tế, nhiều khả năng làm tăng thêm nợ công nếu không được xử lý tốt”, ông Huệ nói.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng đưa ra các gói giải pháp trong Đề án tái cấu trúc DNNN do Bộ Tài chính chủ trì. Đó là sớm hoàn thiện, ban hành tiêu chí phân loại DNNN theo ngành nghề, sắp xếp các DNNN theo nhóm và đưa ra các giải pháp cho từng nhóm. Chẳng hạn nhóm 100% vốn Nhà nước, nhóm hơn 75% vốn Nhà nước, nhóm từ 65%-75% và nhóm Nhà nước không nắm cổ phần chi phối. Hai là, thực hiện nhất quán, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp. Ba là, tổ chức, sắp xếp và tái cấu trúc từng DNNN, đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị DN. Bốn là, đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với DNNN. Năm là, tổ chức, sắp xếp và tái cấu trúc căn bản các công ty nông, lâm nghiệp, nông lam trường quốc doanh.

Chia sẻ các vấn đề về tái cấu trúc DNNN với Bộ Tài chính, TS Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN khẳng định: Phải sớm hoàn thiện chính sách tái cơ cấu, để DN 100% vốn nhà nước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hoạt động theo cơ chế thị trường; Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi đầu tư và hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của TCT đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước với vị trí là DN đặc thù.

Ngoài ra, cũng cần phân loại và thực hiện cơ cấu lại 1.309 DN 100% vốn nhà nước hiện có để sau năm 2015, quy hoạch lại còn 692 DN, được tổ chức thành 44 TÐKT, TCT với 150 công ty con 100% vốn.

Thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý để sử dụng có hiệu quả hơn cơ sở vật chất, đồng thời chuyển các DN không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh thành các đơn vị sự nghiệp. Tạo chuyển biến cơ bản trong tái cơ cấu nông, lâm trường quốc doanh.

Tạo sức ép cạnh tranh

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Tái cấu trúc nền kinh tế ở nước ta thời gian qua không phải vấn đề mới nhưng chưa làm được, nguyên nhân do mới chỉ phát triển theo chiều rộng và chưa chú ý đến chiều sâu, chưa hướng đến chất lượng và hiệu quả.

Việc tái cấu trúc DNNN là phải tăng sức ép cạnh tranh lên DNNN. Việc cổ phần hoá, tư nhân hóa không phải là giải pháp duy nhất thúc ép doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cần có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DNNN, sau đó mới cạnh tranh bình đẳng với DN các khu vực khác. Từ đó, sẽ xuất hiện các DN tìm ra mô hình nâng cao sức cạnh tranh và chiến thắng trên thị trường.

Về mặt quản trị, cần áp dụng chuẩn mực quản trị hiện đại, minh bạch và hiệu quả. DNNN cần đi tiên phong trong việc này, để phổ biến nhân rộng trong cộng đồng DN.

Về quản lý nhà nước, cần đẩy nhanh và quyết liệt việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với quyền sở hữu nhà nước. Những giải pháp gần đây của Chính phủ đã có tác dụng hết sức tích cực như thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu DNNN, cũng như cải thiện khuôn khổ pháp lý trong việc CPH.

Trong quá trình sắp xếp, tái cấu trúc DNNN và DN nói chung, Chính phủ cần hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy xu hướng liên kết các DN với nhau. Phần lớn các DN cho rằng, yêu cầu quan trọng là cần tăng cường tính minh bạch, sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng. Chính điều này sẽ tạo ra sức ép nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy quá trình cải cách các DNNN.

Ông Vũ Tiến Lộc phân tích thêm, trong những năm qua, theo chu kỳ phát triển của nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp phát triển theo chiều rộng, chưa đi sâu hướng vào năng suất và chất lượng. Nhưng gần đây, chu kỳ phát triển của nền kinh tế thế giới đã buộc kinh tế Việt Nam phải vận động phát triển chất lượng hơn và các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối DNNN cũng sẽ phải cuốn theo xu hướng này.

Theo ông Lộc, giải pháp trước mắt là phải tăng được sức ép cạnh tranh trong khu vực DNNN. Dẫn chứng cụ thể về vấn đề này, ông Lộc đã đưa hình ảnh Tập đoàn Viễn thông ra làm thí dụ. Ông cho rằng, chính tính cạnh tranh giữa các DNNN trong lĩnh vực viễn thông là giải pháp buộc các doanh nghiệp này phải thay đổi tư duy, cách làm trước đây để tạo được chỗ đứng. Tái cấu trúc DNNN cần phải đặt trong chuỗi liên kết của DNNN với nhau và với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.

Ông Lộc cũng gợi mở, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Trong khi thực tế xảy ra đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khó khăn về nguồn vốn nên phải bán cổ phần cho công ty nước ngoài. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm và có chính sách để các DNNN và doanh nghiệp khác trong nước thực hiện việc sáp nhập, mua bán lẫn nhau để tăng tiềm lực nội địa.

Nhiều chuyên gia khác cũng đề xuất, chúng ta cần tăng cường áp dụng hệ thống quản trị minh bạch hóa thông tin của DNNN, tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán để minh bạch hóa dần thông tin, do thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt vấn đề này.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: Tái cấu trúc cũng có những thuận lợi là sự quyết tâm chính trị. Đó là Hội nghị Trung ương lần thứ ba đã xác định ba hướng là Tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại tái cấu trúc DNNN. Ông Huệ nói: “Chúng ta cũng đã có các công cụ thực hiện như thị trường chứng khoán, công ty mua bán nợ, hình thành quỹ hỗ trợ đổi mới doanh nghiệp”. Và cuối cùng điểm lại suốt quá trình lịch sử của dân tộc, Bộ trưởng Tài chính bày tỏ niềm tin “với trí tuệ Việt Nam, việc càng khó chúng ta càng làm tốt”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên