Tây Nguyên chưa thể chấn chỉnh kinh doanh xăng dầu

Việc xử phạt lẻ tẻ ở một vài đại lý không thể cứu vãn thị trường.

Những bức xúc trên thị trường xăng dầu ở Nam Tây Nguyên, gồm Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng vẫn chưa thể giải quyết. Trong khi 49 đại lý ở Đắc Lắc, các đại lý ở Đắc Mil và Đắc Song, tỉnh Đắc Nông bắt đầu bán hàng trở lại, dù rất nhỏ giọt, thì lại xuất hiện các đại lý khác đóng cửa không hoạt động. Giữa ngành chức năng và các doanh nghiệp vẫn chưa tìm được hướng giải quyết hiệu quả, nên tình trạng khan hiếm xăng dầu còn có thể nóng hơn, khiến cho niên vụ cà phê 2011-2012 ở khu vực này có nguy cơ giảm năng suất vì thiếu năng lượng cho việc bơm tưới.

Theo kế hoạch, sáng 23/2, Sở Công thương Đắc Lắc họp với các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu và các tổng đại lý để làm rõ vấn đề, nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm xăng dầu nóng bỏng hiện nay.

Tuy nhiên, điều nổi bật ở cuộc họp này chỉ là những tiếng thở dài, khi không thể tìm thấy hướng giải quyết. Trong khi Sở Công Thương cho rằng: Không xác định được tình trạng găm hàng tại địa phương, nhưng đơn vị đầu mối lại khẳng định là có.

Ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, đơn vị chiếm 60% thị phần cung ứng xăng dầu ở hai tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông khẳng định, đơn vị đã cung cấp đủ xăng dầu theo kế hoạch, thậm chí vuợt rất nhiều so với cùng kỳ.

Ông Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã đáp ứng cao hơn đơn hàng bình quân chung của hợp đồng, tuy nhiên, trước nhu cầu tăng rất cao của thị trường thì các đại lý cũng cần có cách tổ chức bán hàng để đảm bảo được việc phục vụ tốt nhất. Còn bây giờ khi các đại lý của các đầu mối khác không bán hàng mà chỉ tập trung vào hệ thống cửa hàng bán lẻ thì việc cung ứng sẽ rất khó”.

Câu hỏi đặt ra là: Doanh nghiệp đầu mối không đầu cơ, đại lý cấp 1 không đầu cơ thì lượng xăng dầu được cung cấp đã bị tuồn đi đâu, khiến cho thị trường nóng sốt như hiện nay? Không có câu trả lời chính thức, chính xác về vấn đề này tại cuộc họp. Vì vậy thông tin về một lượng xăng dầu ngoài luồng khổng lồ trên thị trường, như nguồn tin của chúng tôi tại huyện Ea H’Leo là rất đáng lưu ý. Nguồn tin từ Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên cho biết: “Bây giờ dầu nhập thẳng từ công ty có hóa đơn chứng từ là không có, chỉ có nhập ngoài luồng thôi. Ngoài luồng thì nhiều, một ngày mấy chục ngàn khối cũng có. Còn nhập từ đầu mối như Petro cũng không có, chỉ có Nam Tây Nguyên là còn. Xăng thì tương đối đủ nhưng dầu là không có.

Lượng dầu thiếu là do người dân tưới cho cây cà phê rất nhiều nhưng dù bán được nhiều lợi nhuận từ chiết khấu cũng không có được bao nhiêu. Ngoài, ra, xăng cũng lên giá, các cửa hàng đẩy lên đến 17.300 đồng/lít, cao hơn 500 đồng/lít”.

Cũng theo đại diện Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên, nhiều khả năng các đại lý bán lẻ là đối tượng đang đầu cơ găm hàng. Chính nhân viên của công ty ngày 22/2 đã thấy đại lý hút xăng từ bồn đi cất giấu.

Ông Nguyễn Huynh, Giám đốc công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên nói: “Nếu không có hiện tượng găm hàng thì làm sao sau khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì các cửa hàng bán ngay và lập tức các cửa hàng của chúng tôi gần đó lượng bán giảm ngay”.

Ông Nguyễn Huynh đưa dẫn chứng: Cửa hàng 38 ở Buôn Hồ, khi chưa kiểm tra thì một ngày bán tới 30.000 – 40.000 lít, nhưng sau khi kiểm tra thì bán chỉ còn 20.000 lít. Tình trạng này vẫn tiếp diễn. “Chúng tôi theo dõi, có những cửa hàng xăng dầu của tư nhân, 5 giờ sáng qua cho xe bồn hút hàng đi cất giấu. Vì vậy trong thời điểm này, đề nghị lực lượng quản lý thị trườngphải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tình hình xăng dầu bớt nóng” – ông Huynh nói.

Các đại lý đóng cửa hoặc hoạt động bất bình thường có ở khắp các địa phương, nhưng chi cục quản lý thị trường các tỉnh vẫn đơn độc vào cuộc, nên không thể xác minh thực trạng và xử lý thích đáng.

Nếu không phối hợp với các ngành liên quan, như Thuế, Công an để làm rõ thì tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu ở Tây Nguyên sẽ tiếp tục, tình trạng khan hiếm xăng dầu sẽ gia tăng, khiến sản xuất ở khu vực này gặp nhiều khó khăn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên