Tàu 67 ở Quảng Nam kém hiệu quả: Ngân hàng lo nợ, ngư dân khóc ròng
VOV.VN - Do nôn nóng trong đầu tư làm ăn nên không ít ngư dân tỉnh Quảng Nam chọn mẫu thiết kế tàu và ngành nghề đánh bắt không phù hợp.
Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản” được xem như cú huých để ngư dân vươn khơi, bám biển. Thế nhưng, do nôn nóng trong đầu tư làm ăn nên không ít ngư dân tỉnh Quảng Nam chọn mẫu thiết kế tàu và ngành nghề đánh bắt không phù hợp. Những con tàu được đóng mới cả chục tỷ đồng làm nghề lưới rê hỗn hợp chỉ sau vài chuyến biển phải nằm bờ. Ngư dân chạy đôn, chạy đáo vay tiền đầu tư cải hoán tàu, chuyển đổi nghề và còn phải lo trả nợ ngân hàng.
Sau Tết, ngư dân Trần Công Chi ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam càng thêm sốt ruột vì con tàu vỏ thép hơn 12 tỷ đồng của ông vẫn nằm trên đà ngày này sang ngày khác. Con tàu này ông Chi vay vốn đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, hành nghề lưới rê hỗn hợp, công suất hơn 820 CV.
Giữa năm 2015, tàu hạ thủy đánh bắt chuyến biển đầu tiên không đủ chi phí. Liên tiếp các chuyến biển sau đó đều lỗ nặng, ông Chi đành cho tàu nằm bờ và tìm cách chuyển đổi nghề. Nhưng để “độ” lại con tàu từ nghề lưới rê sang chụp mực phải có từ 3 đến 4 tỷ đồng. Ông Chi vay mượn khắp nơi, làm thủ tục xin vay từ Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh. Sau nhiều lần bổ sung hồ sơ, thế chấp bìa đỏ đất ở, ông Chi vẫn không đủ điều kiện để vay số tiền 500 triệu đồng từ Quỹ này.
Ông Trần Công Chi than thở: “Tui đóng tàu mẫu đầu tiên của Nghị định 67. Từ khi nhận tàu đến ngày hôm nay, bao nhiêu chuyến biển làm nghề lưới rê không đủ thu nhập. Tui tự đi làm thiết kế để chuyển đổi, cải hoán nghề nhưng đến hôm nay, vay 1 tỷ cũng không được”.
Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Công Chi vẫn còn nằm trên đà để sửa chữa. |
Tại tỉnh Quảng Nam, trong số 13 tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ làm nghề lưới rê hỗn hợp thì ngư dân ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên có 4 tàu. Cả 4 tàu này làm ăn không hiệu quả, phải nằm bờ từ nhiều tháng qua. Nhiều chủ tàu trở thành người làm thuê. Theo ông Trần Văn Sành, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, mỗi con tàu trị giá từ 12 tỷ đồng đến 16 tỷ đồng, một tháng phải trả nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi cả trăm triệu đồng; tàu không ra khơi được, chủ tàu lấy đâu ra tiền trả nợ.
“Do tàu quá lớn nên đi đánh bắt xa bờ chi phí cao. Đánh bắt hiện nay trên biển rất khó chứ không phải chỗ nào cũng có cá. Vừa rồi có nhiều người chuyển qua nghề lưới Bạc Liêu nhưng nghề này đánh cầm chừng đủ ăn chứ trả nợ thì trả không nổi” – ông Sành nói.
Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Quảng Nam cho biết, ngân hàng này đã giải ngân cho vay đóng mới 16 tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ với tổng số tiền gần 190 tỷ đồng, trong đó, có 12 tàu vỏ thép. Hiện có 6 tàu làm nghề lưới rê hỗn hợp đánh bắt kém hiệu quả, chủ tàu không đủ khả năng trả nợ ngân hàng. Theo bà Nga, các chủ tàu này đang có nhu cầu vay thêm tiền để cải hoán tàu nhưng theo quy định, các trường hợp đã vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ thì không thể cho vay thêm theo diện hỗ trợ lãi vay mà phải vay thương mại, lãi suất cao.
Một khi đã vay thương mại thì ngư dân phải đáp ứng chính sách tín dụng, nghĩa là phải có tài sản cầm cố, thế chấp. Cái khó của ngư dân hiện nay là khi họ làm thủ tục vay vốn theo Nghị định 67, hầu hết đã bán tàu cũ để lấy tiền đối ứng. Hiện tàu cũ không còn nên ngư dân phải đem tàu mới ra thế chấp vẫn chưa đủ mà phải bổ sung tài sản đảm bảo.:
“Nếu ngư dân trả nợ đúng hạn thì Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ lãi suất 6%, ngư dân trả 1%. Nhưng nếu ngư dân không trả đúng hạn thì phải trả với lãi suất 7%/ năm. Ngư dân hiện nay đang rất khó khăn nên dù có trả 1% hay 7% thì hiện nay đối với họ vẫn không có khả năng để trả. Bởi vì người ta không đi khai thác được, một số đang trong quá trình chuyển đổi nghề” - bà Vũ Thị Tố Nga cho biết thêm.
Hiện các ngân hàng ở tỉnh Quảng Nam đang tạm dừng cho vay theo Nghị định 67. Trong số 65 tàu được các ngân hàng cho vay theo Nghị định này có 63 tàu đóng mới, 2 tàu nâng cấp, tổng số tiền 729 tỷ đồng. Đáng lo ngại là 13 tàu làm nghề lưới rê hỗn hợp thì các chủ tàu đều lâm nợ.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân các tàu hành nghề lưới rê hỗn hợp đánh bắt không hiệu quả do ngư dân còn mập mờ về nghề này. Trong khi đó, chính quyền và ngành chức năng địa phương chưa có sự vào cuộc, định hướng cho ngư dân ngay từ đầu.
“Một mặt vẫn phải yêu cầu các ngư dân này phải đảm bảo tài chính lành mạnh để đảm bảo cho vay an toàn khoản vay. Vì đó là chi phí cơ hội, cho người này vay thì đồng nghĩa với người khác không được vay. Tỉnh Quảng Nam sẽ xem xét, bổ sung vốn cho Quỹ hỗ trợ ngư dân. Cái đó tùy thuộc vào ngân sách của tỉnh Quảng Nam để xem xét trước mắt giải quyết cho các trường hợp này” ông Thanh nói ./.
“Tàu 67” nằm bờ khiến ngư dân điêu đứng
Lợn ế, chuối thừa, tàu 67 hỏng: Trăm gánh nặng “đè” vai nông dân