Tăng độ đàn hồi cho “lò xo” kinh tế
VOV.VN-Nền kinh tế như chiếc lò xo đang bị dồn nén, phải có các giải pháp gia tăng “độ đàn hồi” để chịu được sức nén lớn hơn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Để tránh cho dòng chảy kinh tế bị đình trệ, thì “đồng tiền” đi trước là đồng tiền hiệu quả trong việc khơi thông những ách tắc của sản xuất – kinh doanh cho nền kinh tế. Do đó, động thái sớm nhất đã thuộc về ngành ngân hàng với Thông tư 01 quy định việc tổ chức tín dụng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối tháng 3 tháng vừa qua, tín dụng ngân hàng đưa vào toàn nền kinh tế tăng 1,3% so với đầu năm. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tín dụng hầu như không tăng trong 2 tháng đầu năm. Theo kế hoạch năm 2020, tăng trưởng tín dụng ngân hàng từ 11-14%, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng, tức là còn dư địa rất lớn vì quý 1 mới tăng 1,3%.
Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành đảm bảo cung ứng và cam kết đảm bảo đầy đủ vốn cho nền kinh tế với lãi suất thấp hơn. Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt các diễn biến thị trường trong nước và nước ngoài để có các điều chỉnh về chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa nếu cần thiết; sẽ chỉ đạo toàn bộ hệ thống ngân hàng triển khai mạnh mẽ các giải pháp lãi suất, cơ cấu lại nợ cho vay mới trên phạm vi toàn quốc”.
Cần có các giải pháp để tăng "độ đàn hồi" cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh. (Ảnh minh họa: KT) |
Về chính sách tài khóa, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41, với tinh thần là gia hạn 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất. Bộ Tài chính đang tiếp tục đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ ngày 1/7 năm nay. Điều này có nghĩa, chính sách này được thực hiện sớm nửa năm so với lộ trình ban đầu dự kiến áp dụng từ 1/1/2021, để sớm hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này vượt qua khó khăn của dịch Covid-19.
“Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp. Đồng thời, cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Trường hợp thực hiện từ tháng 7 thì dự kiến khoảng 700.000 doanh nghiệp, tương đương 93% tổng số doanh nghiệp cả nước được hưởng lợi, giảm nghĩa vụ nộp ngân sách khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các Bộ và cơ quan liên quan để rà soát và thực hiện cắt giảm nhiều loại phí và lệ phí cho doanh nghiệp và người dân. Đơn cử như miễn lệ phí môn bài cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thành lập mới, chi nhánh của doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập trong thời gian được miễn lệ phí môn bài. Giảm 50 - 70% phí liên quan đến thủ tục khởi sự doanh nghiệp. Tổng số phí và lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 ước khoảng 500 tỷ đồng.
Về phía các địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cam kết: “Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ triển khai kịp thời đầy đủ chính sách của Chính phủ để hỗ trợ hoạt động kinh doanh miễn giảm thuế doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng để doanh nghiệp tìm vốn khôi phục sản xuất sau dịch bệnh và đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong thủy sản, may mặc, gia tăng sản xuất công nghiệp tạo việc làm cho người dân, ổn định thương mại; theo dõi và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trên dịch vụ công mức độ 3,4 tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chuyên gia Đức: Kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy nhanh sau Covid-19
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực của dịch Covid-19, Hội nghị của Chính phủ với các địa phương đã thực sự là một “Hội nghị Diên Hồng”, kêu gọi “Tổng động viên trên cả “4 mặt trận”, là sản xuất kinh doanh, đầu tư công, hỗ trợ người dân và ứng phó với dịch bệnh.
Theo đó, “5 mũi giáp công” đã được xác định, là “Mở ngân khố, Nới tiền tệ, Đẩy đầu tư, Nhanh thể chế và Khai thị trường”. Từ góc độ cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng, Chính phủ và các bộ ngành thực thi mạnh mẽ, đồng bộ cả “5 mũi giáp công” này để đạt hiệu quả cao nhất. Đó cũng là cách để nền kinh tế nước ta, như chiếc “lò xo” đang bị dồn nén, có thể gia tăng sức bền để chịu được sức nén lớn hơn trong bối cảnh ngày càng phức tạp của dịch bệnh, cũng như tạo ra được sức bật mạnh mẽ hơn sau khi dịch kết thúc./.