Thao túng giá chứng khoán: Cần xử lý mạnh tay để tạo hiệu ứng răn đe
VOV.VN - Hoạt động bán chui cổ phiếu, thao túng chứng khoán được nói đến rất nhiều, gần đây không ít vụ bị xử lý mạnh tay. Theo nhiều chuyên gia, đây là diễn biến tích cực góp phần làm thị trường minh bạch hơn và trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Thao túng giá chứng khoán ngang nhiên lộng hành, thậm chí "làm mưa làm gió"
Liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FLC đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong ngày 29/3 về hành vi thao túng chứng khoán, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư và mới đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về những sai phạm tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) khẳng định, đây chính là tin tốt cho nhà đầu tư.
“Khi những thông tin này được công bố thì những cổ phiếu họ FLC sẽ bị ảnh hưởng nhưng sẽ không thể ảnh hưởng đến thị trường chung được. Vận động của thị trường chứng khoán có thể có lúc tăng lúc giảm, chứ không thể tăng mãi được. Tuy nhiên, giá chứng khoán tăng khi môi trường đầu tư tốt lên hoặc khi doanh nghiệp làm ăn tốt lên thì đấy là chuyện bình thường nhưng mà tiêu cực của thị trường nếu triệt phá được thì sẽ chắc chắn tốt cho thị trường”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.
Theo ông Hải, những tồn tại của thị trường chứng khoán như: làm giá chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán, gian lận báo cáo tài chính và những tiêu cực khác tại nhóm cổ phiếu FLC nói riêng và một số cổ phiếu khác trên thị trường đã diễn ra trong nhiều năm chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.
“Trước kia, việc làm giá chứng khoán vẫn ngang nhiên lộng hành, thậm chí thỏa sức “làm mưa làm gió”, không ai làm gì được cả, cho nên vụ việc khởi tố này tôi cho là sẽ tạo được hiệu ứng răn đe, khiến các đội lái trên thị trường phải chùn tay trong việc thao túng giá", ông Nguyễn Hoàng Hải đánh giá.
Phó Chủ tịch VAFI cũng chỉ rõ, đứng sau hoạt động tạo cung cầu ảo, thao túng giá cổ phiếu là "phạm tội có tổ chức" bởi có công cụ là công ty chứng khoán, có nhóm hỗ trợ tạo hàng trăm tài khoản giao dịch, có người bám thị trường hàng ngày để đặt lệnh, tung tin, làm méo mó báo cáo tài chính.
“Điều này cũng thể hiện công tác thanh tra, giám sát thị trường của UBCKNN, của các sở, ngành còn rất yếu. Trước đây, sai phạm rất nhiều nhưng xử lý rất nhẹ và có sự bao che. Mới đây, bước đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có kết luận về những mặt tồn tại của thị trường chứng khoán và có đề nghị kiểm điểm một số chức danh chủ chốt đang quản lý, tôi thấy như vậy hợp lý. Khi công tác thanh tra, giám sát thị trường được tăng cường thì những tiêu cực sẽ giảm bớt”, lãnh đạo VAFI nhận định.
Cần xử mạnh tay với thao túng giá chứng khoán
Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, việc xử lý những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ giúp cho các nhà đầu tư tin tưởng, an tâm hơn khi bỏ vốn vào thị trường vì quyền lợi của họ được đảm bảo, pháp luật được tôn trọng. Bên cạnh đó, cũng giúp cho thị trường chứng khoán trở nên công khai, minh bạch hơn, từ đó, giúp nhà đầu tư quốc tế quan tâm hơn cũng như có thể được các tổ chức quốc tế nâng hạng lên trong thời gian tới.
“Việc mua bán chui cổ phiếu, thao túng các cổ phiếu trái phiếu trên thị trường chứng khoán đã làm giảm tính công khai, minh bạch, giảm lòng tin cũng như gây thiệt hại đến quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đây là hành vi đáng lên án và đó là hành vi vi phạm luật pháp nên cần thiết phải xử lý một cách nghiêm minh thể hiện sự thượng tôn pháp luật”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Để có thể ngăn chặn tận gốc những hành vi sai phạm tương tự, tránh trường hợp để xảy ra sai phạm rồi xử phạt, ông Thịnh cho rằng, việc kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm phải được thực hiện thật nghiêm minh.
“Nếu chúng ta thực thi luật pháp một cách nghiêm minh thì đâu có tình trạng “chăn gà”, “lùa gà” tràn lan như thế được?”, ông Thịnh thẳng thắn.
Bên cạnh đó, cơ chế xử phạt phải thật nghiêm. Từ trước đến nay, chủ yếu chỉ phạt hành chính, trong khi đó, pháp luật có quy định nếu như mua bán chui, thao túng thị trường ở mức độ lớn hoặc nếu tái phạm nhiều lần thì phải xử lý hình sự.
“Ví dụ như trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, đây không phải sai phạm lần đầu, trước đó đã từng có hành vi bán chui cổ phiếu nhưng lúc đó chỉ xử phạt mấy chục triệu, hình phạt quá nhẹ nên khiến người vi phạm cảm thấy tiền phạt không là gì so với lợi ích thu được, do đó, việc xử phạt không có tính răn đe, người ta không sợ”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu thực tế.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, thời gian trước, những người liên đới gần như không phải chịu trách nhiệm gì cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sai phạm xảy ra thời gian qua.
“Bản thân mỗi cá nhân thì không thể thao túng thị trường, họ phải có những người giúp đỡ, thậm chí nhiều người giúp đỡ là đằng khác để mua đi bán lại đẩy giá cổ phiếu, tạo sóng nhưng mà đến khi truy ra thì chỉ có một ông nào đó chịu, còn lại những người liên đới thì không sao nên người ta không sợ. Đây là điều cần phải thay đổi trong thời gian tới”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, ngoài việc xử lý lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường là UBCKNN và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Hải đặt vấn đề cần thiết phải có những cải tổ tại UBCKNN để tránh xung đột lợi ích. Bởi mấu chốt của vấn đề nằm ở khâu thanh tra, giám sát thị trường hiện nay của Sở Giao dịch chứng khoán cũng như UBCKNN còn chưa hiệu quả.
“UBCKNN đã không làm tốt nhiệm vụ chính là giám sát thị trường chứng khoán. Thay vì tập trung quyền lực cho Chủ tịch UBCKNN, cơ quan này cần có thêm tổng thư ký, ủy viên thường trực chịu trách nhiệm giám sát, thanh tra thị trường chứng khoán… với chức năng độc lập với nhau”, ông Hải đề xuất./.