Thách thức đặt ra cho vụ lúa Đông Xuân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long
VOV.VN - Vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022 toàn vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha và tập trung nhiều ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp và Sóc Trăng. Trong đó, cơ cấu giống đặc sản, chất lượng cao chiếm khoảng 60% để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, đã hơn 300.000 ha lúa Đông Xuân được xuống giống, theo kế hoạch các địa phương sẽ xuống giống dứt điểm trong tháng 12/2021 để né rầy, hạn mặn và thiếu nước sản xuất cuối vụ.
Vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 người dân vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn khi giá vật tư đầu vào tăng cao, nhất là giá phân bón liên tục tăng trong thời gian vừa qua và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây sẽ là gánh nặng cho bà con nông dân trong khu vực ĐBSCL. Nhiều nông dân đã bắt đầu có những trăn trở về tiếp tục canh tác lúa nữa hay không, khi thị trường lúa gạo biến động, có những thời điểm giá lúa xuống thấp như vụ Hè Thu vừa qua.
Giá lúa vụ Thu Đông ở một số địa phương ổn định
Hiện nay, tỉnh An Giang đang thu hoạch vụ lúa Thu Đông với giá bán lúa IR50404 từ 5.700 - 5.800 đồng/kg, những giống chất lượng cao có giá trên 6.000 đồng/kg. Giá lúa ổn định là do việc lưu thông thuận tiện, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, An Giang sẽ xuống giống khoảng 230.000 ha. Hiện nay, khó khăn của người dân là giá vật tư đầu vào tăng cao, nếu giá phân bón tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thu hoạch của người dân. Vì vậy, cần phải có các mô hình, hướng dẫn để giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí sản xuất cho người dân.
Theo ông Thọ, để đảm bảo giá lúa ổn định, người dân có lợi nhuận sau thu hoạch, cũng cần tính tới phương án khi bước vào thu hoạch chính vụ Đông Xuân vào tháng 2 tháng 3/2022 cần có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa, không để giá lúa giảm ảnh hưởng tới lợi nhuận của người dân.
“Khi thu hoạch rộ thì không có một nhà máy nào có thể đảm đương được cái chuyện xay xát để đảm bảo được cái lượng lúa này. Như vậy thì doanh nghiệp rất là muốn mua nhưng mà doanh nghiệp thì lại không có vốn, như vậy nếu có cơ chế gọi là thế chấp nguồn lúa gạo của doanh nghiệp có cho ngân hàng để mà tiếp tục thu mua, tôi nghĩ góp phần giữ cái giá lúa gạo trong thời gian mà thu hoạch rộ”, ông Thọ chia sẻ.
Giá vật tư tăng cao đội chi phí sản xuất
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho hay, địa phương sẽ xuống giống hơn 283.000 hecta lúa Đông Xuân, cơ cấu giống chất lượng cao sẽ chiếm hơn 90%. Trước tình hình giá vật tư, phân bón đầu vào tăng cao, Sở Nông nghiệp cũng đã chỉ đạo Thanh tra Sở thành lập một đoàn thanh tra, kiểm tra về giống, vật tư đầu vào đối với những cơ sở kinh doanh giống, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang thông tin, nhu cầu giống của địa phương rất lớn, bình quân mỗi vụ cần tới 33.600 tấn lúa giống, trong khi đó địa phương chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu giống của người dân, số còn lại người dân tự trao đổi giống với nhau. Chính nhu cầu giống tăng cao đã khiến một số giống lúa OM 5451; OM 18 tăng từ 13.000 đồng/kg lên tới 15.800 đồng/kg, điều này làm tăng chi phí vật tư đầu của người dân ở đầu vụ.
Ông Lê Hữu Toàn nêu rõ: “Như vậy vô tình nông dân mình gánh hết gần 3.000 đồng/kg giống, mình nhân với 120kg trên 1ha thì chi phí đưa vô đó quá lớn. Cũng rất mong muốn Bộ Nông nghiệp, Cục trồng trọt, các doanh nghiệp đang giữ bản quyền giống mạnh dạn chia sẻ bản quyền dưới cái giá làm sao đảm bảo được cái hiệu quả các đồng chí đã mua để cho các đơn vị, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận. Kiên Giang khẳng định các đồng chí sẽ làm trung gian đảm bảo mấy ông này phải nộp bản quyền và nộp đúng số lượng mà mấy ông bán ra”.
Không chỉ vấn đề lúa giống, giá vật tư phân bón tăng cao ở đầu vụ mà tình hình sâu bệnh trên lúa như rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, bạc lá được ngành chức năng khuyến cáo đến các địa phương và người dân. Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương cần xuống giống tập trung, đồng loạt theo khung lịch khuyến cáo của Cục Trồng trọt ở vụ Đông Xuân để né rầy di trú. Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý đến chuột, rầy nâu, bệnh vàng lùn lùn xoắn lá, rầy phấn trắng.
Ông Toàn lưu ý: “Chúng ta gieo trong tháng 10, tháng 11, tháng 12 và tuyệt đối không kéo dài xuống giống vụ Đông Xuân. Đối với cây lúa bẫy đèn của các địa phương theo dự báo thì cái rầy di trú sẽ vào tuần thứ 3, thứ 4 hàng tháng. Do đó căn cứ vào tình hình cụ thể đỉnh cao của rầy vào đèn của từng địa phương mà có thể chúng ta bố trí gieo sạ vụ Đông Xuân thích hợp”.
Giảm lượng giống, phân bón để tiết kiệm chi phí sản xuất
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong kế hoạch đến cuối tháng 12 tới, các địa phương sẽ xuống giống dứt điểm vụ Đông Xuân, ước sản lượng vụ lúa này khoảng 11 triệu tấn.
Theo ông Tùng, giống, phân bón, lao động đang chiếm tới 60% giá thành sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL. Nếu người dân giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất. Về cơ cấu giống vụ Đông Xuân vẫn sẽ tập trung vào các giống đặc sản, chất lượng cao và giống có chất lượng trung bình.
“Đối với ĐBSCL chúng ta tính có khoảng 1 triệu 520 ngàn hecta sẽ xuống giống, bây giờ chúng ta xuống giống trên 300.000 hecta như vậy còn trên 1 triệu hecta phải tiếp tục xuống giống từ nay cho đến hết tháng 12. Như vậy nhu cầu về giống lúa rất là lớn, do đó chúng ta cần có bước chuẩn bị giống để mà đáp ứng được yêu cầu của từng địa phương. Cái nhóm chất lượng cao chiếm 48%, nhóm đặc sản chiếm hơn 15% nữa”, ông Tùng nói.
Trước những khó khăn, thách thức đầu vụ lúa Đông Xuân, ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người dân giảm lượng phân bón, lúa giống để giảm giá thành vật tư đầu vào, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch. Tuy nhiên, đây chỉ giải pháp tạm thời, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp cụ thể, dài hạn để đảm bảo giá vật tư ổn định để người dân an tâm canh tác, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực và thế mạnh về xuất khẩu gạo của vùng ĐBSCL khi mỗi năm đóng góp giá trị tỷ USD về xuất khẩu./.