Tạo bước tiến cho ngành công nghệ sinh học nước nhà
VOV.VN -Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã và đang có những nghiên cứu thành công và ứng dụng hiệu quả trong sản xuất
Thành lập cách đây 10 năm, với sự say mê nghiên cứu, làm việc của đội ngũ cán bộ cùng thiết bị công nghệ hiện đại, Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM là trung tâm công nghệ sinh học (CNSH) đứng đầu cả nước và khu vực, với tổng đầu tư 100 triệu USD.
Công nghệ ngang tầm thế giới
Theo TS Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, trung tâm đã ứng dụng hệ thống trang thiết bị nghiên cứu hiện đại ngang tầm thế giới, như hệ thống tưới tự động theo công nghệ Isreal, khu thử nghiệm vắc xin cho cá, khu nhà lưới, nhà kính nuôi cấy mô… của Trung tâm. Rất nhiều thiết bị được nhập về từ Hà Lan, Israel, Nhật Bản, để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu và sản xuất.
Mặc dù đã thành lập 10 năm nay nhưng hiện Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM đang xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên diện tích 23ha, tại phường Trung Mỹ Tây (quận 12). Trung tâm có 11 phân khu chức năng, trong đó quan trọng là khu nghiên cứu và sản xuất thử với 12 phòng thí nghiệm về CNSH, khu sản xuất chế phẩm sinh học, khu nuôi động vật thử nghiệm, khu nhà kính, nhà lưới… với kinh phí lên đến 100 triệu USD. Hiện trung tâm có khoảng 200 tiến sỹ, thạc sỹ, kĩ sư làm việc, nghiên cứu, và được cử đi đào tạo ở nhiều nước trên thế giới. Trong tương lai sẽ thu hút khoảng 1.000 người có trình độ công nghệ sinh học cao vào làm việc.
Với sự đầu tư này, TP HCM quyết tâm xây dựng một trung tâm nghiên cứu ứng dụng CNSH quy mô và tầm cỡ cả nước và khu vực trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Những nghiên cứu tạo ra điều kỳ diệu
Phòng Công nghệ sinh học thủy sản đang nghiên cứu để thuần dưỡng cá sóc làm cá cảnh. Loại cá này trong suốt, kích cỡ nhỏ như đầu đũa, sống được ở nhiều môi trường nước khác nhau như nước mặn, lợ, ngọt và ít bị bệnh. Nhiệm vụ của kĩ thuật viên ở đây là làm sao chuyển gen phát sáng có màu sắc để tạo thành cá cảnh. ThS Nguyễn Thành Vũ, người trực tiếp nghiên cứu việc chuyển gen phát sáng cho cá cho biết: “Hiện tại kết quả rất khả quan, đã tạo ra được đàn cá F0, biểu hiện phát sáng rất là mạnh, màu sắc lục lam. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để tạo ra đàn cá có các màu sắc khác nữa, đẹp hơn, kích thước lớn hơn. Từ kết quả này sẽ có thể ứng dụng trong y dược hoặc thủy sản.”
Trong lĩnh vực thủy sản, Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM đang tập trung nghiên cứu dịch bệnh trên tôm sú, cá tra - 2 sản phẩm chủ lực xuất khẩu ở ĐBSCL. Bộ kit PCR phát hiện 4 loại bệnh tôm (đốm trắng, hoại tử vỏ, còi, viêm gan tụy) do Trung tâm nghiên cứu sản xuất đã giúp người nuôi quản lý dịch bệnh tôm phân tích mẫu bệnh nhanh, giá chỉ bằng 50% bộ kit nhập khẩu. Đặc biệt, Trung tâm đã có thành công bước đầu tạo vaccine ngừa bệnh gan thận mủ gan cá tra.
Từ năm 2006 đến nay, trung tâm triển khai 40 đề tài nghiên cứu công nghệ sinh học phục vụ cây trồng, thủy sản và y dược. Theo Kĩ sư Nguyễn Thùy Linh, kĩ thuật viên Phòng Công nghệ sinh học thực vật, Trung tâm hàng năm cung ứng 150.000 - 200.000 cây con cấy mô các loại. Ngoài nuôi cấy mô, lai tạo các giống hoa lan, Phòng Công nghệ sinh học còn bảo tồn nhiều giống dược liệu quý, sâm Ngọc Linh…
Phòng công nghệ vi sinh đưa vào sản xuất chế phẩm sinh học cây trồng, phòng trừ dịch bệnh như chế phẩm sinh học BIMA để ủ phân chuồng, sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Dành trọn tâm huyết cho Trung tâm Công nghệ sinh học
Một trong những người dành nhiều tâm huyết gây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh là TS Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm. Hơn 10 năm trước, TS Nguyễn Quốc Bình làm việc tại Trường Đai học Laval, Quebec, Canada trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Trong một lần về nước năm 2003, ông có được Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, khi còn giữ cương vị Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM mời về nước góp sức xây dựng một Trung tâm công nghệ sinh học cho thành phố, ngang tầm với các nước trong khu vực. Một yêu cầu quan trọng nữa là 30 năm sau trung tâm CNSH của thành phố vẫn chưa lạc hậu và nó phải phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội và nhân lực hiện tại của Việt Nam.
Từ sau lần đó, tâm huyết trở về quê hương cống hiến đã thôi thúc TS Nguyễn Quốc Bình từ bỏ công việc, nhà cửa ở Canada, cùng gia đình về Việt Nam xây dựng trung tâm CNSH cho thành phố.
Ông cùng TS Dương Hoa Xô, hiện là Giám đốc Trung tâm bắt tay từ những ngày đầu tiên, xác định quy mô, chương trình, lộ trình xây dựng. Công việc cũng dần thuận lợi khi được UBND Thành ủy, các sở ban ngành thành phố hỗ trợ, giúp đỡ.
Đến nay Trung tâm đã dần hình thành và trở thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực CNSH: nông nghiệp, thủy sản, môi trường, y dược, với công nghệ tiên tiến về gen, công nghệ vắc-xin, công nghệ tế bào…
Theo TS Nguyễn Quốc Bình, hiện nay ngành nông nghiệp đang bàn nhiều đến vấn đề tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Muốn vậy, công nghệ cao sẽ là chìa khóa để giải phải toán này. Ông cho rằng, nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp chỉ có có 3 cách: giống mới, hai là kĩ thuật sản xuất mới, 3 là quy trình sản xuất để giảm chi phí và tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao. 1 ha nhà màng, nhà lưới theo công nghệ sinh học sẽ cho thu nhập vài tỷ chứ không chỉ vài chục triệu một ha như sản xuất thông thường. Phép so sánh này của TS Bình đã cho thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ thực sự nâng cao giá trị và hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp nước nhà./.