Tái cấu trúc tài chính công là đòi hỏi cấp thiết
VOV.VN - Thị trường tài chính chưa ổn thì không thể có 1 nền kinh tế phát triển bền vững. Do đó, tái cấu trúc tài chính công được xem là một yêu cầu cấp bách.
Như VOV.VN đã đề cập ở bài trước, cơ cấu tài chính quốc gia đang tồn tại nhiều bất cập, việc huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Quy mô thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có xu hướng giảm và có cơ cấu chưa thực sự bền vững; việc quản lý các nguồn lực NSNN còn phân tán. Thêm vào đó, dư địa chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa ngày càng hạn hẹp. Các chuyên gia cho rằng, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế lại phân bổ và sử dụng không hiệu quả đang là thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Do đó, tái cấu trúc lại tài chính công được xem là một yêu cầu cấp bách của Việt Nam nhằm hướng đến phát triển kinh tế nhanh, bền vững và toàn diện.
Cơ cấu lại thu – chi
Theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính, để tái cấu trúc tài chính công, trước hết cần đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN nhằm thiết lập cơ cấu thu, chi cân đối, bền vững, tăng cường ổn định vĩ mô, đảm bảo việc huy động, sử dụng hiệu quả nguồn NSNN, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Tái cấu trúc lại tài chính công được xem là một yêu cầu cấp bách của Việt Nam hiện nay (Ảnh minh họa: KT) |
“Cần hoàn thiện hệ thống chính sách thu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu đi đôi với cơ cấu lại thu NSNN hướng tới một hệ thống thu hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích đầu tư, tăng cường cạnh tranh, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận tiện, minh bạch, lành mạnh; đồng thời, tạo nguồn thu hợp lý, bền vững cho NSNN”, ông Hưng nêu ý kiến.
Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, chính sách động viên tài chính, chính sách thuế phải mang tính chiến lược, hướng mạnh vào mục tiêu phát triển dài hạn, xác định sắc thuế, mức thuế hợp lý, giảm gánh nặng thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tạo động lực khuyến khích sản xuất, tăng quy mô, mở rộng diện thu cho NSNN.
“Cần nâng tỷ trọng thuế trực thu trong tổng thu NSNN, trong đó, tăng tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân bằng cách mở rộng đối tượng nộp thuế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế”, ông Thanh nói.
Còn theo bà Đào Mai Phương, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, thực hiện cơ cấu lại chi NSNN, cải cách căn bản phương thức quản lý chi NSNN phải được xem là giải pháp quan trọng trong tổng thể tái cấu trúc tài chính công.
Bà Phương cho rằng, cần phải tiến hành một chương trình đánh giá chi tiêu ngân sách toàn diện, qua đó, xác định các lĩnh vực cần có sự điều chỉnh hay cắt giảm. Bởi trong điều kiện nguồn lực ngân sách hạn chế, việc cắt giảm chi thường xuyên phải được xem là giải pháp quan trọng để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, việc giảm chi thường xuyên cũng cần được xem là biện pháp tạo áp lực cho các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả chi tiêu công.
“Phải thực hiện giảm dần bội chi NSNN, thực hiện điều hành ngân sách trên cơ sở nguyên tắc “chu kỳ kinh tế” với mục tiêu chung là đảm bảo sự ổn định, bền vững của ngân sách. Và để làm được điều này thì kỷ luật tài khóa cần được ưu tiên hàng đầu trong điều hành ngân sách”, bà Phương nhấn mạnh.
Dự phòng rủi ro tài khóa
Theo ông Đặng Văn Thanh, việc xây dựng và thực hiện chính sách động viên tài chính hợp lý, giải phóng các nguồn lực trong xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển kinh doanh sẽ giúp tạo ra năng lực sản xuất, tạo lập hạ tầng kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó, tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia.
