Tập đoàn Nhà nước lỗ lớn, sếp vẫn thu nhập tiền tỷ
Thứ Bảy, 10:28, 23/11/2013
Tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có gần 20 vị Chủ tịch, Tổng giám đốc hưởng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Mức thu nhập khủng này gấp 4-5 lần so với thu nhập bình quân chung của các lãnh đạo khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và gấp vài chục lần lương của người lao động. Trong khi đó các doanh nghiệp này vẫn báo lỗ khủng.
Ngân hàng chiếm top đầu
Ngân hàng chiếm top đầu
Một thống kê của cơ quan quản lý về thu nhập đối với các vị lãnh đạo quản lý ở 31 công ty mẹ các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cho thấy, những khó khăn chung trong sản xuất kinh doanh vừa qua gần như không ảnh hưởng nhiều tới túi tiền của các nhân vật này.
Với mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, thống kê này cho biết trong cả 2 năm 2011-2012, đều có 19 vị được hưởng. Thấp hơn một chút nhưng cũng là mức “khủng’, 12 vị khác được hưởng thu nhập từ 700-900 triệu đồng/năm.
Năm 2011, thu nhập trung bình mỗi tháng của vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng này đã lên tới hơn 275 triệu đồng/tháng, tương ứng khoảng 3,2 tỷ đồng/năm. Năm 2012, thu nhập của vị này giảm 27% nhưng vẫn là số 1 trong bảng xếp hạng với mức thu nhập 202 triệu đồng/tháng, tức khoảng gần 2,5 tỷ đồng/năm.
Vị trí thứ 2 năm 2011 không phải lãnh đạo ngành ngân hàng mà thuộc về DN ngành dệt may. Tổng giám đốc DN lớn có doanh số xuất khẩu hàng tỷ USD có thu nhập khoảng 243 triệu đồng/tháng, tương ứng 2,9 tỷ đồng/năm. Song, năm 2012, thu nhập của vị lãnh đạo này tụt dốc, chỉ còn 74 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập còn 899 triệu đồng/năm, giảm 70%.
Chính vì thế, từ vị trí số 2, vị lãnh đạo này chỉ còn xếp thứ 23 trong năm 2012.
Thay vào đó là lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh khác vừa cổ phần hóa. Thu nhập của chủ tịch ngân hàng này từ vị trí thứ 11 với mức thu nhập 1,2 tỷ năm 2011 đã tiến lên vị trí thứ 2, với thu nhập trên 2 tỷ trong năm 2012.
Vị lãnh đạo xếp thứ 3 và thứ 4 về thu nhập năm 2011 cũng thuộc về giới ngân hàng và cũng đến từ một ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa. Theo đó, vị chủ tịch HĐQT thu nhập tới 1,9 tỷ đồng còn tổng giám đốc nhận lương hưởng 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2012, cả 2 vị lãnh đạo này đã bị “xuống hạng” với thu nhập đều khoảng 1,6 tỷ đồng/năm, xếp thứ 6 và 7.
Người đứng cuối cùng về thu nhập tiền tỷ trong năm 2011 cũng lãnh đạo của một tập đoàn tài chính với con số 1,025 tỷ đồng/năm được trả cho vị trí Tổng giám đốc. Nhưng năm 2012, ông này đã được “thăng hạng” lên thứ 17 dù mức thu nhập chỉ tăng thêm 14 triệu đồng.
So sánh tương quan theo ngành nghề, lãnh đạo các ngân hàng luôn có thu nhập vượt trội và luôn thay phiên nhau đứng top đầu. Riêng năm 2012, 9 vị lãnh đạo của 4 ngân hàng lớn đã đứng đầu bảng về thu nhập trong tổng số 62 vị được thống kê.
Ngành dầu khí, lâu nay được coi là có thu nhập khủng tuy nhiên lãnh đạo có thu nhập cao nhất của ngành này ở mức 1,2 – 1,3 tỷ đồng trong năm 2011. Trong năm 2012, cả 2 vị này cũng tụt hạng, thu nhập giảm 100 triệu đồng và lần lượt xếp thứ 13 và 14.
Báo lỗ khủng
Tính đến cuối năm 2011, tổng các khoản lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lên tới 48.988 tỷ đồng. Mức lỗ bình quân của các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cao gấp 12 lần các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tổng lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng công ty đến hết năm 2011 là 26.100 tỷ đồng.
Trong đó EVN đóng góp phần 78% số lỗ này khi lỗ lũy kế tới 38.104 tỷ đồng. Theo báo cáo, EVN lỗ do sản xuất kinh doanh điện là 11.437 tỷ đồng và lỗ 26.667 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ 5.738 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 2.390 tỷ đồng. Tổng công ty xăng dầu Quân đội cũng lỗ 566 tỷ đồng trong năm 2011.
Riêng Petrolimex, đơn vị này đã bất ngờ bứt phá và lãi hơn 800 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho biết, lãi sau thuế quý III của Petrolimex đạt 423 tỷ đồng, 9 tháng đạt gần 795,6 tỷ đồng.
Vào cuối năm 2012, 13 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế 48.988 tỷ đồng năm ngoái. Trong đó EVN vẫn là "quán quân" với khoản lỗ 38.104 tỷ đồng, tiếp theo là Vinalines, Petrolimex, Xăng dầu Quân đội...
Nhiều doanh nghiệp có nợ phải thu khó đòi trên 100 tỷ đồng là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (408 tỷ đồng); Tập đoàn Sông Đà 366 tỷ đồng; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam 353 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng không Việt Nam 161 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội 133 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam 136 tỷ đồng; Tập đoàn Dệt may Việt Nam 115 tỷ đồng…
Theo số liệu của Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank, tổng nợ xấu đến cuối năm 2012 của 4 ngân hàng này là hơn 46.600 tỷ đồng.
Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố, tính đến ngày 31/12/2012, nợ xấu là 8.980 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương (Vietcombank), tính đến ngày 31/12/2012 nợ xấu là 5.398 tỷ đồng, chiếm 2,25% tổng dư nợ.
Với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (VietinBank), tính đến ngày 31/12 tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,35%/tổng dư nợ, con số nợ xấu đến hết năm 2012 của Vietinbank khoảng 4.464 tỷ đồng.
Theo công bố của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Argribank), tính đến ngày 31/12/2012, nợ xấu toàn hệ thống Agribank chiếm tỷ lệ nợ xấu 5,8% trên tổng dư nợ./.