Tăng tín dụng ngoại tệ âm 13,6%
VOV.VN -Tính chung, huy động hệ thống ngân hàng tăng trên 11% nhưng tín dụng đầu ra chỉ trên 6%.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 26/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Người Phát ngôn của Chính phủ thông báo về một số nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2013 diễn ra ngày 26/10, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, phương hướng trong thời gian tới.
Đáng lưu ý, một chỉ số cộng đồng doanh nghiệp quan tâm liên quan đến tiền tệ là huy động hệ thống ngân hàng tăng trên 11% nhưng tín dụng đầu ra chỉ trên 6%. Nhưng nếu phân tích sâu thì tăng tín dụng VND là 11,5% còn tăng tín dụng ngoại tệ lại âm 13,6%. “Việc thực hiện các chính sách quản lý ngoại tệ, kiểm soát đối tượng vay ngoại tệ khi nhập khẩu các loại hàng hóa không khuyến khích nên có sự cơ cấu lại tăng tín dụng” – ông Đam nói.
Trở lại với tình hình kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Dư luận cả nước quan tâm, thảo luận nhiều tới Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội không chỉ năm nay mà đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm, đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp cho 2 năm còn lại (2014-2015).
Kỳ họp Chính phủ lần này, về kinh tế-xã hội, Chính phủ xem xét những thông tin mới liên quan đến tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng, bởi vì khi báo cáo Quốc hội số liệu chưa có đến ngày 25/10. Đánh giá tổng quan chung, không khác xu thế các tháng trước và như báo cáo Thủ tướng đã trình bày trước Quốc hội.
Thứ nhất, chúng ta quan tâm nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô như Báo cáo trước Quốc hội đã nói và như các tháng trước đã nói là luôn luôn kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Tháng này, CPI tăng 0,49% và dự kiến cả năm là 7%. Năm ngoái thời điểm này CPI là 5,13% và cuối năm là 6,81%; năm nay CPI là 5,14%. Nếu chúng ta kiên định tiếp tục các biện pháp kiểm soát hợp lý thì mục tiêu duy trì CPI khoảng 7% là khả thi, tất nhiên chúng ta không được chủ quan vì còn mấy tháng Tết, nếu kiểm soát không khéo thì yếu tố tăng do quản lý thị trường rất cao.
Thứ hai, về phát triển, vẫn theo đà của các tháng trước, công nghiệp tháng 10 tăng cao hơn tháng 9, nhưng so với năm ngoái, chỉ số công nghiệp năm nay là 5,4%, thấp hơn năm ngoái là 5,8% nhưng phân tích kỹ ra thì có tín hiệu rất đáng mừng mặc dù chỉ số công nghiệp chung giảm do công nghiệp khai khoáng giảm 0,8% còn công nghiệp chế biến, chế tạo thì tăng. “Đây là tín hiệu rất đáng quan tâm” – Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh rằng, nếu để ý kỹ, qua từng quý, chỉ số tăng công nghiệp chế biến đều tăng dần, quý I, là 5,3%, quý II là 6,9% và quý III là 8%; tháng 10 còn tăng cao hơn. Dịch vụ cũng tăng và tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn tăng nhưng trong tất cả các dịch vụ, dịch vụ công giảm, đúng theo tinh thần tiết kiệm chi tiêu công, còn mua bán hàng hóa ngoài xã hội thì tăng. Riêng năm nay, nông nghiệp có điều đáng nói là sau nhiều năm, năng suất lúa mùa và lúa Hè Thu giảm, một phần do thời tiết khí hậu, một phần do chân ruộng lâu, đổi mới giống, tăng năng suất một số nơi làm không tốt. Bù lại, tháng 10 vừa qua và những tháng gần đây, thủy sản tăng, tốt nhất là tôm.
Tình hình chung, chúng ta tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng tốc độ phục hồi tăng trưởng chậm. Nếu chúng ta cố phấn đấu từ nay đến cuối năm, có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Các chỉ số vĩ mô khác cơ bản theo đà như Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội.
Các mặt xã hội, các chỉ tiêu an sinh xã hội cũng được duy trì, công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo./.