Tăng thuế giá trị gia tăng lên 12%: Ai chịu gánh nặng?
VOV.VN - Các chuyên gia khuyến cáo cần cân nhắc nhiều phương án và tăng thuế nên là giải pháp cuối cùng, tránh gây tác động đến kinh tế, xã hội.
Bộ Tài chính vừa đề xuất chuyển một loạt hàng hoá từ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) lên chịu thuế, những nhóm hàng đang áp mức 5% hiện tại lên 10% và tăng mức thuế VAT thông thường từ 10% lên 12%. Đây là loại thuế gián thu và đánh trực tiếp vào người tiêu dùng.
Tăng thuế VAT sẽ tác động tăng giá hàng hóa, dịch vụ và tác động tới đời sống của người dân và nền kinh tế. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, trong bối cảnh Ngân sách Nhà nước đang đứng trước nhiều áp lực, đặt biệt là giảm thuế theo lộ trình hội nhập quốc tế khiến nguồn thu ngân sách sụt giảm, việc Bộ Tài chính tìm các kênh để bù hụt thu là điều dễ hiểu.
“Nếu tăng thuế VAT ở mức độ nhất định, trong điều kiện giá cả đang ổn định và dùng tiền chi tiêu cho mục đích về phúc lợi là một cách điều hành ngân sách. Tuy nhiên tăng thuế sẽ dẫn đến tăng giá (mặc dù không nhiều) và những tác động khác nên cần phải tính toán cụ thể. Trong điều kiện Chính phủ đang thiếu nguồn thu, chi tiêu phúc lợi cũng hạn chế, muốn có nguồn thu cần tính đến tăng thuế cũng là hợp lý”, TS. Tuyến nêu quan điểm.
Tuy nhiên, thực tế, thuế giá trị gia tăng đang được áp dụng lên rất nhiều hàng hóa, dịch vụ mà hằng ngày mọi người dân sử dụng, từ ăn uống, học hành, chữa bệnh, du lịch, giải trí, đi lại.... Do đó, tăng thuế sẽ tác động tăng giá hàng hóa, dịch vụ, điều này sẽ tác động tới đời sống của người dân và nền kinh tế.
Sửa thuế tiêu thụ đặc biệt: Tăng thuế thuốc lá, đánh thuế nước ngọt
“Nếu tăng thuế trực thu mới đánh vào người giàu, người có thu nhập cao và thuế thu nhập cá nhân theo lũy tiến sẽ bình đẳng hơn. Nếu chỉ tăng thuế giá trị gia tăng sẽ điều tiết dàn đều, người giàu và người nghèo cũng chịu như nhau”, bà Thìn cho biết.
Mặc dù chưa có sự đo lường chính xác về độ tác động đến thị trường của chính sách này, tuy nhiên theo các chuyên gia, khi thuế tăng thì giá cả hàng hóa sẽ tăng. Trước đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần rà soát kỹ, có thể tăng ở một số mặt hàng không thiết yếu, không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá, nước ngọt…Còn những mặt hàng thiết yếu gắn với yếu tố đầu vào của sản xuất mà làm tăng giá thành, thì cần hết sức cân nhắc.
“Không nên tăng đồng loạt cùng một mức cho tất cả các mặt hàng, nên lọc để có mức tăng, lộ trình và thời điểm tăng thích hợp, tránh sốc cho nền kinh tế và không ảnh hưởng tới nhiều mục tiêu khác như ổn định sản xuất, an sinh và quyền lợi của người dân. Bên cạnh tăng thu ngân sách cũng cần cải cách thủ tục hành chính, bộ máy để giảm chi tiêu thường xuyên còn nếu cứ giữ nguyên thế mà tăng thu ngân sách thì không giải quyết được vấn đề”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Bộ Tài chính cho biết, mới đang đề xuất chính sách sửa đổi luật thuế để phù hợp với thực tế. Các chuyên gia khuyến cáo cần cân nhắc nhiều phương án và tăng thuế nên là giải pháp cuối cùng, tránh gây tác động đến kinh tế, xã hội. Trường hợp vẫn tăng thuế thì cần rà soát và phân loại các nhóm hàng chịu thuế cao. Đồng thời tái cơ cấu thu chi ngân sách, giảm chi tiêu thường xuyên, giảm áp lực lên ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cho biết, lý do của việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng vì trong quá trình thực hiện, Luật thuế Giá trị gia tăng hiện hành phát sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, ở nhóm đối tượng không chịu thuế VAT như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất chuyển nhóm này từ không chịu thuế lên chịu thuế VAT.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất, các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ lên 6%; mặt hàng đang chịu thuế 10% lên 12%, bắt đầu từ 1/1/2019. Lý giải về mức tăng này, Bộ Tài chính nhận định mức thuế suất thông thường 10% hiện nay là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ Tài chính dẫn chứng, nhiều nước trên thế giới điều chỉnh tăng loại thuế này. Ví dụ thuế suất trung bình tại các nước EU từ 19% (năm 2000) tăng lên gần 21,5% (năm 2014). Các nước xung quanh như ở Lào, Indonesia, Campuchia mức thuế phổ thông là 10%, Philippines là 15%, Trung Quốc mức thuế phổ thông là 17%, ưu đãi là 13%.../.
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam: “Nếu so với mức thuế suất thuế GTGT thông dụng của một số quốc gia trong khu vực thì mức 12% được đề xuất là mức khá cao. (Indonesia 10%, Malaysia 6%, Myanmar 5%, Singapore 7%, Hàn Quốc 10%, Đài Loan 5%, Thái Lan 7% - Nguồn Asia Briefing).
Việc tăng thuế gián thu, cụ thể là thuế GTGT, sẽ góp phần làm tăng chi phí chung trong nền kinh tế khi người tiêu dùng cuối cùng phải chịu một khoản chi phí thuế cao hơn.
Điều này dẫn tới hai vấn đề. Một là việc tăng thuế có thể khiến chi tiêu sụt giảm, ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ hai, nếu hiệu quả sử dụng ngân sách không bù đắp được sự suy giảm từ cắt giảm chi tiêu thì có thể khiến chính sách tăng thuế không hiệu quả. Như vậy, cùng với lộ trình tăng thuế, Chính phủ và Bộ Tài chính cần có giải pháp tổng thể nhằm tăng hiệu quả sử dụng từng đồng thuế, đặc biệt tăng hiệu quả đầu tư công"./.