Tăng giá xăng, nghĩ nhiều đến giảm phát
Sản xuất còn đang khó khăn, nhiều DN phải dừng sản xuất cho nên yếu tố giảm phát nhiều hơn lạm phát.
Giá xăng bất ngờ tăng hôm 7/3 khiến nhiều người lo ngại việc giữ lạm phát năm 2012 ở mức 1 con số sẽ khó thành hiện thực. Xung quanh nội dung này, phóng viên VOV online có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền – Hội đồng Tư vấn Tài chính – Tiền tệ (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)
PV: Thưa bà, bà có cho rằng Bộ Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu tăng 10% trong chiều hôm qua (7/3) sẽ làm tăng CPI năm 2012?
Bà Nguyễn Thị Hiền: Giá xăng dầu trong nước tăng do ảnh hưởng của giá thế giới. Nếu giá thế giới tiếp tục tăng thì chúng ta cũng phải chuẩn bị cho việc tăng giá tiếp theo. Mình phụ thuộc vào giá thế giới thì phải chấp nhận điều chỉnh. Các cơ quan chức năng đã giảm thuế nhập khẩu về mức 0% mà vẫn không thể chịu đựng được thì buộc phải tăng.
Đương nhiên, giá xăng dầu tăng thì sẽ ảnh hưởng đến đầu vào của giá nhiều mặt hàng. Tôi cho rằng, riêng năm nay việc tăng giá này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát vì yếu tố để tăng giá không có nhiều. Mặt khác, hiện nay sản xuất còn đang khó khăn, nhiều DN phải dừng sản xuất cho nên yếu tố giảm phát nhiều hơn. Tôi cho rằng, tăng giá xăng không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát mà sẽ khó khăn nhiều cho các DN trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tôi lo ngại phía đó nhiều hơn.
PV: Vậy chúng ta đã lường trước được việc này, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hiền: Lạm phát thấp trong năm 2012 đã được dự báo từ cuối năm 2011 vì các ngành sản xuất gặp nhiều khó khăn, họ không có được đầu ra như mong muốn do đó giá hàng hóa bị kìm nén. Như vậy, Nhà nước phải có biện pháp kích thích để cho doanh nghiệp có thể tái đầu tư và đầu tư mở rộng sản xuất.
Lạm phát và tăng trưởng là câu chuyện gắn bó nhưng không phải lúc nào lạm phát cao cũng có tăng trưởng cao. Để có tăng trưởng cao thì không phải bằng cách kích thích lạm phát. Chẳng hạn Trung Quốc tăng trưởng 8% trong nhiều năm liên tiếp nhưng họ không lạm phát cao. Điều hành vĩ mô quan trọng chỗ đó, chứ không phải hai chỉ tiêu này gắn bó với nhau theo một quy luật bất di bất dịch.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát, thị trường và người tiêu dùng. Cái nhìn thấy rõ nhất sẽ là mục tiêu lạm phát một con số mà Chính phủ đề ra sẽ gặp khó. Hôm 6/3, trong phiên họp báo Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Năm nay, chúng tôi điều hành lãi suất theo hướng kiềm chế lạm phát. Chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng trong kiềm chế lạm phát nhưng không phải là tất cả (còn các yếu tố giá cả trong nước, quốc tế…). Nếu các yếu tố khác diễn biến theo chiều hướng thuận lợi có thể giảm lạm phát năm nay xuống dưới 10% thì với các biện pháp đã đề ra trung bình mỗi quí sẽ giảm lãi suất xuống 1%. Với chiều hướng như vậy thì năm nay lãi suât huy động trong hệ thống NH cũng chỉ ở xung quanh 10%./. |
PV: Ngân hàng Nhà nước mới rục rịch giảm lãi suất xuống 1% trong khi giá xăng lại tăng 10%. Điều này có phải chúng ta đang thả đầu này và bóp đầu kia hay không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hiền: Một cách rất logic là một động thái giảm lãi suất hỗ trợ cho việc tăng giá xăng dầu. Bởi vì, đầu vào tín dụng của DN sẽ giảm sức ép. Đây là một sự phối hợp tương đối nhịp nhàng. Việc hạ lãi suất tín dụng là cần thiết để khởi động cho DN làm ăn phấn chấn hơn trong năm 2012.
