Tận dụng "mỏ vàng" phụ phẩm thủy sản
VOV.VN - Giá trị của nguồn phụ phẩm từ thủy sản được những người làm trong ngành ví là “mỏ vàng”, có thể đem về nguồn thu tỷ đô. Một số doanh nghiệp trong nước đã tận dụng được “mỏ vàng” này, nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Ở các nhà máy chế biến thuỷ sản lớn, lượng đầu tôm, vỏ tôm thải ra rất nhiều. Họ xem đây như rác thải. Chỉ có 55-65% phần của con tôm được sử dụng, còn lại là phụ phẩm. Ở một số nơi, chúng đang tạo ra những áp lực lớn về môi trường. Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2015, một số công ty bắt tay nghiên cứu, chiết xuất những tinh chất từ đầu, vỏ tôm.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Food cho biết, đầu, vỏ tôm có thể tạo ra chitosan phục vụ trong lĩnh vực y tế với giá bán lên đến 500 USD/kg: "Phụ phẩm từ cá hồi thì nó mang lại giá trị gấp 28 lần so với mặt hàng chính phẩm là thịt cá hồi. Còn đối với đầu vỏ tôm, thì hiện Việt Nam food đang mang lại giá trị 5-6 lần."
Nghiên cứu của Quỹ đầu tư Vietnam Investments Group thông tin, giá trị tạo ra từ phụ phẩm tôm tăng theo ứng dụng sản phẩm cuối như sau: ở ngành chăn nuôi giá trị tăng gấp 3-5 lần; ngành thực phẩm giá trị tăng gấp 5-10 lần; ở ngành thực phẩm chức năng tăng từ 15-20 lần; ngành dược phẩm tăng 20-30 lần.
Theo các chuyên gia, trong đầu tôm, vỏ tôm có rất nhiều thành phần có giá trị như protein, chiting, chất màu, khoáng, hữu cơ. Đây là nguồn nguyên liệu để chế biến các sản phẩm có giá trị.
Còn với cá tra, sau khi lấy thịt làm phi lê đông lạnh, toàn bộ phụ phẩm từ cá được đưa về Công ty Cổ phần Thuỷ sản Gò Đàng để tiếp tục khai thác phần còn lại như mỡ, bong bóng, bao tử làm các sản phẩm giá trị gia tăng khác cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Riêng xương thì được dùng chế biến thức ăn cho gia súc và gia cầm.
Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai chia sẻ, bên cạnh mỡ cá còn có bột cá tra cũng mang lại giá trị kinh tế cao: "Ngoài làm dầu cá thì với lượng đạm rất quý trong dịch đạm cá tra thì chúng tôi sẽ làm hạt nêm thay vì chúng ta làm bột cá cho thức ăn gia súc rất lãng phí. Sắp tới khi nhà máy thứ 3 đi vào hoạt động thì chúng tôi sẽ làm máu cá. Nghĩa là toàn bộ cá tra không bỏ cái nào cả. Và giá trị phụ phẩm còn cao hơn chính phẩm rất nhiều."
Trong các lĩnh vực nông nghiệp thì thuỷ sản có lượng phụ phẩm rất giá trị. Theo ước tính của các chuyên gia, tổng phụ phẩm các loại từ ngành chế biến thủy sản khoảng 1 triệu tấn. Các phụ phẩm thủy sản chủ yếu từ cá, tôm nuôi hoặc đánh bắt, nhưng bảo quản chưa phù hợp nên bị loại thải gây ra nhiều hệ luỵ về môi trường.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: "Nếu ô nhiễm môi trường thì rất kinh khủng. Nhưng nếu được chế biến thì có thể thu được vài chục tỷ USD, nếu chúng ta áp dụng khoa học và công nghệ. Tôi tin đây là một ngành mới và là một ngành khó nhưng nếu có sự đồng hành hỗ trợ của các Bộ ngành thì chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề của thực tiễn."
Theo các chuyên gia, hiện ngành chế biến phụ phẩm thủy sản Việt Nam mới đạt khoảng 275 triệu USD, nhưng nếu khai thác hết nguồn nguyên liệu hiện có thì có thể đạt 4 - 5 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp tham gia vào ngành chế biến sản phẩm từ phụ phẩm thuỷ sản gặp nhiều khó khăn về vốn và công nghệ./.