Thanh Hoá chi hơn 11.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng để thu hút "đại bàng"
VOV.VN - Muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư cần có chiến lược đầu tư hạ tầng bài bản, đi trước đón đầu nhưng lâu nay Thanh Hóa chưa làm được. Do đó tỉnh này vừa có quyết định mang tính đột phá chiến lược về hạ tầng.
Những năm qua, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá được xem là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Với 25 khu công nghiệp, diện tích khoảng 9.057,9 ha, trong đó có 7 khu đã lấp đầy với các dự án đầu tư lớn, như Lọc hoá dầu Nghi Sơn; Nhiệt điện Nghi Sơn 1,2; Xi măng Nghi Sơn…; 13 khu công nghiệp đã được phê duyệt phân khu.
Tỉnh Thanh Hoá cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng diện tích 2.035 ha.
Thế nhưng, đến thời điểm này phần lớn các khu công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng bài bản, thiếu quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn cho biết, những nơi có nhà đầu tư thứ cấp rồi thì khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng, những khu đang đầu tư hạ tầng thì chậm tiến độ, thiếu quỹ đất sạch.
"Thứ nhất, các khu công nghiệp chậm tiến độ nên quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư vào khu kinh tế hạn hẹp. Thứ hai, trước đây khi thu hút đầu tư vào khu đất công nghiệp, tức là chưa có nhà đầu tư hạ tầng, thì đến thời điểm này Thanh Hoá không thực hiện chủ trương này nữa. Vì vậy các nhà đầu tư muốn vào các vị trí ưng/chọn thì chưa có nhà đầu đầu tư hạ tầng thì không đủ điều kiện chấp thuận đầu tư, giao đất cho thuê đất (tức là chỗ nhà đầu tư muốn thì không đủ điều kiện, chỗ có nhà đầu tư hạ tầng thì chưa đảm bảo điều kiện do tiến độ đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng được). Vì vậy dẫn đến thu hút vào khu kinh tế 2 năm qua có sự chững lại" - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Việc một thời gian thu hút “nóng” khi chưa có sự đầu tư bài bản về hạ tầng với một chiến lược dài hơi đã khiến Thanh Hoá rơi vào tình trạng “hụt hơi” trong quá trình thu hút đầu tư. Đáng nói hơn, những khu công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng thì chậm tiến độ kéo dài (như Khu công nghiệp số 1; số 3), nhiều khu ký kết, chấp thuận xong để đó, không đầu tư.
Khu Công nghiệp số 1 và Khu công nghiệp số 3 là 2 khu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ những năm 2016/2017, với hy vọng giải bài toán hạ tầng, mặt bằng sạch thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn loay hoay với bài toán giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư. Cụ thể, Khu công nghiệp số 3 có 5 phân khu thì mới bàn giao đất được khu E.
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Miền Trung (Chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp số 3) cho biết, đơn vị sẵn sàng đối ứng kinh phí nếu địa phương đẩy nhanh được tiến độ giải phóng mặt bằng: "Mong muốn là các cơ quan ban ngành thị xã Nghi Sơn giải quyết các hộ có đơn khiếu kiện, chủ đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc theo cam kết đã ký. Có nhiều nhà đầu tư thứ cấp đến, họ rất mong muốn phải có xác nhận hoàn thành giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng còn những tồn tại thì ảnh hưởng, liên quan đến thủ tục đất đai về sau vướng mắc."
Còn tại Khu công nghiệp số 1, do Tổng Công ty Đầu tư XD và TM Anh Phát (Tổng Công ty Anh Phát) làm chủ đầu tư, có 33 ha đã hoàn thành hạ tầng, và đã có 5 nhà đầu tư thứ cấp đến thuê. Diện tích còn lại 34ha không thể giải phóng được mặt bằng phần lớn là khu dân cư, trong khi việc tái định cư chưa thực hiện được.
"Dự án của chúng tôi phần còn lại chủ yếu là đất ở, tiến độ chậm phần lớn liên quan công tác giải phóng mặt bằng, đây là Dự án thuộc trường hợp thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư. Việc thu hồi đất, áp giá theo đơn giá nhà nước thì bà con không chấp thuận, dẫn tới không thu hồi được đất thì không giao đất, không thi công được, thì chậm tiến độ. Công ty sẵn sàng ứng tiền giải phóng mặt bằng theo quy định" - ông Phạm Văn Tú - Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Anh Phát cho biết.
Còn theo ông Mai Cao Cường, Trưởng ban giải phóng mặt bằng thị xã Nghi Sơn, việc giải phóng mặt bằng hàng năm vẫn đảm bảo theo cam kết đối với nhà đầu tư. Vấn đề là khi chưa có nhà đầu tư thứ cấp, một số nhà đầu tư hạ tầng nhận thấy chưa có nhu cầu giải phóng mặt bằng thì nhà đầu tư không giải ngân nên không giải phóng được mặt bằng.
Ông Mai Cao Cường cho biết, do thu ngân sách tỉnh chưa đảm bảo, chưa thể bỏ tiền ngân sách thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nên tỉnh chấp thuận các nhà đầu tư khu công nghiệp, chủ đầu tư ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng. Nguồn kinh phí giải phóng phụ thuộc vào chủ đầu tư, chứ không phải theo lộ trình giải phóng mặt bằng.
"Phần đất ở hiện nay cần khu tái định cư khoảng 400 hộ chưa có, rất là khó. Nguyên tắc thu hồi đất ở phải có khu tái định cư. Vấn đề nữa là nếu phê duyệt phương án bồi thường mà trên thực tế chủ đầu tư không bố trí được vốn thì phải trả chậm, cho nên quan trọng nhất là cam kết về bố trí vốn để giải phóng mặt bằng" - ông Cường nhấn mạnh.
Muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư cần có chiến lược đầu tư hạ tầng bài bản, đi trước đón đầu. Việc sử dụng ngân sách đối ứng của nhà đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng cũng khiến chính quyền trở nên bị động, không thể tự quyết trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; cũng vì một thời ngân sách eo hẹp, thu hút đầu tư bằng mọi giá ảnh hưởng lớn đến quy hoạch, phát triển sau này, đặc biệt là vấn đề hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, bài bản.
Nhận ra vấn đề, tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn với kinh phí hơn 11.300 tỷ đồng.
Theo phân kỳ đầu tư, từ năm 2023 - 2024, tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư, với diện tích khoảng 23ha, phục vụ di dân giải phóng mặt bằng khu công nghiệp; từ năm 2023 - 2025, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư, với tổng diện tích khoảng 57 ha; từ năm 2025 - 2027 thực hiện giải phóng mặt bằng khu công nghiệp số 21, diện tích 395 ha và khu công nghiệp số 6, diện tích 549 ha.
Các khu công nghiệp trên có vị trí quan trọng, là điểm nhấn thu hút các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Đây là quyết định mang tính đột phá chiến lược về hạ tầng của tỉnh này nhằm cải thiện vị thế trong khu vực và cả nước về thu hút FDI./.