Tái cơ cấu ngân hàng: Phải phanh phui rõ nợ xấu
VOV.VN - Nhiều người nghi ngờ cho tới nay chưa biết hết được nợ xấu của từng NHTM là bao nhiêu, sở hữu chéo thực chất là như thế nào.
Trong vòng 15 năm qua, Việt Nam đã ba lần tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về số lượng các ngân hàng thương mại (NHTM), chuyển đổi các NHTM cổ phần nông thôn lên NHTM cổ phần đô thị nhưng chưa thật sự gắn kết với việc đánh giá chất lượng quản trị ngân hàng đã tạo sự bất ổn, mất an toàn cho hoạt động ngân hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những việc phải làm trong quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng là thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất, quản lý sở hữu chéo; xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu chéo...
Sau hơn 2 năm, việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu, giúp hoạt động ngân hàng từng bước được cơ cấu lại theo hướng lành mạnh. Thanh khoản của hệ thống thương mại được bảo đảm, lãi suất liên ngân hàng được duy trì ổn định, xử lý căn bản với tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém, không hiệu quả...
Tuy nhiên, nợ xấu vẫn đang là một trong những khó khăn đối với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Việc xử lý nợ xấu đang gặp những bất cập như: Cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu. Song song với đó là tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam còn thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số NHTM cổ phần chưa phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.
(Ảnh: Internet)
“Việc này đã có một lộ trình tái cấu trúc, Ngân hàng đã đề xuất hẳn một lộ trình, cứ làm theo lộ trình đó, nhưng còn tùy thuộc vào sự quyết tâm của ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ. Số lượng phải giảm khoảng chục ngân hàng, những ngân hàng yếu quá, nhiều rủi ro thì phải giảm đi để vực ngân hàng thương mại lên”, ông Hồ chỉ rõ.
Thách thức lớn của công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là tình trạng tái cơ cấu sở hữu, bởi tình trạng sở hữu chéo và lũng đoạn rất lớn, cùng với đó là sự thiếu minh bạch về nguồn gốc vốn góp do năng lực vốn ảo, trong khi thiếu các chế tài để xử lý triệt để vấn đề sở hữu cũng sẽ khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi tái cơ cấu.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập, mặc dù đã tăng lên đáng kể về quy mô vốn và tài sản nhưng các thương vụ sáp nhập, hợp nhất thời gian qua mới chỉ về mặt cơ học, chứ chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị. Ngoài ra, các vấn đề khác của hệ thống ngân hàng như sở hữu chéo, cải thiện hệ thống quản trị ngân hàng, đặc biệt về quản trị rủi ro, quản trị đạo đức ngân hàng thì cho đến nay chưa có bằng chứng để tạo được niềm tin cho xã hội là đã giải quyết tốt.
“Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt với các NHTM cần phải làm mạnh hơn. Phanh phui cho hết nợ xấu thực chất là bao nhiêu? Nhiều người nghi ngờ cho tới nay chưa biết hết được nợ xấu của từng NHTM là bao nhiêu, sở hữu chéo thực chất là như thế nào. Nếu không có một sức ép thật mạnh để làm minh bạch hóa, đánh giá được tình hình thì rất khó có biện pháp để xử lí được chúng. Việc này là công việc của cả nước, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế nên Chính phủ, Quốc hội hoàn toàn có quyền đưa ra sức ép chứ không thể trông chờ ở sự tự giác của các đơn vị từ cơ sở lên được”, bà Phạm Chi Lan nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, ngành ngân hàng cũng nhận thấy những thách thức của quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu không thể làm một sớm một chiều. Ngành đã xác định 3 nguyên tắc then chốt: Cơ cấu phải là một quá trình thường xuyên, liên tục, thể hiện ở những chỉ đạo của Thống đốc NHNN đối với hệ thống tổ chức tín dụng. Trong quá trình hoạt động luôn đảm bảo sự an toàn và bền vững, không ăn theo lợi nhuận để rồi tiềm ẩn rủi ro gây ra đổ vỡ hệ thống ngoài tầm kiểm soát của mình. Để tái cơ cấu ngân hàng đạt kết quả như kỳ vọng thì tái cơ cấu doanh nghiệp phải được song hành.
“Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ngành ngân hàng nhận thấy được về phía ngân hàng đã cố gắng rất nhiều, nhưng hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, bên cơ cấu tài sản có, tài sản nợ của hệ thống ngân hàng đều là tiền gửi, tín dụng đối với doanh nghiệp, đối với cả cá nhân. Nếu tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng tập trung làm được nhưng tái cơ cấu của doanh nghiệp không song hành, không đi cùng thì doanh nghiệp ko thể có hiệu quả, ko thể tạo dòng tiền, ko thể trả được nợ xấu thì rất khó, cho nên việc tái cơ cấu cần song hành, hai trọng tâm còn lại sẽ phải thực hiện song hành”, bà Hồng chia sẻ.
Để quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đạt mục tiêu đề ra, cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát có hiệu quả lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phục hồi và tăng trưởng. Cùng với đó, cần minh bạch thông tin trong các tổ chức tín dụng, tiếp tục sáp nhập ngân hàng yếu kém, tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM./.