Tập đoàn kinh tế nhà nước phải thay đổi mô hình quản lý

Việc tổ chức, quản lý điều hành của tập đoàn còn chậm được đổi mới, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh.

Sáng 9/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Thua lỗ vì đầu tư ngoài ngành

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Đặng Huy Đông, hầu hết các TĐKTNN đều kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao và chưa tương xứng với những ưu đãi về nguồn lực và những lợi thế khác. Đồng thời, thực trạng tài chính của một số tập đoàn, công ty thuộc tập đoàn còn yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất cân đối tài chính.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị

Thực tế cho thấy, hầu hết các tập đoàn đều quá thiên về mở rộng qui mô đầu tư, đầu tư dàn trải, chưa chú trọng đầu tư theo chiều sâu nên hiệu quả đầu tư thấp. Điểm đáng lưu ý là ở một số tập đoàn mặc dù năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh chính nhưng vẫn thực hiện đầu tư ra ngoài ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, rủi ro cao như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm. “Việc các tập đoàn dùng uy tín, nguồn lực của Nhà nước để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm được sẽ làm giảm cơ hội và hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân. Hơn nữa, thực tế việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất kinh doanh chính và hệ lụy cho sự phát triển chung của tập đoàn. Vẫn còn khoảng cách không nhỏ giữa thực trạng và mục tiêu và Đảng và Nhà nước đặt ra cho các TĐKTNN” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn trong thí điểm thành lập và vận hành các tập đoàn kinh tế nhà nước. Nổi rõ là khuôn khổ pháp lý chưa thống nhất, chưa đầy đủ và theo kịp thực tiễn; mô hình tổ chức thiếu đồng bộ; quản lý và cơ chế giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế còn kém hiệu quả; pháp lý về đại diện quyền sở hữu nhà nước còn quá nhiều bật cập.

Thay đổi mô hình tổ chức

Ông Hoàng Anh Xuân – Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng: Mô hình tổ chức Tập đoàn kinh tế Nhà nước cần được mềm hóa, không nên “cứng hóa”. Mô hình tổ chức của một DN sinh ra để thực hiện một nhiệm vụ trọng tâm nào đấy. Hôm nay, DN thực hiện nhiệm vụ này thì mô hình tổ chức có thể là 5 đội, nhưng ngày mai, nhiệm vụ thay đổi thì mô hình tổ chức có thể là 2-3 đội.

“Nếu cứng hóa thì cuối cùng chúng ta chỉ lo đi giải quyết hậu quả” – ông Xuân nói.

Bên cạnh đó, một số qui định về hoạt động của tập đoàn còn nhiều bất cập. Ví dụ, khi tách viễn thông ra khỏi bưu chính ở một chi nhánh phải mất 3 năm. Như vậy thì không thể kinh doanh được. “Chúng tôi đề nghị, một số loại hình bên dưới nên giao cho tập đoàn tự quyết định chứ không phải việc gì cũng phải trình Thủ tướng”.

Để tránh những phiền toái cho DN khi kiểm toán, thanh tra cần áp dụng mô hình quản lý theo ngày, theo tuần hoặc theo tháng tùy thuộc loại hình DN và phải dựa trên cơ sở công nghệ thông tin. Làm như vậy, vừa quản lý, giám sát, vừa tránh được sự sa ngã của cán bộ trong quản lý tài chính.

“Với cách làm này, Viettel quản lý được các cửa hàng của mình bán được bao nhiêu cái sim, card. Nếu tiền chưa về ngân hàng thì sim, card đó không có giá trị. Chính vì vậy, thất thoát trong hệ thống của Viettel rất ít”. 

Ông Hoàng Anh Xuân cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người quản lý, người đứng đầu. “Các tập đoàn phải xây dựng được chiến lược. Người xây dựng chiến lược phải là người điều hành chiến lược. Người đứng đầu ở Viettel phải thi tuyển. Một năm đảo quản lý lãnh đạo chi nhánh 1 lần, không để ai đứng ở một chi nhánh quá 2 năm. Ở Viettel, hôm nay làm giám đốc, ngày mai làm nhân viên là chuyện rất bình thường”.

Hoàn thiện điều lệ hoạt động

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Kiên trì xây dựng tập đoàn mạnh để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao, góp phần cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và làm nền tảng thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát hoàn thiện khung pháp luật, thể chế cụ thể liên quan đến cơ chế và mô hình tổ chức thực hiện quyền sở hữu nhà nước; mô hình và cơ chế quản trị tại doanh nghiệp; công tác cán bộ và tổ chức Đảng trong các tập đoàn… Cần đánh giá đầy đủ và toàn diện về thực trạng của các tập đoàn, tổng công ty để có sự phát triển tốt hơn trong giai đoạn tới.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần căn cứ vào mục đích, yêu cầu thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước để sơ kết, giúp khâu quản lý, quản trị, kinh doanh tốt hơn. Thành lập các tập đoàn qui mô lớn có sức cạnh tranh trong nước và thế giới, đảm bảo góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”.

Thủ tướng cũng lưu ý mô hình tổ chức ở các Tập đoàn hiện nay. Cần phân biệt rõ vai trò, vị trí của lãnh đạo, điều hành và quản lý, tránh tình trạng chồng chéo. “Một tổ chức có quá nhiều nhà lãnh đạo, chỉ huy thì như con rắn nhiều đầu không làm được gì hết” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn chậm nhất trong quý 1/2012 trình phương án sắp xếp cụ thể từng tập đoàn và rà soát hoàn thiện điều lệ hoạt động, quy chế tài chính, quy chế công tác cán bộ… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên