Tăng tỷ lệ “quét mã” mua sắm, đưa nông sản “lên sàn” thương mại điện tử
VOV.VN - Nâng cao tỷ lệ người dân thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; các doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia bán hàng thông qua các phương tiện điện tử, trực tuyến… Đây là các nhiệm vụ quan trọng của Quảng Ninh để thúc đẩy phát triển kinh tế số, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 3,4 triệu tài khoản thanh toán điện tử cá nhân, trong đó có 2,5 triệu tài khoản đang hoạt động. Trung bình có 2,5 tài khoản đang hoạt động/người dân từ 15 tuổi trở lên, bên cạnh đó còn có gần 802.000 tài khoản Mobile Money.
Việc thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 đã đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là mô hình "Chợ 4.0". Toàn tỉnh có 19 chợ hạng I, 11 chợ hạng II và 13 chợ hạng III đã triển khai thực hiện mô hình "Chợ 4.0". Riêng TP Hạ Long đã triển khai mô hình tại tất cả các chợ, TP Cẩm Phả triển khai ở tất cả các chợ hạng I và II.
Qua quá trình thay đổi thói quen của cả tiểu thương và người tiêu dùng, đến nay trung bình 83% số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, sử dụng điện thoại di dộng thông minh để quét mã QR, ví điện tử, hay Mobile Money… 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Có những chợ sử dụng vé điện tử (vé xe trông giữ phương tiện, vé hàng lưu động...) tại các nhà xe và hàng hóa ra vào cổng của các hộ kinh doanh, người dân đến chợ, như chợ Mạo Khê (TP Đông Triều).
Bà Nguyễn Thu Hằng, tiểu thương chợ trung tâm Cẩm Phả cho biết, việc “quét mã” để mua sắm đã dần trở thành thói quen: “Tôi triển khai nhận thanh toán bằng mã QR từ năm ngoái, thứ nhất là không cần dùng tiền mặt trong túi, sợ rơi, sợ mất nữa, thứ hai là cũng rất tiện trong giao dịch”.
Đối với đợt cao điểm triển khai hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh từ đầu tháng 6/2024 đến nay, theo thống kê, tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt khi mua xăng dầu của khách hàng tại 205 cửa hàng xăng dầu trong tỉnh chiếm khoảng 51% tổng doanh thu từng tháng.
Bên cạnh tiêu dùng, hoạt động sản xuất cũng mở rộng tiêu thụ thông qua các kênh thương mại điện tử, đa dạng hình thức giao nhận hàng, thanh toán trực tuyến. Hiện 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của Quảng Ninh đã được quảng bá, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử phổ biến như Voso, Postmart, Shopee, Tiki…
Nhiều HTX, cơ sở sản xuất tổ chức các phiên livestream bán hàng theo mùa vụ, trong các hội chợ. Riêng sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đang giới thiệu gần 400 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh, giúp các đặc sản như trà hoa vàng Ba Chẽ, gà Tiên Yên, miến dong Bình Liêu, nước mắm Vân Đồn, hải sản Cô Tô… đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước.
Anh Nguyễn Văn Duy, Giám đốc 1 đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ rươi Đông Triều cho biết: “Qua quá trình đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, chúng tôi cũng đã gặt hái được một số thành công nhất định, như được nhiều khách hàng ở mọi miền biết đến. Có nhiều sản phẩm đã ship vào tận TP.HCM, Cà Mau, Tây Bắc. Cũng đã có doanh nghiệp ở Hải Phòng phối hợp đưa rươi kho sang thị trường Úc và được bà con ở đó ủng hộ”.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục mở rộng các mô hình ứng dụng số; hỗ trợ người nông dân, hộ sản xuất tiếp cận, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến; đa dạng hoá các kênh, hình thức thanh toán cho người tiêu dùng, thay đổi hành vi, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Đến năm 2025, mục tiêu của Quảng Ninh là có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử.