Tạo thuận lợi nhất cho dưa hấu, thanh long xuất khẩu
VOV.VN - Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ xây dựng khu trung chuyển hàng hóa nằm trong quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
Sáng 11/4, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu về tình hình xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt tình hình mặt hàng dưa hấu, thanh long đang ứ đọng tại cửa khẩu chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại cuộc họp, lực lượng hải quan cửa khẩu và các cơ quan chức năng đã báo cáo tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh những năm qua với kim ngạch xuất khẩu cao trung bình hàng năm gấp 4 – 5 lần kim ngạch nhập khẩu, trong các loại hàng hóa xuất nhập khẩu thì mặt hàng nông sản chiếm 95% cơ cấu mặt hàng.
Về tình trạng mặt hàng dưa hấu và thanh long trong thời gian qua đang vào chính vụ thu hoạch, các tư thương và doanh nghiệp ồ ạt chở lên cửa khẩu để xuất bán sang Trung Quốc, tình trạng cung lớn hơn cầu đã xảy ra ùn ứ tại cửa khẩu. Mặc dù chính quyền tỉnh Lạng Sơn cùng các Sở Ban Ngành thuộc tỉnh và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã có nhiều giải pháp. Cụ thể như tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, kéo dài thời gian làm việc trong ngày từ 7 giờ sáng đến 20 giờ, phân luồng phương tiện hợp lý, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tài sản và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu quan cửa khẩu, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ hoạt động thương mại của doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp tạm thời đó, nhiều năm nay tại cửa khẩu Tân Thanh, hiện tượng ùn ứ khi vào vụ mùa nông sản như dưa hấu, thanh long vẫn diễn ra.
Để có giải pháp lâu dài giải quyết những bất cập, Hải quan Lạng Sơn đã có những đề xuất kiến nghị công tác quản lý, dự báo và định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương. Cần có cơ chế chính sách quy hoạch vùng trồng cây nông sản hợp lý nhằm hạn chế phát sinh thiệt hại cho nông dân; Đầu tư phát triển chuỗi giá trị từ giống, canh tác, thu hoạch, bảo quản đến tiêu thụ, trong đó ở khâu tiêu thụ cần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sinh học bảo quản sau thu hoạch, tránh thiệt hại kinh tế, tổn thất cho doanh nghiệp và nông dân.
Khuyến cáo các doanh nghiệp và thương nhân thay đổi phương thức kinh doanh, từ kinh doanh tiểu ngạch sang phương thức kinh doanh chính ngạch có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế, từ đó giảm thiểu được rủi ro khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Chính phủ cần quan tâm đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, như địa điểm kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu… đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại hai chiều ngày càng tăng với Trung Quốc, đảm bảo cơ sở vật chất cho các lực lượng tại cửa khẩu thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu.
Các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương đàm phán với cơ quan chức năng Trung Quốc để tạo bình đẳng về hoạt động thương mại qua cửa khẩu Tân Thanh, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang giao nhận tại phía Trung Quốc, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang giao nhận hàng tại cửa khẩu Tân Thanh, qua đó tạo việc làm ổn định cho bà con cư dân biên giới nâng cao đời sống cũng như tạo thuận lợi cho việc kiểm tra kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước tại cửa khẩu, tăng nguồn thu nộp NSNN.
Các Bộ, ngành chức năng liên quan cần đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị để các cơ quan chuyên môn tại cửa khẩu thực hiện việc kiểm tra ngay tại cửa khẩu về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản và các hàng hóa thực phẩm khác nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước tại biên giới cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã chủ động có các giải pháp tích cực, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã chỉ đạo, các cơ quan chức năng tại tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu, đặc biệt là mặt hàng dưa hấu, thanh long. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của phía Trung Quốc để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hai chiều. Mặt khác phối hợp các cơ quan truyền thông, cung cấp tình hình xuất nhập khẩu và số liệu cụ thể để giúp các cơ quan chức năng quản lý, dự báo, khuyến cáo doanh nghiệp, giảm thiểu thiệt hại cho doang nghiệp và người nông dân trồng nông sản.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, để có giải pháp dài lâu khắc phục tình trạng bất cập trong xuất khẩu nông sản hiện nay qua cửa khẩu Tân Thanh, Bộ Công Thương tham mưu đề xuất với Chính phủ xây dựng khu trung chuyển hàng hóa nằm trong quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Trong đó bao gồm kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu… đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại hai chiều ngày càng tăng, đảm bảo cơ sở vật chất cho các lực lượng tại cửa khẩu thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu.
Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn tham gia đoàn đàm phán Hội nghị ủy ban công tác liên hợp tại Trung Quốc trong năm 2015 để từng bước triển khai mô hình hợp tác xuyên biên giới, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương có chung đường biên giới, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cửa khẩu, tăng cường năng lực kết nối, đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp và hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực./.