Tết no đủ của người trồng mía nguyên liệu ở Đắk Lắk
VOV.VN - Năm nay, do thời tiết thuận lợi, năng suất mía niên vụ 2022 – 2023 tăng mạnh, trong khi giá bán cũng tăng cao khiến người trồng ở vùng trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk như: Ea Kar, Mđrắk, Buôn Đôn và Ea Súp có lợi nhuận lớn. Lãi cao từ cây mía tạo điều kiện để người trồng đón một cái Tết đầm ấm và đầy đủ hơn.
Ngày cận Tết Nguyên đán 2023, tại khu rẫy rộng hơn 13 hecta ở buôn Ea Bráh, xã Ea Sô (Ea Kar), ông Võ Quốc Dỵ cùng 10 nhân công đang tất bật chặt mía, xếp thành bó chất lên xe tải vận chuyển về bán cho nhà máy. Ông chia sẻ, hai thập kỷ gắn bó với cây mía, chưa vụ nào phải lo lắng nhưng rồi lại phấn khởi như năm nay. Giá phân bón, vật tư nông nghiệp, nhân công tăng phi mã. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết thuận lợi, mía được mùa với năng suất tăng từ 15 – 20%, trong khi giá thu mua cũng có mức tăng gần tương tự, mỗi hecta trừ chi phí đầu tư vẫn cho lãi từ 50 - 60 triệu đồng. Với 13 hecta, gia đình có thể thu lãi trên 700 triệu đồng.
“Tôi vào đây trồng mía tầm 20 năm rồi, năng suất mía từ khi làm có lẽ năm nay là đạt cao nhất, xấp xỉ từ 90 đến trên 100 tấn mía/hecta. Giá cả cũng cao, đầu vụ bán được 10,5 (10,5 triệu đồng/tấn mía tươi). Nhà tôi trồng 12 - 13 hecta, được mùa thì tôi lại trồng thêm 2 – 3 hecta nữa. Giá cả, năng suất mía như thế này thì người trồng phấn khởi, năm nay lại đón Tết to”, ông Võ Quốc Dỵ phấn khởi nói.
Mía được mùa, được giá khiến hầu hết người trồng ở các huyện Ea Kar, Mđrắk, Buôn Đôn và Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk phấn khởi chứ không riêng gia đình ông Võ Quốc Dỵ.
Ông Nguyễn Na ở thôn Quyết Thắng 2, xã Ea Tih, huyện Ea Kar cũng trồng 10 hecta mía nguyên liệu từ năm 1998, phấn khởi cho biết: “Giá phân bón năm nay tăng gấp rưỡi, tức 1,4 triệu đồng/tấn của năm ngoái thì nay lên 1,9 triệu/tấn. Một hecta năm ngoái đầu tư tầm 140 triệu gồm phân bón, công chăm sóc, thu hoạch, thì năm nay ngót 200 triệu. Nhưng bù lại được năng suất cao, giá tốt. Vùng Ea Kar này mọi năm mía đạt 70 - 80 tấn/hecta, nhưng năm nay phải 100 tấn/ha, thậm chí nhiều rẫy hơn. Nhà tôi có 10 hecta thì cũng phải cho lãi 550 – 600 triệu trừ chi phí”.
Niên vụ mía 2022 – 2023, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 11.000 hecta, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Mđrắk, Buôn Đôn và Ea Súp. Trong đó, nhiều nhất ở hai huyện là Ea Kar và Mđrắk. Tổng sản lượng mía toàn tỉnh ước đạt 700.000 tấn. Toàn bộ được tiêu thụ bởi các nhà máy mía đường ở Đắk Lắk và một số tỉnh lân cận như Khánh Hòa và Phú Yên. Giá mía được các nhà máy thu mua hiện ở mức 10,5 – 11 triệu đồng/tấn tại ruộng, tùy theo trữ lượng đường.
Ông Lê Tuân, Phó Tổng giám đốc Công ty Mía đường 333 Đắk Lắk cho biết, dự kiến, năm nay công ty thu mua khoảng 400.000 tấn mía nguyên liệu của người dân. Công ty sẽ duy trì mức giá thu mua mía từ 10 đến gần 11 triệu đồng/tấn, và tiếp tục những chính sách hỗ trợ người trồng ở vùng nguyên liệu.
“Đối với 1 hecta trồng mới thì sẽ được công ty đầu tư 30 triệu đồng và 15 triệu đối với 1 hecta mía lưu gốc. Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ không hoàn lại cho bà con 3 triệu/hecta khi trồng mới, 1,5 triệu/hecta với mía lưu gốc; đặt hàng phân bón chuyên dùng cung cấp cho bà con. Chính sách giá bảo hiểm từ nay đến 3 năm tới là 900.000 đồng/tấn tại ruộng cho mía của trữ đường 10CS, và giá mua luôn luôn được chi trả cao hơn 10%, tương đương khoảng 1 triệu đồng/tấn”, ông Lê Tuân cho biết.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía nguyên liệu ở Đắk Lắk có lãi. Thu nhập tốt từ cây mía đã giúp nhiều nông hộ trở nên khá giả. Vùng mía nguyên liệu đã trở lại là cây trồng chủ lực ở những vùng đất sỏi đá pha cát thuộc các huyện Ea Kar, M’đắk, Bôn Đôn và Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk./.