Tăng giá điện phải đi liền với minh bạch thông tin doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh tăng giá điện cần thực hiện nghiêm việc minh bạch cả chính sách lẫn thông tin doanh nghiệp.

Giá điện tăng 5% khiến CPI tăng khoảng 0,369%

Lâu nay, mỗi khi tăng giá điện là giá cả thị trường cũng tăng. Dư luận cũng luôn rộ lên những thắc mắc về sự thật mức ảnh hưởng của giá điện với giá các mặt hàng khác. Trong đó có những nghi hoặc về sự minh bạch của con số phần trăm tăng giá các mặt hàng khác khi tăng giá điện và cơ sở nào để tính ra con số đó, tính thực tế của những thông tin liên quan.

Về nghi vấn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ giải thích: Việc tính tăng giá của các mặt hàng, cụ thể là điện đến các mặt hàng khác phải dựa vào định mức kinh tế-kỹ thuật của nhiều ngành. Ví dụ, trong ngành luyện thép, định mức sử dụng điện cho 1 tấn thép cán là 163 kWh điện, chiếm 1% giá thành.

Các cơ quan chuyên môn tính toán rằng, khi giá điện tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua 2 vòng. Vòng 1, tác động trực tiếp qua chi phí, theo như con số thống kê, cứ tăng 1% giá điện thì tác động tới 0,0246% chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Như vừa rồi, giá điện tăng 5% thì tác động tới CPI 0,153%. Tác động tại vòng 2 gấp khoảng 2 lần vòng 1, có nghĩa là giá điện tăng 1% thì tác động tăng 0,0492% CPI.

Tính cả vòng 1 và vòng 2, giá điện tăng 5% khiến CPI tăng khoảng 0,369%.

Liên quan đến vấn đề giá điện và chính sách hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, khi Nhà nước tăng giá điện đều có tuyên bố chính sách hỗ trợ đối tượng tiêu dùng này. Trong đó, chính sách cụ thể không tăng giá điện từ mức 0 - 100kWh. Các hộ sử dụng 50kWh được tính giá 992 đồng như hiện nay, các hộ sử dụng 100kWh thì ở mức 1.242 đồng. Mặt khác, những hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp 30.000 đồng.

Như vậy, ngoài việc điều chỉnh giá để sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, đảm bảo đủ điện, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp người nghèo. Với chính sách như vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, giá điện 2012 về cơ bản đáp ứng được giá thành kế hoạch, phân bổ thêm 1 phần lỗ của năm 2011, cũng như đáp ứng được một phần giá bán than sẽ được điều chỉnh 80% so với hiện nay.

Với tinh thần đó, năm 2012 giá điện sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ phải tính toán kỹ và vẫn phải thực hiện 2 mục tiêu. Một là, đến năm 2013, thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu thứ hai là đồng thời kiềm chế lạm phát dưới 1 con số (Chính phủ đã đặt mục tiêu khoảng 9%).

Phải minh bạch cả chính sách lẫn thông tin doanh nghiệp

Câu chuyện về giá điện và những bức xúc của dư luận quanh chủ đề “minh bạch” giá cả và những thông tin chỉ đạo, điều hành của cơ quan chức năng, một lần nữa khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính phải trần tình: “Tôi phải khẳng định rằng, minh bạch và công khai là những điều kiện tiên quyết để điều hành, quản lý nền kinh tế nói chung, trong đó có quản lý về giá cả, nhất là đối với những mặt hàng, vật tư có ý nghĩa chiến lượng như điện, than, xăng dầu…”

Để thực hiện giải pháp này trong lĩnh vực quản lý giá, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, phải minh bạch cả khâu chính sách cũng như thông tin của doanh nghiệp. Về chính sách, phải công khai minh bạch ngay khi xây dựng pháp luật. Bộ Tài chính được Chính phủ, Quốc hội giao xây dựng Luật Giá trình Quốc hội. Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ nhất về Luật này tại kỳ họp tháng 10, 11/2011 vừa rồi. Đến tháng 4, 5/2012 này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật này.

Trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật này, dự thảo đang tiếp tục được tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các thành phần trong xã hội, đặc biệt Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu,… những tổ chức đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh công khai minh bạch chính sách, Nhà nước cũng yêu cầu minh bạch công khai chi phí, giá thành của tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Năm 2012, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Còn Thanh tra Bộ Tài chính sẽ thanh tra các đầu mối bán điện giá cao cho EVN để làm rõ cơ cấu chi phí, giá thành trong kinh doanh điện lực, phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan làm tăng giá thành, theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân chỉ chấp nhận bù đắp cho các doanh nghiệp những chi phí thực sự khách quan.

Còn nhớ, từ kỳ họp Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp tiết giảm chi phí quản lý từ 5-10%. Và năm nay, Nghị quyết 01 của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 2012 đưa chỉ tiêu tiết giảm này của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là một chỉ tiêu pháp lệnh của năm 2012.

Với quyết tâm của Chính phủ trong năm mới, thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Với những động thái này, nhân dân cả nước đang hy vọng thị trường kinh doanh điện sẽ ngày càng minh bạch hơn, đặc biệt là sẽ tránh cảnh “bão giá đa phương, đa ngành hàng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên