Tháo gỡ vướng mắc, tạo đột phá để xanh hóa, số hóa nền kinh tế
VOV.VN - Hiện nay, tình hình chuyển đổi kép (kết hợp giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số) tại nước ta còn chưa phát triển mạnh do gặp nhiều vướng mắc, cần các giải pháp để tạo đột phá trong việc xanh hóa và số hóa nền kinh tế để nâng cao chất lượng, phát triển bền vững.
Thể chế là điểm nghẽn lớn nhất
Nói về quá trình xanh hóa và số hóa, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, tăng trưởng GDP ở nước ta hiện nay tuy cao nhưng còn phụ thuộc vào lao động giá rẻ và đầu tư nước ngoài. Đến nay, đóng góp của khoa học công nghệ vào kinh tế chỉ khoảng 40-42%, năng suất lao động còn thấp, mô hình tăng trưởng dựa vào vốn quá cao. Trong khi đó, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn còn ở mức độ tiềm năng, chưa phát triển. Trình độ còn thấp làm hạn chế sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hạn chế sự lớn mạnh về quy mô, chất lượng và thương hiệu của các doanh nghiệp Việt,...
Lý giải nguyên nhân, theo PGS TS Bùi Quang Tuấn, bên cạnh những thiếu hụt về hạ tầng, kỹ thuật, con người, nguồn vốn hay liên kết vùng, vấn đề thể chế là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Đến thời điểm này, các thể chế, chính sách cho chuyển đổi kép vẫn chồng chéo, thiếu nhất quán, nhiều điểm nghẽn, thiếu đột phá. Các thông tư, nghị định vẫn chưa chi tiết, hay có các quy định, hướng dẫn chưa cụ thể, cơ chế thực thi kém hiệu quả.
“Hiện nay chúng ta có không gian cho thể chế thí điểm, nhưng phải cụ thể hóa được nó. Làm sao để đồng bộ hóa được các quy định, chính sách khác không bị vướng. Cùng đó là thực thi các thể chế còn rất hạn chế khiến chưa có không gian để đổi mới sáng tạo, lẫn lộn giữa cái làm mới và làm sai, nên cần có khung chính sách về vấn đề này”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nói.
Luật sư Nguyễn Trung Nam - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam chỉ ra, trong bối cảnh bùng nổ của nền kinh tế số, các doanh nghiệp (DN) có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và bảo mật dữ liệu. Trong khi đó, chuyển đổi xanh đặt nặng những cam kết tuân thủ về tiêu chuẩn môi trường, yếu tố xanh, lao động,...
Tới thời điểm này, Nhà nước mới chỉ có các quy định chung và khung pháp lý vẫn chưa chi tiết. Tuy vậy, những đạo luật cụ thể không thể ban hành vội vàng mà cần có quá trình. Các Thông tư, Nghị định nếu đưa ra quá nhanh sẽ ít nhiều gặp vướng mắc, cần phát triển theo từng giai đoạn, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Bởi vậy ông Nam đề xuất, Nhà nước nên dựa trên các quy định hiệu hữu để có nghiên cứu, thực thi các mô hình, khu vực thí điểm. Kết quả của các chương trình thí điểm, cùng kinh nghiệm của các nước trên thế giới sẽ là tiền đề để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với Việt Nam.
“Khi có các cơ chế, chính sách riêng đặc biệt cho từng vùng, từng lĩnh vực, cơ hội để phát triển kinh tế xanh của những lĩnh vực này sẽ trở thành các mảng mũi nhọn, sau đó trở thành các quy định chung của pháp luật, áp dụng rộng rãi, tạo điều kiện cho các DN có thể tập trung được nguồn vốn, nguồn lực mà không sợ vi phạm các quy định của pháp luật”, ông Nam nêu.
Chuyển đổi từ việc tận dụng Nghị quyết 98
Đối với TP.HCM, ông Vũ Mạc Hưng - Chuyên gia tư vấn kinh tế-xã hội, Công ty Boston Consulting Group (BCG) cho rằng, nên tập trung số hóa một vài ngành trọng điểm, như thương mại điện tử, fintech, xây dựng các phần mềm ứng dụng với các ngành dịch vụ,... Cùng với đó, thành phố cần xây dựng chính quyền số, kết nối chính quyền điện tử, chuẩn hóa và đồng bộ các cơ sở dữ liệu, xây dựng nền tảng thành phố thông minh, qua đó tích hợp các hạ tầng như giao thông, xử lý nước thải.
“Thành phố cần tiếp tục thu hút các nhà đầu tư thông qua mô hình quản trị một cửa, tập trung vào các ngành mũi nhọn. Đặc biệt phải làm thế nào tận dụng Nghị quyết 98 để cởi trói cơ chế là điều quan trọng nhất, để có thể thúc đẩy và tạo ra tác động lớn cho TP.HCM bứt phá trong thời gian tới”, ông Hưng đề xuất.
Theo Nghị quyết 98, TP.HCM ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án, như xây dựng trung tâm đổi mới các lĩnh vực công nghệ cao có quy mô lớn. Nhà đầu tư chiến lược có nghĩa vụ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề đối với lao động bị ảnh hưởng tại khu vực dự án; ưu tiên tiếp nhận lao động địa phương; thực hiện cam kết về việc chuyển giao công nghệ. Nhà đầu tư chiến lược được hưởng các ưu đãi về thủ tục, chi phí nghiên cứu và phát triển, thuế, tiền thuê đất, trợ cấp theo quy định.
Nghị quyết 98 còn cho phép TP.HCM hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, như miễn thuế thu nhập DN và cá nhân với các chuyên gia, nhà khoa học, DN, tổ chức về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như các đơn vị hỗ trợ; cho phép các khu công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo thử nghiệm các giải pháp mới. Đặc biệt, thành phố sẽ được hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách.
Về chuyển đổi xanh, theo Nghị quyết 98, TP.HCM được phép cấp trái phiếu xanh và thí điểm giao dịch tín chỉ carbon, đồng thời hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon để phục vụ các chương trình, dự án liên quan đến chuyển đổi xanh. TP.HCM còn được ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 còn cho phép các nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ sang xử lý có thu hồi năng lượng, được xem xét bổ sung khối lượng theo hình thức đặt hàng. Ngoài ra, Quốc hội cho phép các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công được lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
TP.HCM sẽ tiếp tục có những chính sách cụ thể khuyến khích cộng đồng DN chuyển đổi kép. Trong đó tập trung xây dựng những khung chính sách đồng bộ, thiết thực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN áp dụng các tiêu chí xanh, công nghệ số trong sản xuất.