Tết thương hồ “gạo chợ nước sông”

VOV.VN - Tuy đời thương hồ sống nhờ gạo chợ nước sông, nhưng cái Tết thương hồ vẫn luôn là cái Tết đặc biệt và độc đáo nhất.


Khi bình minh chưa kịp ló dạng, dưới sông Cần Thơ đã lấp lánh những ánh đèn, đó là lúc chợ nổi Cái Răng“thức giấc” họp chợ. Thông thường 7h sáng chợ mới đông đúc, nhưng những ngày gần Tết, chợ họp sớm hơn vì lượng hàng hóa tăng lên gấp mấy chục lần. Thương hồ hối hả dựng mấy cây bẹo hàng, chỉ có Chợ nổi mới có “độc quyền” cây bẹo, bẹo treo cái gì thì ghe bán thứ đó.

Tết này, bẹo treo nhiều nhất là hàng rẫy, như: dưa hấu, bắp cải, củ hành. Độc đáo nhất là cả tổ hợp chợ được “nhuộm vàng” bởi mấy ghe hàng dưa hấu hoàng kim và bông Vạn Thọ. Dừa tươi, củ kiệu, bí đỏ, khoai lang… cũng tấp nập sang ghe để chở về vùng miệt Thứ, Miệt Ngàn… bán những phiên chợ cuối năm.

Bà Huỳnh Thị Loan – thương hồ Chợ nổi Cái Răng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ là một trong những tiểu thương háo hức chờ Tết. Bà cho biết, một năm qua rất ít khi bà về nhà, mong Tết là dịp hội ngộ anh em nên bà mong năm nay “trúng chợ” bán hết hàng sớm để còn về nấu cơm rước ông bà.

Ở chợ nổi, trước đây, mỗi thương hồ chỉ nghỉ Tết 3 ngày (từ 30 tháng chạp đến hết mùng 3), đến mùng 4 phải quay lại chợ. Nhưng những năm gần đây, xu hướng đi chơi Tết đã đưa nhiều du khách đến chợ tham quan ngày đầu năm nên bà cũng nôn nao quay lại chợ sớm.

“Từ 26 - 28 tháng Chạp là chợ đông lắm, cả con sông đầy bông vì người ta bán bông hoa trong vườn chở ra. Thương lái lớn lấy hàng để chở về vùng miệt dưới bán lại. Rồi trái cây, đồ rẫy… mà nhiều nhất là dưa hấu. Tới mùng 2 là khách du lịch nghẹt sông luôn” - bà Huỳnh Thị Loan nói.

Bên cạnh chợ nổi cái Răng là “biểu tượng” của giới “lang bạt kỳ hồ” thì ở ĐBSCL còn rất nhiều thương hồ đang hành nghề trên sông nước, như: chạy đò dọc, lái lúa – gạo, bán hàng tạp hóa trên ghe và kể cả những người hành nghề chở hàng hóa thuê bằng đường thủy. Họ có điểm chung là sống nhờ gạo chợ nước sông, vui Tết sau cái vui của người khác.

Nhịp sống những ngày cận Tết hối hả không thua kém trên đất liền. Ghe xuồng chở trái cây, hàng hóa, cá mắm, hoa kiểng nối đuôi nhau “ăn hàng” và tỏa đi khắp nơi. Đây cũng là mùa làm ăn khá giả nhất của dân thương hồ vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn.

Cách ăn Tết của thương hồ trước kia theo kiểu, ghe có gì thì ăn nấy. Nhưng những năm gần đây, thương hồ cũng học cách ăn Tết theo trào lưu hiện đại, ngoài hoa tươi chưng ở đầu mũi ghe thì họ cũng ca hát cho ấm lòng nhau giữa sông nước đầy gió.

Anh Nguyễn Thanh Tâm – hướng dẫn viên du lịch đến từ TP. HCM nhiều lần dẫn tour du lịch đường thủy cho biết: “Lênh đênh trên con sông này mình nhìn rõ Tết lắm, tại vì mọi ngày người ta không có trang trí mà Tết đến là người chưng hoa và treo lồng đèn trên ghe, nhất là ban đêm nhìn rất đẹp. Hấp dẫn hơn là thương hồ làm tiệc, ăn uống và hát karaoke trên tàu, gia đình sum họp trên tàu”.

