Lãi suất khó có thể giảm tiếp
(VOV) -Lãi suất đã giảm nhưng khó có thể giảm tiếp. Nếu giảm sâu quá người dân sẽ không gửi tiền, vốn vào NH sụt giảm.
Ông Ngô Quang Lương – Phó Chánh văn phòng NHNN khẳng định điều này sáng 7/5 sau sự kiện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) điều chỉnh giảm lãi suất huy động hôm 6/5. Việc điều chỉnh này đã giúp Vietcombank giảm mạnh lãi suất cho vay và trở thành một trong các ngân hàng có mức lãi suất huy động và cho vay thấp nhất thị trường hiện nay.
Sau khi Vietcombank giảm lãi suất, sang ngày hôm nay (7/5), lãi suất huy động-cho vay của hầu hết các NH vẫn gần như “án binh bất động”. Trong khi đó, nhiều người gửi tiền tranh thủ “đảo sổ” chứ không để tự động chuyển chu kỳ như trước kia để được hưởng mức lãi suất huy động 7,5-8%/năm.
Vốn vào NH lớn nhưng khó tìm đầu ra
Theo ông Tô Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, nguồn vốn cho vay của các ngân hàng hiện không thiếu. Các NH đang thực hiện cho vay theo chính sách Chính phủ đề ra và thực sự có yếu tố tích cực tạo thuận lợi nhất đưa vốn vào nền kinh tế.
“Quan trọng là nhu cầu của người đi vay, phụ thuộc vào khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính doanh nghiệp hiện có. Đó là vấn đề quyết định DN đi vay. Vừa qua, số lượng doanh nghiệp tổn thương lớn đang chuyển hướng kinh doanh. Các DN này đang trong giai đoạn chờ đợi, tìm kiếm thị trường nên nhu cầu vốn không nhiều. Còn DN khó khăn chưa có giải pháp tháo gỡ và đầu ra đang khó khăn, ở góc độ nào đó ngân hàng phải xem xét cân nhắc nhu cầu vốn của DN. NH có tiền hoàn toàn có thể cho vay nhưng người vay phải cần vốn sản xuất kinh doanh thật sự. Đó là mấu chốt để tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng” – ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Đức Hưởng (Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Liên Việt) cho rằng NH thừa nguồn nhưng bẫy thanh khoản bất cứ lúc nào, nếu rơi vào bẫy này thì còn nặng hơn nợ xấu. “Nếu trần cho vay xuống dưới 9%, 4-6% vốn huy động thì tôi không gửi tiền mà mua USD lãi suất 2-3% cộng với biên độ 2-3% nữa. Ai cũng tính thế thì rút tiền mua USD, chứng khoán và sập bẫy ngay” – ông Hưởng dẫn chứng.
Trở lại với một điều tra của Viện nghiên cứu ngân hàng, cho thấy, quý I tổng cầu tăng trưởng rất thấp, đầu tư của NSNN giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2012 và so với năm 2011 giảm 9,5%. “Điều này phù hợp với việc phát triển kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào vốn ngân hàng” – ông Nguyễn Đức Trung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu ngân hàng cho hay.
Cũng theo điều tra này, lãi suất đóng vai trò rất mờ nhạt đến tăng trưởng tín dụng. Thống kê 70% DN trên sàn chịu được lãi trên 12%, 63% chịu được trên 15%. Thực tế thì ngân hàng đã giảm lãi suất xuống cho vay xuống 12% nhưng rất khó cho vay vì sợ nợ xấu cao.
“Cầu tín dụng thấp chủ yếu do khả năng tiêu thụ sản phẩm giảm nghiêm trọng, dẫn đến cầu phục vụ sản xuất kinh doanh sụt giảm” – ông Trung khẳng định.
Về tính thanh khoản của ngân hàng, trước tỷ lệ cho vay/huy động là 101%, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu là vô cùng xấu. Nay xuống mức 95% cũng vẫn rất cao. Chúng ta đang đứng trước vấn đề nan giải 4 tháng tăng trưởng tín dụng 1,5% huy động tăng hơn 5%. Huy động rất nhiều mà cho vay không tăng. Vậy có nên cho vay ra nhiều không. Đẩy mạnh tín dụng nữa sẽ lên 101% gây mất an toàn hệ thống. Vậy phải đẩy tín dụng ra thế nào trong khi vẫn giữ hệ số an toàn?
Cân bằng lợi ích DN-NH
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ bức xúc khi ngân hàng thì lãi mà DN thì lỗ. Ngành ngân hàng phải đặt vấn đề lợi nhuận có thực không? Nợ xấu rất cao, trong khi dự phòng rủi ro 70.000 tỷ là không đáng kể. Theo ông Hiếu, nếu trích lập đúng thì triệt tiêu lãi ngay và có thể ăn vào vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận ngân hàng phải nhìn nhận chính xác hơn. Nhiều ngân hàng dù nợ xấu cao, lỗ thật nhưng vẫn có lời chia cổ tức.
“Tôi nghĩ phải cẩn thận vì có khi lấy tiền huy động của dân trả cổ tức hoặc lấy ngay tiền của mình trả cho mình mà tưởng lãi, vì nợ xấu cao” – ông Hiếu bày tỏ nghi ngờ của mình.
Để DN có thể tiếp cận vốn và NH có thể giải phóng được nguồn vốn đã huy động, theo TS Hiếu, có thể áp dụng hình thức vay thế chấp và tín chấp, tạo lối thoát cho DN. Các DN đã cạn thế chấp họ đến vay phải được xem xét tín chấp. Nếu NH cứ đòi hỏi thế chấp thì không còn bao nhiêu người đủ điều kiện.
“Tôi biết câu đầu tiên họ hỏi DN khi đến vay vốn thế chấp là gì? Vì họ nghĩ rủi ro cho ngân hàng và cho cá nhân, mất vốn cá nhân chịu. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì chẳng bao nhiêu người được vay. Phải thực hiện cho vay tín chấp”.
Ông Hiếu đưa ra dẫn chứng với DN nhỏ mới thành lập 3-5 năm ở Mỹ, dù lỗ hay lãi vẫn được vay với điều kiện báo cáo tài chính minh bạch được kiểm toán độc lập. Trong khi đó, ở Việt Nam rất ít DN kiểm toán độc lập vì chi phí lớn và phơi bày hết yếu kém. “Nếu cho vay tín chấp thì phải được kiểm toán. Hai nữa người đi vay phải rõ ràng mục đích sử dụng vốn” – ông Hiếu khẳng định.
Bình luận về ý kiến này, ông Tô Ngọc Hưng cho rằng, cho vay ưu tiên số 1 là phương án kinh doanh nhưng cơ chế đảm bảo an toàn đang là vấn đề cản trở cho vay tín chấp.
Chia sẻ về bài toán khó mà DN và NH đang phải “giằng co” ông Nguyễn Đức Hưởng cho rằng: DN thua lỗ thì lãi suất 0% vẫn cao vì họ đã âm đầu ra, không có tiền để trả nợ gốc./.