Tây Bắc một năm cùng cả nước nỗ lực vượt khó

VOV.VN -Năm 2021, các tỉnh Tây Bắc đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; nhiều lĩnh vực trở thành điểm sáng của cả nước.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh Tây Bắc, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, với sự đoàn kết, sáng tạo; sự chung sức đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, các tỉnh Tây Bắc bao gồm Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái và Lào Cai đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; nhiều lĩnh vực trở thành điểm sáng của cả nước.

Yên Bái – miền đất với 30 dân tộc anh em chung sống có huyện đầu tiên trong khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu thêm 10 xã hoàn thành chương trình. Thế nhưng đến hết năm, con số không chỉ là 10 xã mà địa phương này đã có 11 xã cán đích nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên con số 87, chiếm 60% số xã trong tỉnh – cao nhất vùng Tây Bắc. Yên Bái đến nay cũng đã có 3 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Việc người dân xác định mình là chủ thể, chuyển đổi nhận thức từ thụ động, trông chờ sang chủ động vươn lên chính là yếu tố mang đến kết quả này. Tại Yên Bái hiện nay, việc người dân tự nguyện góp công, góp sức cùng Nhà nước mở đường, cũng như làm các công trình nông thôn mới không còn đơn lẻ, mà trở thành phong trào rộng khắp từ thôn xóm, vùng thấp đến bản làng vùng cao; chuyện người dân góp tiền làm đường, sửa chữa nhà văn hóa, thậm chí ứng tiền cho thôn xóm làm đường ở Yên Bái giờ cũng không còn là hiếm… Tất cả vì mục tiêu xây dựng đời sống mới tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Nhiên - người dân ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bày tỏ: "Ai có tiền thì đóng tiền, không có tiền thì đóng góp công lao động, hiến thêm đất để thôn, xã mở đường. Có đường bê tông rồi đi lại thuận tiện lắm, các cháu đi học cũng dễ dàng hơn”.

Còn ông Đặng Hữu Tiên vui vẻ nói: "Cứ hy sinh lợi ích trước đã, làm được con đường đi lại cho dễ và phát triển kinh tế”.

Được coi là “hiện tượng nông nghiệp của cả nước” trong thời gian gần đây, nhưng phải đến năm 2021, kinh tế nông nghiệp ở Sơn La mới thực sự cho thấy những con số ấn tượng. Điển hình là tổng sản phẩm quả xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Đài Loan, UAE... là hơn 22.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay, cho giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 160 triệu USD, trở thành điểm sáng của cả nước.

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, với 80.000 ha cây ăn quả hiện có, sản lượng quả ước đạt 400.000 - 450.000 tấn mỗi năm, để giải bài toán được mùa, được giá, tiêu thụ hết sản lượng thu hoạch, việc xuất khẩu sản phẩm quả ra nhiều nước trên thế giới đã sớm được địa phương tính đến. Kinh nghiệm của Sơn La là ngoài đẩy mạnh tuyên tuyền quảng bá, mở rộng các kênh thông tin thị trường nông sản, cần đặc biệt chú trọng khâu sản xuất để làm ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu.

"Sơn La quyết tâm rất mạnh trong tổ chức thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, thực hiện theo Luật. Có những hợp tác xã toàn bộ thành viên đều là người dân tộc thiểu số. Khi các thành viên gắn kết lại thì ý thức trong sản xuất và tính kỷ luật trong sản xuất được tăng lên; từ đó, bà con biết tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết. Qua đó, sẽ nâng cao được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, từ đó, tiếp cận được các thị trường để xuất khẩu" - ông Nguyễn Thành Công nói.

Dù đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh Covid-19 nhiều đợt bùng phát trên địa bàn, song năm 2021, thu hút đầu tư ở tỉnh biên giới Điện Biên có chuyển biến rất tích cực. Lần đầu tiên địa phương cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án, với tổng mức đăng ký đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng. Trong năm, Điện Biên cũng nhận được sự quan tâm khảo sát, đăng ký đầu tư của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn như Sun Group, FLC, Vingroup, Hải Phát, Flamingo...

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, nhiều dự án triển vọng, có khả năng tạo động lực cho phát triển đang được gấp rút nghiên cứu quy hoạch và triển khai thực hiện, hứa hẹn về một Điện Biên Phủ phát triển xứng với tiềm năng.

