Tăng thị phần của nước mắm truyền thống bằng đa dạng kênh phân phối
VOV.VN - Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống nên xây dựng các tiểu thương thành đại sứ cho sản phẩm của mình và đa dạng kênh phân phối.
Tại Hội thảo "Nâng cao giá trị- phát triển thị trường cho nước mắm truyền thống" diễn ra cuối tuần qua, Hội Lương thực thực phẩm TP HCM đưa ra con số trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 250 triệu lít nước mắm. Trong đó, chỉ có khoảng 60 triệu lít nước mằm truyền thống, còn lại là nước chấm công nghiệp. Kết quả thống kê của một số công ty nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, nước chấm công nghiệp đang chiếm 70% thị phần nội địa.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khâu phân phối nước mắm truyền thống rất yếu, ở chợ thì ít được trưng bày, quảng bá, ở kênh phân phối hiện đại cũng chưa có hình thức thu hút khách hàng…
Hiện mới chỉ có khoảng 60 triệu lít nước mằm truyền thống trên tổng số 250 triệu lít nước mắm các loại được tiêu thụ mỗi năm. |
Trong khi đó hiện nay, tiêu thụ nước mắm nhiều nhất là thông qua kênh phân phối truyền thống (chiếm 90%), nhất là tại các chợ (chiếm 50%). Đa số người bán lẻ đều nhận biết, phân biệt được nước mắm truyền thống, nước chấm công nghiệp. Đồng thời, tiểu thương đang dành nhiều sự ủng hộ cho nước mắm truyền thống và sẵn sàng phổ biến cho người mua về thành phần, công thức của nước mắm, nước chấm để người mua lựa chọn.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, nước mắm truyền thống cần tiếp tục giữ vững chất lượng, cải tiến mẫu mã, có thêm các hình thức tiếp thị, thu hút người tiêu dùng, đa dạng hóa kênh phân phối.
Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống nên xây dựng các tiểu thương thành đại sứ cho sản phẩm của mình bằng truyền thông, cung ứng hàng đúng hẹn, chăm sóc hàng hóa, trả thưởng…Còn ở kênh phân phối hiện đại thì cần tạo ra sự khác biệt để tiếp cận khách hàng. Có như thế, thị trường nước mắm truyền thống mới có thể mở rộng, thị phần nội địa mới có thể tăng trưởng.
Ông Phan Thành Nhơn, Giám đốc vận hành Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP HCM cho biết, kênh phân phối từ tiểu thương và người bán lẻ trong chợ đến người tiêu dùng cuối cùng không phải là mối quan hệ mua bán thông thường mà gần như là mối quan hệ bạn bè, tin tưởng lẫn nhau. “Chính mối quan hệ cuối cùng để đến người tiêu dùng này đã thuộc về khái niệm nước mắm truyền thống. Đó là thế mạnh rất lớn mà các doanh nghiệp cần phải khai thác”, ông Nhơn nói./.
Nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp nên mua loại nào?