Thương hồ có cách đón giao thừa rất riêng. Sau khi bán xong phiên chợ cuối năm thì thương hồ sẽ chạy về nhà. Nhưng có những hành trình về không kịp thì cánh thương hồ thường tấp ghe vào một bến sông nào đó rồi dọn mâm cơm có dưa hấu, thịt kho tàu, bánh trái để cúng ông bà và đón giao thừa. Đặc biệt người hành nghề sông nước có thờ cúng thêm các vị thần linh hộ mệnh nên cũng phải trang hoàng trang thờ ngày trên ghe.

“Nếu những ghe có gia đình ở thì chủ ghe cũng trang hoàng cái ghe, đặc biệt là trang trí bàn thờ trên ghe. Trên mỗi ghe đều có bàn thờ Ông Bà, hoặc bàn thơ Bà Cậu hay thờ mẹ Quan Âm. Bà Cậu là các vị thần hỗ trợ người làm nghề sông nước, giúp đỡ người ta tránh được tai nạn trên sông. Nếu về nhà không kip ngày 30 Tết thì họ tổ chức cũng trên ghe luôn” - nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng nói.

Cả năm gắn bó với cảnh “gạo chợ nước sông” để mưu sinh, những người lang bạt trên sông là những người mong có Tết sớm nhất vì đây là dip để họ nghỉ ngơi, sum hợp cùng gia đình. Lúc này, ghe chở hoa, chở gạo, chở hàng, chở trái cây… tươi rói đang bắt đầu tỏa khắp chín nhánh sông để cung ứng cho người dân đón Tết. Cầu cho thương hồ năm nay “trúng chợ” để họ vui mừng về nhà sum hợp với gia đình mà không phải đón giao thừa trên ghe.

Nhộn nhịp chợ nổi Cái Răng mùa Lễ hội

VOV.VN - Ngày 30/11, UBND quận Cái Răng phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức khai mạc “Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng lần thứ VIII, năm 2024” diễn ra từ 30/11-2/12. Đây là một trong các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. HCM và ĐBSCL tại TP. Cần Thơ.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sính thực phẩm sạch, người Hà Nội chờ mua cá miền Tây
Sính thực phẩm sạch, người Hà Nội chờ mua cá miền Tây

Các loại cá, tôm tép đồng nước miền Tây ngày càng được người dân Hà Nội ưa chuộng vì sống ở môi trường tự nhiên nên thịt rất thơm ngon.

Sính thực phẩm sạch, người Hà Nội chờ mua cá miền Tây

Sính thực phẩm sạch, người Hà Nội chờ mua cá miền Tây

Các loại cá, tôm tép đồng nước miền Tây ngày càng được người dân Hà Nội ưa chuộng vì sống ở môi trường tự nhiên nên thịt rất thơm ngon.

Tái hiện chợ nổi miền Tây tại Hà Nội
Tái hiện chợ nổi miền Tây tại Hà Nội

VOV.VN- Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” sẽ tái hiện nhiều hoạt động của đồng bào các dân tộc trong đó có họp chọ nổi miền Tây.

Tái hiện chợ nổi miền Tây tại Hà Nội

Tái hiện chợ nổi miền Tây tại Hà Nội

VOV.VN- Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” sẽ tái hiện nhiều hoạt động của đồng bào các dân tộc trong đó có họp chọ nổi miền Tây.

Chợ nổi Cái Bè - điểm du lịch độc đáo của miền Tây Nam Bộ
Chợ nổi Cái Bè - điểm du lịch độc đáo của miền Tây Nam Bộ

VOV.VN - Đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Chợ họp trên sông với phương tiện giao thông là ghe, thuyền.

Chợ nổi Cái Bè - điểm du lịch độc đáo của miền Tây Nam Bộ

Chợ nổi Cái Bè - điểm du lịch độc đáo của miền Tây Nam Bộ

VOV.VN - Đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Chợ họp trên sông với phương tiện giao thông là ghe, thuyền.