PV: Lý do DN đưa ra để tăng giá xăng là đang thua lỗ. Thế nhưng hạch toán lỗ lãi phải hết năm mới biết chính xác được. Vậy theo bà, chúng ta có phải cân nhắc kỹ hơn khi tăng giá xăng hay không?
Bà Nguyễn Thị Hiền: Tất nhiên, việc hạch toán lỗ lãi là trong 1 năm nhưng trong kinh doanh từng chu kỳ sản xuất đều có thể nhận định được lỗ - lãi, thậm chí là từng ngày. Nếu DN thấy khó khăn thì sẽ ngừng sản xuất.
PV: Tiếp theo giá xăng, điện, than và một loạt mặt hàng khác lại nhăm nhe tăng giá. Điều này có đáng lo ngại cho lạm phát năm 2012 hay không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hiền: Giá than tăng là trong nhãn tiền, vì ngành than cũng đang rất khó khăn. Theo đó, giá điện cũng phải tăng theo. Giá điện năm ngoái dự định tăng 15% trong năm 2012 thì cuối năm đã tăng 5% rồi, năm nay sẽ tăng thêm nốt 10% nữa. Đấy là những kế hoạch đã được định sẵn. điều này cũng ảnh hưởng đến đầu vào của DN. Trước thực tế này DN cần có động thái để giảm tiêu thụ nhiên liệu, điện năng và tăng hiệu quả sản xuất. Tăng giá các mặt hàng này cũng tác động vào lạm phát tuy nhiên nó không ảnh hưởng lớn lắm đến lạm phát 2012 với những yếu tố kìm hãm lạm phát như đã nêu.
PV: Ngay quí đầu tiên nền kinh tế đã phải chịu cú sốc mạnh về tăng giá, vậy việc điều hành kinh tế những tháng tiếp theo sẽ phải thế nào?
Bà Nguyễn Thị Hiền: Điều hành lạm phát theo tính chất gián tiếp vĩ mô chứ Nhà nước không thể có một quyết định trực tiếp nào đến thị trường được. Những công cụ vĩ mô này nằm trong tay Nhà nước như công cụ lãi suất, cấp tín dụng ưu đãi cho một số ngành then chốt… nhưng dư địa không phải là lớn. Vì ngân sách không phải lúc nào cũng lo tín dụng cho ngành kinh tế mà còn lo các vấn đề an sinh xã hội. Do đó, trông vào công cụ vĩ mô để giảm đầu vào cho DN không phải được nhiều lắm đâu mà cái chính phải là nỗ lực của DN. Còn chính sách của NN giảm những chi phí đầu vào, giảm thủ tục hành chính, những chi phí làm cho đầu vào sản xuất bị tăng lên quá cao, chi phí gián tiếp, giao thông, cảng, hành chính… chứ không thể có độngn tác nào can thiệp trực tiếp vào thị trường được.
PV: Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nếu các điều kiên kinh tế ổn định như 2 tháng qua thì có thể mỗi quí giảm được 1% lãi suất. Vậy với những diễn biến như hiện nay, theo bà mục tiêu này có đạt được hay không?
Bà Nguyễn Thị Hiền: Chính sách tiền tệ rất quyết định đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tôi nghĩ rằng không phải Thống đốc nói chơi. Hy vọng, đến cuối năm lãi suất đầu vào sẽ xuống 10%. Mức này cũng vẫn là quá cao so với một nền kinh tế phát triển bình thường. Nếu không hạ xuống mức đó thì không đạt được mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2012.