Thái Lan “đóng băng” giá 46 mặt hàng trong một năm tới
VOV.VN - Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, tác động đến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng, Chính phủ Thái Lan hôm 16/6 đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết Ủy ban Trung ương về giá hàng hóa dịch vụ đã quyết định giữ nguyên giá 46 mặt hàng, bao gồm mì gói, dầu thực vật, đồ hộp và 5 loại dịch vụ thiết yếu cho đến cuối tháng 6 năm sau. Ông Jurin cho biết Bộ Thương mại đã chỉ đạo chính quyền các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ giá cả hàng hóa, ngăn chặn thương lái tăng giá các sản phẩm được kiểm soát.
Quyết định của Ủy ban Trung ương về giá hàng hóa dịch vụ được đưa ra trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát giá đối với 46 mặt hàng và 5 loại dịch vụ này sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng này.
Thủ tướng Prayuth Chanocha mới đây đã chỉ đạo các bộ, ngành nước này nỗ lực kiềm chế không để giá cả hàng hóa tăng quá cao và không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa tiêu dùng. Ông Prayuth yêu cầu Bộ Thương mại và các cơ quan liên quan có biện pháp thích hợp để điều hòa cung cầu, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao.
Trong ngày 16/6, Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết các bộ, ngành phụ trách lĩnh vực kinh tế đã nhất trí gia hạn các biện pháp hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong ba tháng tới, đồng thời đang thúc giục các nhà máy lọc dầu hỗ trợ quỹ bình ổn xăng dầu nhằm giảm bớt đà tăng giá của các mặt hàng nhiêu liệu. Ngoài ra, ông Thanakorn cũng cho biết Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế để thúc đẩy lĩnh vực du lịch. Các biện pháp này sẽ được Nội các Thái Lan xem xét, phê chuẩn sớm.
Trong những tháng gần đây, xung đột Nga-Ukraine và nhu cầu tiêu dùng tăng cao đã khiến giá nhiên liệu và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng vọt ở Thái Lan, trong đó giá cả nhiều thực phẩm đã tăng từ 10%-50%, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Mặc dù Chính phủ Thái Lan có nhiều biện pháp can thiệp, kiểm soát giá cả các mặt hàng tiêu dùng, song do nhiều nguyên nhân, việc kiểm soát này chưa thực sự mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng./.