“Trong trung hạn cần có kế hoạch và chủ định giảm dần mức tập trung nguồn lực, tập trung thu nhập quốc dân vào trong tay Nhà nước. Hãy để lại cho doanh nghiệp và người dân nhiều hơn các khoản thu nhập mà họ làm ra để họ tiếp tục đầu tư, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, bền vững cho tài chính nhà nước. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp và hộ kinh tế đầu tư phát triển hiệu quả cao hơn các khoản do nhà nước đầu tư, hệ số ICOR (hệ số sử dụng vốn – PV) thấp hơn, ít thất thoát và lãng phí”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, cần thiết lập và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính nhà nước và cơ chế chính sách quản lý tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ quốc gia và khai thác có hiệu quả tài sản quốc gia, bởi đây là nguồn lực rất quan trọng cho đầu tư phát triển, phục vụ lợi ích của quốc gia, đất nước.
“Hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mọi hành vi khai thác trái pháp luật và chiếm đoạt tài sản quốc gia, chuyển hóa tài sản quốc gia thành tài sản tư nhân hoặc sở hữu của nhóm lợi ích. Cần đảm bảo mọi ngân quỹ, mọi đồng vốn của quốc gia, mọi tài sản quốc gia phải được kiểm soát, quản lý, phân phối và sử dụng theo quy định của luật pháp”, ông Thanh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Thành Hưng cũng cho rằng, tăng cường năng lực giám sát tài chính quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công, tăng cường ổn định vĩ mô là yếu tố “sống còn” của nền kinh tế. Để làm được điều này, phải đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán và thống kê, đảm bảo phù hợp và tiếp cận với thông lệ quốc tế; hệ thống tiêu chí giám sát tài chính doanh nghiệp; các chỉ số an toàn về nợ công; cơ chế giám sát tài chính…
Còn theo bà Đào Mai Phương, bên cạnh duy trì chính sách tài chính hợp lý, trong thời gian tới, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng một khung khổ về quản lý rủi ro tài khóa phù hợp, bao gồm từ việc định vị và lượng hóa rủi ro, xác định nguyên nhân và nguồn gây ra rủi ro, tính toán chi phí rủi ro và các biện pháp giảm nhẹ, quản lý rủi ro.
“Cần quy định đầy đủ và chi tiết hơn để việc xây dựng Báo cáo rủi ro tài khóa trở thành một yêu cầu bắt buộc trong quy trình ngân sách hàng năm. Hình thành các cơ chế phù hợp để “nhận diện”, “ghi chép”, “theo dõi” thông qua các cơ chế báo cáo, giám sát trong quy trình ngân sách đối với các nghĩa vụ nợ dự phòng trực tiếp và ngầm định để có thể bao quát được các rủi ro có liên quan đến tình hình tài chính công”, bà Phương đề xuất.
Sự chậm trễ trong việc thực hiện củng cố tài khóa có thể gây ra nhiều hệ lụy lớn, nhất là khi niềm tin của thị trường đối với nền kinh tế giảm. Bởi thị trường tài chính chưa ổn, chưa bền vững thì không thể có một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Do đó, quá trình cơ cấu lại tài chính công ở Việt Nam cần được thực hiện theo một chiến lược toàn diện với tầm nhìn trung và dài hạn.
TS. Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách cho rằng, mục tiêu cấp bách, xuyên suốt của tái cấu trúc là nâng cao căn bản hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia.
“Việc tái cấu trúc này phải kiên quyết, nhất quán theo lộ trình rõ ràng, tránh nguy cơ đổ vỡ và tối thiểu hóa chi phí tái cấu trúc nền tài chính. Phương châm cơ bản để tối thiểu hóa chi phí là giải pháp tái cấu trúc đúng, khả thi và phù hợp theo lộ trình” TS. Lê Hải Mơ nhấn mạnh./.
Bài viết cùng loạt bài "Tái cấu trúc tài chính công":
Bài 1: Ngân sách Nhà nước: Nguồn thu hẹp dần, “cửa” chi phình ra
Bài 2: Quản lý tài chính công đang bộc lộ nhiều rủi ro
Bài 3: Tái cấu trúc tài chính công là đòi hỏi cấp thiết
Ngân sách Nhà nước: Nguồn thu hẹp dần, “cửa” chi phình ra
Quản lý tài chính công đang bộc lộ nhiều rủi ro