Tăng cường liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
VOV.VN - Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022” diễn ra sáng nay (10/11) tại Bắc Giang do Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức, các đại biểu cho rằng, ngoài nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP.
Sau gần 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Giang hiện có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao là vải thiều Lục Ngạn; 42 sản phẩm đạt 4 sao và 138 sản phẩm đạt 3 sao… Nhiều sản phẩm tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng như: gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn... tạo cơ hội thuận lợi tiêu thụ sản phẩm với nhiều nông đặc sản đạt tiêu chuẩn ở tầm quốc gia hướng tới xuất khẩu.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, định hướng phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới là lấy công nghiệp làm động lực, dịch vụ là điều kiện thúc đẩy và nông nghiệp là trụ đỡ, trong đó, xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn ở địa phương.
“Mặc dù mới thực hiện được gần 4 năm nhưng địa phương nhận thức sâu sắc trong triển khai chương trình bởi đây là chương trình gắn liền với phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, phát huy nội lực và gia tăng giá trị đảm bảo hiệu quả cho người sản xuất. Từ thực tế của địa phương, chương trình vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để thực hiện xây dựng nông thôn mới mà cả nước cũng như tỉnh Bắc Giang đang quan tâm” - ông Lê Bá Thành nói.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, các đại biểu đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện Chương trình trên cơ sở này đổi mới công tác đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong quản lý thực hiện chương trình.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến: “Do chủ thể liên kết là hợp tác xã nhưng các hợp tác xã quy mô rất nhỏ với số lượng ít thành viên. Thông qua liên kết sẽ tạo ra được sản lượng lớn, chất lượng sản phẩm tương đối đồng đều, đồng thời cũng phải hỗ trợ nâng cao trình độ sản xuất cho bà con nông dân cũng như là áp dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, vừa giữ được tính truyền thống văn hóa của dân tộc trong từng sản phẩm, nhưng cũng áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất và chất lượng, như vậy sản phẩm OCCOP mới sẽ vươn xa hơn”.
Theo ông Nguyễn Văn Vọng, Phó chánh văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, cần tăng cường liên kết trong xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm OCOP.
“Mong muốn kết nối tiêu thụ các sản phẩm COCOP của tỉnh Bắc Giang tại tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Bắc Giang cần hình thành trung tâm các sản phẩm OCOP của tỉnh đặt tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Hiện nay, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh thu hút hơn 12 triệu du khách, với nhu cầu rất lớn và đây là kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP thuận lợi mà chúng ta có thể tận dụng” - ông Nguyễn Văn Vọng nói.
Một số ý kiến cho rằng, cần xác định, khoanh vùng nguyên liệu và tổ chức sản xuất gắn với liên kết và phát triển các thương hiệu mà mỗi địa phương đã có và có lợi thế như tập trung phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký và phát triển các thương hiệu nhãn hiệu cho riêng mình, đây chính là động lực thúc đẩy mối liên kết “kéo” đối với sản phẩm của địa phương.
Ông Phương Đình Anh, Phó chánh văn phòng nông thôn mới Trung ương đề nghị: “Chúng ta đang có rất nhiều sản phẩm mà hiện nay vẫn chỉ đơn thuần là sản phẩm thô sản phẩm tươi và sản phẩm chưa qua chế biến ấy đang là một điểm yếu trong phát triển sản phẩm. Đây là điểm yếu nên chưa thực hiện hóa được mục tiêu là dịch chuyển trạng thái là từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Muốn chuyển sang kinh tế nông nghiệp phải tìm mọi cách để chúng ta nâng cao giá trị của sản phẩm đó. Bởi vì trong sản xuất nông nghiệp đến một ngưỡng nhất định chúng ta cũng chỉ đạt được sản lượng nhất định. Vì vậy phải chuyển ra đa giá trị cho sản phẩm lý thông qua sự sáng tạo của người dân ở nông thôn”./.