Tăng giá xăng: Chỉ người dân là lãnh đủ!
VOV.VN -Giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo và mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ khó đạt được?
Lần điều chỉnh giá xăng hôm 18/12 khiến nhiều DN “giật mình” vì quá đột ngột và lại cận Tết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục phó Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thúy Nga thì: “Hiệu ứng tăng giá do xăng dầu được đánh giá là không lớn. Việc tăng giá xăng dầu sẽ không tác động lớn đến giá cả các mặt hàng Tết”.
Ngoài ra, cũng theo bà Nga, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành địa phương đều đã có các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý điều hành giá nhằm bình ổn giá trong dịp Tết Giáp Ngọ.
Đó chỉ là tính toán của nhà quản lý. Còn thực tế thì sao? Người dân vẫn phải mua hàng Tết giá cao đấy thôi vì cơ quan quản lý nào mà đi xuể từng cửa hàng, từng ngõ ngách, khu chợ… để biết được ở đó các mặt hàng đã tăng giá.
Mỗi lần tăng giá một trong các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, nước… đều tạo hiệu ứng domino về giá cả với hầu hết các mặt hàng tiêu dùng.
Mỗi mớ rau thơm, cọng hành ở chợ lại có thêm một mức giá mới! (ảnh V.H) |
Ngay sau khi tăng giá xăng dầu, nhiều DN vận tải đã phải tính đến bài toán tăng giá dịch vụ vận tải vì xăng dầu chiếm khoảng 40-50% giá thành vận tải. Cuối cùng, người dân phải chịu trực tiếp việc tăng giá này vì phải mua hàng hóa, mua vé đi lại, thậm chí là mua xăng để đổ vào xe máy đi làm. Nhiều chuyên gia lo ngại, với lần tăng giá xăng này, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ khó đạt kết quả trong giờ chót.
Đại diện một DN sản xuất nhựa có nhà máy ở Hải Dương trao đổi với VOV cho biết, ngay khi có thông tin tăng giá, lãnh đạo DN đã họp bàn với bộ phận kinh doanh tính toán lại giá thành sản phẩm. Bởi lẽ, đơn vị vận chuyển hàng cho Công ty đã thông báo sẽ tăng giá cước vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu. “Không còn cách nào khác, chúng tôi phải tăng giá bán sản phẩm” – đại diện DN này nói.
Còn tại các chợ, giá các mặt hàng đều được điều chỉnh tăng cùng với giá xăng dầu. Tại chợ Khương Trung (Thanh Xuân-Hà Nội), giá một kg cà chua hôm nay cũng tăng 500 đồng/kg so với ngày thường. Khi thắc mắc với người bán hàng: “Bộ Tài chính đã yêu cầu không được lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá bán các mặt hàng, không được té nước theo mưa. Vậy sao giá xăng vừa tăng các bác đã tăng giá rau rồi?” thì nhận được câu trả lời: “Thế hỏi xem ai đã tạo ra mưa để chúng tôi té?”.
Lo lắng nhất sau đợt tăng giá xăng dầu lần này là những công nhân, những người thu nhập thấp. Bình thường, họ đã phải chi tiêu căn cơ để có tiền mua xăng, tiền mua gạo, tiền điện, tiền nước… Giờ giá xăng tăng, mỗi lần đổ xăng đã “ăn lẹm” vào khoản ngân quỹ eo hẹp của mỗi công nhân gần 2.000 đồng. Chị Lê Vân Anh, công nhân Khu công nghiệp Sài Đồng (Hà Nội) cho biết: Mỗi bữa trưa tôi chỉ dám ăn suất cơm 10.000 đồng, giờ xăng tăng giá chắc suất cơm ấy sẽ không có giá như vậy nữa”.
Vẫn biết, kinh doanh xăng dầu đang tiến dần tới việc “theo thị trường” nhưng nhiều người đặt câu hỏi: Liệu từ trước tới giờ đã theo thị trường hay chưa?
Trả lời trên tờ Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam yêu cầu: “Xăng dầu phải minh bạch, cách tính giá xăng dầu đầu vào, giá nhập khẩu ở từng thời điểm, giá thế giới. DN lỗ, lãi bao nhiêu, quỹ bình ổn xăng dầu được sử dụng như thế nào... Việc không công khai, không ngoại trừ khả năng có việc mua cơ chế thông qua việc điều hành xăng dầu của liên bộ Công thương, bộ Tài chính".
Trong thông cáo được phát đi chiều 18/12, Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng giá gần xăng dầu lần này là bất khả kháng. Giá xăng dầu thế giới trong 30 ngày gần đây tiếp tục có biến động tăng và duy trì ở mức cao. Bởi lẽ, bình quân 30 ngày gần đây từ ngày 18/11/2013 đến 17/12/2013 giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, cụ thể như sau: giá xăng RON 92: 114,52 USD/thùng; dầu điêzen 0,05S: 125,82 USD/thùng; dầu hỏa: 125,61 USD/thùng, dầu madut 180 cst: 609,36 USD/tấn.
Liên bộ Tài chính-Công thương đã cân nhắc và sử dụng hết các biện pháp cần thiết như thuế, Quỹ Bình ổn giá. Mức thuế đối với mặt hàng xăng là 18%, dầu hỏa 16%, madút 15% và dầu diezel 14%.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng đã được Bộ Tài chính cho phép các DN sử dụng “hết công năng”. Số dư quỹ ước đến hết ngày 10/12 chỉ còn khoảng 72 tỷ đồng, trong đó có 7 doanh nghiệp đã bị âm quỹ. Riêng Petrolimex, đơn vị chiếm hơn 50% thị phần, còn dương 239 tỷ đồng trong quỹ./.