Tháng 1, sản xuất công nghiệp giảm 12,9%
Nguyên nhân chính do số ngày nghỉ (gồm cả Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn) kéo dài hơn năm trước.
Theo Bộ Công Thương, so với tháng 12/2011, mức giảm này biểu hiện cụ thể trong công nghiệp khai thác mỏ là 7,1%, công nghiệp chế biến giảm 15,9% và sản xuất, phân phối điện, gas, nước giảm 9,8%.
So với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm nhẹ 2,4%, trong đó: công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,5%, công nghiệp chế biến giảm 4,2% và sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 1,2%.
Tuy nhiên, nếu xét theo thời gian làm việc và thời gian nghỉ Tết thì tốc độ tăng trưởng so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm trước (tháng 2/2011) giảm 0,8 điểm % (tốc độ tăng sản xuất công nghiệp so với tháng 2/2011 giảm 12,1%, trong đó: công nghiệp khai thác mỏ giảm 12,4%, công nghiệp chế biến giảm 11,7% và sản xuất, phân phối điện, ga, nước giảm 14,6% so với cùng kỳ).
Sản xuất sản phẩm tăng giảm không đồng đều trong từng ngành hàng so với cùng kỳ và cũng không tập trung vào các sản phẩm phục vụ Tết như mọi năm. Một số sản phẩm phục vụ sản xuất tăng như: khí hoá lỏng tăng 26,3%, polypropylen tăng 14,4%, động cơ diezen tăng 16,1%, quặng apatít tăng 9,1%,...
Tháng 1, sản xuất sản phẩm xơ, sợi các loại đầu tiên đạt sản lượng 10.500 tấn. Các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp giảm đáng kể một phần do một số Công ty ngừng sản xuất vì lượng tồn kho nhiều (Lân Ninh Bình, Hóa chất Việt Trì) như: phân đạm ure giảm 20,3%, phân lân giảm 10,2%, riêng DAP tăng 32,9%.
Nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may xuất khẩu giảm đáng kể một phần do các hợp đồng xuất khẩu chưa khởi động trong tháng (vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo giảm 22,0% tương ứng với sản phẩm quần áo các loại giảm 10,9%). Mặc dù là tháng Tết nhưng các sản phẩm phục vụ tiêu dùng như thuốc lá, đồ uống, dầu thực vật, xà phòng, bột giặt,... giảm mạnh do sức mua giảm. Riêng máy giặt tiếp tục đà tăng 27,3%; khai thác dầu thô tăng 11,6% so với cùng kỳ./.