Thanh tra hai cửa hàng máy tính do nghi vi phạm bản quyền

(VOV) -Cơ quan chức năng đã kiểm tra 16 máy tính, 45 CPU và phát hiện 56 bộ phần mềm Microsoft Windows không có bản quyền 

Vừa qua Đoàn Thanh tra Liên ngành thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bất ngờ thanh tra hai cửa hàng gồm công ty TNHH Máy tính Hà Nội tại 131 Lê Thanh Nghị, Hà Nội (HNC) và khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang tại 431A Hoàng Văn Thụ, Phường 4, Quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh và phát hiện nhiều máy tính tại hai cửa hàng này được cài đặt phần mềm văn phòng Microsoft không có bản quyền để bán cho khách hàng.

Theo biên bản thanh tra, tại công ty TNHH Máy tính Hà Nội, cơ quan chức năng đã kiểm tra 16 máy tính, 45 CPU và phát hiện 56 bộ phần mềm Microsoft Windows không có bản quyền cùng với nhiều bộ phần mềm Microsoft Office khác.

Trong khi đó, tại Phan Khang, biên bản của đoàn thanh tra ghi nhận một số lượng lớn phần mềm không có bản quyền bao gồm Microsoft Windows và Microsoft Office được cài đặt trong 49 máy tính của Phan Khang. 

Đại diện của HNC và Phan Khang đã ký vào biên bản vi phạm hành chính, thừa nhận hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền phục vụ các hoạt động kinh doanh tại đơn vị và cam kết sẽ tuân thủ các qui định hiện hành và khắc phục các lỗi vi phạm trong thời gian ngắn nhất.

Công ty TNHH Máy Tính Hà Nội và khu mua sắm Phan Khang là hai doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản phẩm CNTT tại 2 thành phố lớn của cả nước. Do đó, rất cần thiết để người tiêu dùng hiểu việc mua những sản phẩm phầm mềm từ các nhà bán lẻ nổi tiếng không đảm bảo rằng sản phẩm của họ không phải sản phẩm vi phạm bản quyền. Sử dụng những phần mềm này có thể khiến máy tính nhiễm virút và các phần mềm độc hại có thể xâm nhập quyền riêng tư, bảo mật của khách hàng cũng như phá hoại toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Microsoft về mức độ bảo mật đối với các máy tính chứa phần mềm vi phạm bản quyền tại Đông Nam Á, khi sử dụng phần mềm sao chép, quy định về tường lửa Windows đã bị thay đổi trên 97% các thiết bị,

Thông tin này nhằm cảnh báo doanh nghiệp và người dùng khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam về nguy cơ bị mã độc tấn công trên các thiết bị máy tính có thương hiệu được cài đặt phần mềm không có bản quyền. Điều đó có nghĩa là “mua máy tính có thương hiệu không đồng nghĩa với việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho máy tính”, do đó, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ càng.

Ông Đào Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn của Liên minh phần mềm doanh nghiệp cho rằng nhà cung cấp máy tính đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc đẩy lùi vi phạm bản quyền phần mềm, “các nhà cung cấp tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, vì vậy, họ là những người thích hợp nhất để thay đổi nhận thức cho người mua máy tính về việc sử dụng các phần mềm có bản quyền để tránh các nguy cơ liên quan đến an ninh và pháp lý. Sử dụng các chương trình máy tính bất hợp pháp có thể khiến máy tính bị nhiễm virus và các phần mềm nguy hiểm, dẫn đến việc bị ăn cắp thông tin ổ cứng hoặc mất toàn bộ dữ liệu. Thêm nữa, người sử dụng các phần mềm máy tính bấp hợp pháp, dù là vô tình, cũng có nguy cơ bị khởi kiện”. 

Với tư cách là một phần của mạng lưới CNTT, các nhà sản xuất và bán lẻ máy tính cần có trách nhiệm tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng tầm quan trọng của việc sử dụng phần mềm có bản quyền cũng như những rủi ro pháp lý của việc dùng phần mềm vi phạm bản quyền – một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước. Cụ thể, theo như nghiên cứu mới đây của Liên minh phần mềm BSA, việc sử dụng phần mềm có bản quyền có tác động tích cực đến nền kinh tế quốc gia gấp ba lần so với tác động của phần mềm vi phạm bản quyền. Điều này góp phần xây dựng một ngành công nghệ thông tin lành mạnh tại Việt Nam, giúp thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên