Tháo dỡ tàu cũ hỏng ở Việt Nam: Cần qui định chặt chẽ

VOV.VN - Luật cần quy định cụ thể về điều này tránh tình trạng nhập khẩu phế thải vào Việt Nam, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường gây thiệt hại về kinh tế.

Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam sáng 22/6, trong phần đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, giao Thủ tướng hoặc Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, tránh việc Bộ GTVT vừa lập, vừa phê duyệt quy hoạch.

Nghiêm cấm nhập tàu cũ hỏng tháo dỡ tại Việt Nam?

Các ĐBQH cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về điều kiện của cơ sở đóng mới phục hồi, sửa chữa, phá dỡ tàu biển cùng những biện pháp quản lý tốt để bảo đảm môi trường, bảo đảm an toàn lao động. Bổ sung quy định phải đánh giá tác động môi trường đối với việc xây dựng, hoạt động của cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển.

Cùng với đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện cụ thể về thành lập, hoạt động của đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển. Cần quy hoạch vùng để phá dỡ tàu biển khắc phục việc ảnh hưởng với các vùng kinh tế, du lịch, hoặc nuôi trồng thủy sản, phải làm sạch tàu trước khi nhập về Việt Nam. Việc phá dỡ tàu biển để thống nhất với Luật bảo vệ môi trường, Luật đầu tư…

 

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới nghiêm cấm tháo dỡ tàu biển. (Ảnh: KT)
Theo Đại biểu Đặng Đình Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, việc bổ sung quy định về đóng mới, sửa chữa tàu biển vào Dự thảo bộ luật hàng hải lần này nhằm tạo cơ sở pháp lý đưa các hoạt động này đi vào nề nếp, nâng cao hiệu lực trong việc đóng mới và sửa chữa tàu biển.

Tuy nhiên, đối với việc phá dỡ tàu biển, cần cân nhắc không nên đưa vấn đề này vào Dự án Luật hàng hải. Bởi lẽ, nếu có quy định này trong Luật sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập tàu cũ, hỏng của nước ngoài về tháo dỡ tại Việt Nam gây ô nhiễm môi trường.

“Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Khi tháo dỡ những tàu cũ hỏng, khối lượng chất thải rất lớn, hiện nhiều quốc gia trên thế giới nghiêm cấm điều này. Trong trường hợp nếu có quy định, cần bổ sung vào Điều 12 của Luật đối với các hành vi bị nghiêm cấm, quy định cấm nhập tàu cũ, tàu hỏng về tháo dỡ tại Việt Nam. Đồng thời quy định chặt chẽ về việc phá dỡ tàu hỏng, tàu cũ đảm bảo môi trường sinh thái”, Đại biểu Luyến chỉ rõ.

Đồng tình với đề nghị này, Đại biểu Thân Đức Nam, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tán thành việc đưa quy định về việc đóng mới, hoán cải tàu biển, sửa chữa và phá dỡ tàu biển ở Điều 40.

Tuy nhiên, cần phải đưa nguyên tắc của hoạt động này trong Luật Hàng hải thống nhất với các quy định của Luật bảo vệ môi trường, luật đầu tư. Trong đó cần có quy định bổ sung điều kiện riêng của những cơ sở sửa chữa và phá dỡ tàu cũ, đảm bảo tính khả thi, minh bạch theo hướng vừa tạo điều kiện cho phát triển đội tàu Việt Nam về số lượng, chất lượng con tàu, tránh để xảy ra tình trạng nhập khẩu phế thải vào Việt Nam, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường gây thiệt hại về kinh tế.

Không nhất thiết chỗ nào cũng có Ban Quản lý và khai thác cảng

Thảo luận về mô hình Ban quản lý và khai thác cảng biển, một số ý kiến đề nghị không thành lập Ban quản lý và khai thác cảng biển để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với Cảng vụ hàng hải, UBND địa phương nơi có cảng biển…, phát sinh bộ máy cồng kềnh, không thích hợp với Việt Nam. Đồng thời đề nghị làm rõ cảng biển được giao cho doanh nghiệp hay Bộ GTVT quản lý nhà nước.

Theo Đại biểu Đặng Đình Luyến, mô hình Ban Quản lý và khai thác cảng biển quy định trong luật chưa đủ cơ sở pháp lý, tiêu chí điều kiện thành lập không rõ ràng. Hiện nay việc quản lý cảng biển đang được giao cho rất nhiều cơ quan, việc thực hiện các công việc tại đây cũng đang được giao cho nhiều doanh nghiệp hơn là các tổ chức và các đơn vị sự nghiệp. Nếu thành lập thêm Ban Quản lý khai thác cảng biển sẽ chồng chéo lên chức năng của các cơ quan đang quản lý và tham gia hoạt động tại các cảng biển.

Đại biểu Luyến đề nghị nên cân nhắc vấn đề này và có những chính sách khác nhằm kiện toàn bộ máy. Nếu thành lập thêm Ban Quản lý và khai thác cảng biển vô hình chung làm tăng thêm bộ máy và tăng thêm biên chế sẽ trái với Nghị quyết của Đảng.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, mặc dù trong dự thảo Luật có thêm quy định của Chính phủ quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và khai thác cảng, việc áp dụng mô hình Ban Quản lý và khai thác cảng rất có khả năng gây chồng chéo hệ thống pháp luật về bộ máy tổ chức Nhà nước, làm giảm sự phối hợp giữa cơ quan lãnh đạo cảng và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và Trung ương. Đại biểu Khánh đề nghị cần phải nghiên cứu vấn đề này nhằm làm giảm sự lòng vòng về thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương có cảng biển.

Không đồng tình với việc thành lập Ban Quản lý khai thác cảng biển, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng lấy ví dụ, tại khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải hiện đang có 6 chủ đầu tư, nếu giờ thành lập thêm Ban Quản lý sẽ tăng thêm thủ tục hành chính do vậy cần cân nhắc lại.

“Trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường rất cần tôn trọng yếu tố thị trường, hạn chế ít nhất can thiệp hành chính. Mặc dù chúng ta rất mong muốn các nhà đầu tư đạt được hiệu quả, nhưng hiệu quả đó nên tuân thủ theo nguyên tắc của cơ chế thị trường, không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính nhiều quá, làm méo mó quá trình vận hành của nền kinh tế”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói.

Cho rằng không nhất thiết phải thành lập Ban Quản lý và khai thác cảng biển tại tất cả các địa phương có cảng biển, Đại biểu Trần Du Lịch, Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, Ban Quản lý khai thác cảng biển là cơ quan có thẩm quyền về cảng được nhà nước ủy quyền một số chức năng quản lý của nhà nước đối với cảng.

Khi đó, cơ quan có thẩm quyền về cảng phải có chức năng ủy quyền của nhà nước thực hiện một số chức năng quản lý tại khu vực cảng. Do vậy “Không nên cảng nào cũng tổ chức cơ quan này, chỉ tổ chức mô hình quản lý này tại một số cảng đặc biệt, cảng loại I”, Đại biểu Trần Du Lịch chỉ rõ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Ngành GTVT nung nấu sửa Bộ luật hàng hải để tạo đột phá“
“Ngành GTVT nung nấu sửa Bộ luật hàng hải để tạo đột phá“

VOV.VN - Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Ngành giao thông vận tải nung nấu khi sửa Bộ luật này là cơ hội tạo sự đột phá về thể chế chính sách để phát triển kinh tế biển..."

“Ngành GTVT nung nấu sửa Bộ luật hàng hải để tạo đột phá“

“Ngành GTVT nung nấu sửa Bộ luật hàng hải để tạo đột phá“

VOV.VN - Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Ngành giao thông vận tải nung nấu khi sửa Bộ luật này là cơ hội tạo sự đột phá về thể chế chính sách để phát triển kinh tế biển..."

"Luật Hàng hải phải bảo vệ lợi ích chủ quyền của Việt Nam"
"Luật Hàng hải phải bảo vệ lợi ích chủ quyền của Việt Nam"

VOV.VN - Có đại biểu cho rằng nếu chỉ áp dụng Luật trong phạm vi "tại Việt Nam" sẽ không bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. 

"Luật Hàng hải phải bảo vệ lợi ích chủ quyền của Việt Nam"

"Luật Hàng hải phải bảo vệ lợi ích chủ quyền của Việt Nam"

VOV.VN - Có đại biểu cho rằng nếu chỉ áp dụng Luật trong phạm vi "tại Việt Nam" sẽ không bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.