Tăng cường tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất trong dài hạn
VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 5/4/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng quý 1 năm 2024 mới đạt khoảng 0,9%, con số này khá thấp so với cùng kỳ các năm trước, vậy giải pháp nào để tín dụng cả năm nay đạt mục tiêu đề ra là 14-15%, cùng với đó duy trì ổn định hệ thống tài chính, kiểm soát nợ xấu?
Trong tuần, các ngân hàng đã rầm rộ công khai lãi suất cho vay bình quân. Tại Sacombank, lãi suất vay cơ sở được công bố với VND kỳ hạn 1-3 tháng là 4,2%/năm, kỳ hạn 10-12 tháng là 7,7%/năm. ACB công bố mức lãi suất cho vay cơ sở áp dụng cho toàn hệ thống là 8,7%/năm.
BIDV công bố thông tin trên trang web về lãi suất cho vay bình quân tháng 3 là 6,49%/năm. Như vậy, mức lãi suất bình quân đã giảm về mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất: “Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể giữ một mức lãi suất ổn định, kéo dài để tránh ảnh hưởng đến đầu tư dài hạn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp nói chung”.
Tại Công điện số 32 về giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng công khai mặt bằng lãi suất cho vay, thông tin triển khai các gói tín dụng trước ngày 10/4. Tổ chức nào không thực hiện thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân và không ngừng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Thực tế, lãi suất cho vay thời gian gần đây được đánh giá là đã khá hấp dẫn.
Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Tây Hồ cho biết, ngân hàng đang áp dụng gói lãi suất cố định cho vay trung và dài hạn ưu đãi.
“Cho vay trung và dài hạn chúng tôi đang áp dụng gói lãi suất cố định từ 18 tháng đến 3 năm, có các mức lãi suất thấp nhất là 6%/năm hỗ trợ cho khách hàng chủ động kế hoạch kinh doanh của mình trong những năm tiếp theo, không bị biến động bởi chi phí tài chính” - ông Nguyễn Xuân Hiệp nói.
Mức lãi suất đã trở về mốc khá hấp dẫn, nhưng tín dụng quý 1 tăng vẫn chậm. Các chuyên gia tài chính và ngân hàng thương mại cho rằng tăng trưởng tín dụng quý 1 chậm hơn so với cùng kỳ của các năm trước bất chấp thanh khoản đang rất dồi dào, nguyên nhân là do ảnh hưởng của yếu tố thời vụ.
Thông thường vào quý 4 hàng năm, tăng trưởng tín dụng sôi động, các hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Còn vào tháng 1, tháng 2, do trùng vào đợt nghỉ Tết Nguyên đán nên hoạt động tín dụng thường giảm. Năm nay còn có thêm một yếu tố nữa là kinh tế thế giới chưa khởi sắc, thị trường tài chính cũng chưa phục hồi mạnh mẽ cho nên ảnh hưởng đến đầu ra, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, kinh tế trong nước vẫn đang khó khăn, cầu tín dụng suy giảm nên tăng trưởng tín dụng thấp.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng MB cho biết: “Nhu cầu tiêu dùng của người dân đã đáp ứng từ cuối năm ngoái, sang đến đầu năm nay, nguồn cầu đã cạn, số người trả nợ nhiều hơn người đi vay, đó là lý do vì sao tín dụng các tháng đầu năm lại thấp như vậy”
Về nguyên nhân chủ quan, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn. Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.
Huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường thị trường trái phiếu, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... nên khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước một mặt đổi mới cơ chế điều hành, chỉ đạo hoạt động tín dụng, đổi mới phân bổ chỉ tiêu, tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại và cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực, mạnh dạn chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp người dân tiếp tục vay vốn, khắc phục khó khăn.
Bên cạnh đó chúng tôi tiếp tục duy trì chính sách đã duy trì từ khi có dịch Covid-19 đó là chính sách giãn hoãn nợ, lãi vay, cho các doanh nghiệp đang khó khăn, chưa trả nợ được cho ngân hàng, chúng tôi sẽ nghiên cứu kéo dài Thông tư 02 đến thời điểm phù hợp”.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân hiện ở mức 3,3% một năm. Lãi vay khoảng 6,4% một năm với các khoản vay mới. Các mức này hạ lần lượt 0,2% và 0,7% so với 2023… Trong buổi làm việc mới đây với Thủ tướng, các ngân hàng bày tỏ lo ngại khi hàng trăm nghìn tỷ đồng “đóng băng”; ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng vay có thu hồi được không và nỗi lo nợ xấu tăng cao là một rào cản. “Cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp” hay là vấn đề cho vay doanh nghiệp lỗ.
Đây là những vấn đề rất lớn, các ngân hàng thương mại vẫn e sợ khi không có được sự bảo đảm từ cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không thu được nợ mà lại thiếu tài sản bảo đảm hay giải ngân cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Những vướng mắc này cần được tháo gỡ từ nhiều phía, các bộ, ngành chứ không chỉ riêng hệ thống ngân hàng.