Theo ông, điểm nhấn quan trọng là tỉnh Điện Biên đã phối hợp với hãng hàng không Bamboo Airways mở được tuyến bay thương mại bằng tàu bay phản lực thế hệ mới từ Hà Nội lên Điện Biên và ngược lại, cũng như từ TP.HCM đến Điện Biên và ngược lại, mở ra cơ hội, điều kiện để thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào tỉnh Điện Biên. Cùng với đó, các nhà đầu tư khác cũng tiếp tục lên Điện Biên để nghiên cứu, như các dự án về phát triển cây Mắc ca để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Năm 2021 là năm Lào Cai kỷ niệm tròn 30 năm tái lập. Xuyên suốt chặng đường lịch sử này, từ một mảnh đất đầy vết tích của bom đạn chiến tranh, Lào Cai đã đầu tư tổng cộng 25.000 tỷ đồng để phát triển mạng lưới giao thông; nâng cấp xây mới gần 1.000 km Quốc lộ, 800km tỉnh lộ. Nhờ vậy, đến nay 100% xã trên địa bàn đã có đường về tận trung tâm; đường tới thôn, bản cũng đa phần được cứng hóa.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2025 cũng xác định kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ đột phá. Ngay trong năm đầu nhiệm kỳ này, Lào Cai cũng đã hiện thực hóa mục tiêu bằng hàng loạt dấu ấn nổi bật về lĩnh vực giao thông như: hợp long cầu Móng Sến – cầu cạn cao nhất Việt Nam trên tuyến nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với Khu du lịch Quốc gia Sa Pa; thông xe kỹ thuật nút giao Phố Lu với cao tốc... Vừa qua, Cảng hàng không Lào Cai cũng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Theo ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, tới đây, những dự án trọng điểm tiếp tục được triển khai, hoàn tất như đường bộ kết nối Ga Lào Cai với huyện Văn Yên (Yên Bái); tuyến nối ray khổ lồng giữa Ga Lào Cai với Hà Khẩu (Trung Quốc); cầu Bản Vược - Bá Sái qua sông biên giới; hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên nối Lào Cai – Lai Châu; cầu Làng Giàng, cầu Phú Thịnh trên sông Hồng… sẽ giúp Lào Cai khẳng định vai trò là trung tâm kết nối vùng, khu vực, là cực tăng trưởng của vùng trung du, miền núi phía Bắc.

"Lào Cai hết sức chú trọng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Theo tính toán hiện nay, nếu Nhà nước bỏ 1 đồng thì sẽ thu hút được 5 đồng; nhưng nếu bỏ 1 đồng vào giao thông thì sẽ thu hút được 20 – 30 đồng từ các nguồn bên ngoài. Trong thời gian tới, Lào Cai sẽ tập trung khởi công sân bay, đây sẽ là nét đột phá để đồng bộ với các yếu tố đường bộ và đường sắt" - ông Trịnh Xuân Trường cho biết.

Dẫu phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh; những khó khăn cố hữu của vùng đất địa đầu cũng chưa vơi đi. Song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của người dân, tin rằng cái khó cũng sẽ biến thành dễ, cái “không thể” sẽ thành “có thể”, để khát vọng thoát nghèo của người dân Tây Bắc từng bước hiện thực hóa, và cuộc sống no ấm, tươi đẹp sẽ hiện hữu khắp mọi nẻo vùng cao…./.                            

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thị xã đầu tiên ở Tây Bắc sau 60 năm giờ ra sao?
Thị xã đầu tiên ở Tây Bắc sau 60 năm giờ ra sao?

VOV.VN - Ngày đầu thành lập rất nhỏ, nghèo, hoang sơ, chỉ có 2 đơn vị hành chính, trải qua 60 năm xây dựng, phát triển, thị xã Sơn La, nay là thành phố Sơn La hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa, trở thành vùng động lực trong phát triển của tỉnh Sơn La và tiểu vùng Tây Bắc.

Thị xã đầu tiên ở Tây Bắc sau 60 năm giờ ra sao?

Thị xã đầu tiên ở Tây Bắc sau 60 năm giờ ra sao?

VOV.VN - Ngày đầu thành lập rất nhỏ, nghèo, hoang sơ, chỉ có 2 đơn vị hành chính, trải qua 60 năm xây dựng, phát triển, thị xã Sơn La, nay là thành phố Sơn La hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa, trở thành vùng động lực trong phát triển của tỉnh Sơn La và tiểu vùng Tây Bắc.

Tây Bắc rực rỡ cờ hoa đón chào ngày hội non sông
Tây Bắc rực rỡ cờ hoa đón chào ngày hội non sông

VOV.VN - Trên các tuyến đường, nơi công sở, từ thành thị đến các bản làng vùng cao Tây Bắc đã trang hoàng cờ hoa rực rỡ, đón chào ngày hội lớn của dân tộc.

Tây Bắc rực rỡ cờ hoa đón chào ngày hội non sông

Tây Bắc rực rỡ cờ hoa đón chào ngày hội non sông

VOV.VN - Trên các tuyến đường, nơi công sở, từ thành thị đến các bản làng vùng cao Tây Bắc đã trang hoàng cờ hoa rực rỡ, đón chào ngày hội lớn của dân tộc.

Xuất nhập khẩu qua Lào Cai nhộn nhịp trở lại
Xuất nhập khẩu qua Lào Cai nhộn nhịp trở lại

VOV.VN - Sau thời gian phải tạm dừng theo đề nghị từ phía Trung Quốc, ngày 16/12, hoạt động xuất nhập khẩu qua Lào Cai đã nhộn nhịp trở lại.

Xuất nhập khẩu qua Lào Cai nhộn nhịp trở lại

Xuất nhập khẩu qua Lào Cai nhộn nhịp trở lại

VOV.VN - Sau thời gian phải tạm dừng theo đề nghị từ phía Trung Quốc, ngày 16/12, hoạt động xuất nhập khẩu qua Lào Cai đã nhộn nhịp trở lại.