Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ĐBSCL

Thất bại do chủ quan, không theo nhu cầu thị trường

(VOV) -Nhân bài học “đắng” khiến người nông dân lao đao

Trong bài viết “Nhiều loại cây trồng cạn thu nhập gấp nhiều lần cây lúa”, chúng tôi đã đề cập đến hiệu quả sản xuất của những nông dân trong việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” cứ đeo đẳng những người nông dân. Bên cạnh đó, nóng vội mà không tìm hiểu kỹ thuật, thị trường đầu ra đã khiến cho người nông dân thêm phần lao đao.

Câu chuyện “sữa bò đắng”…

Cách đây hơn chục năm, ở ĐBSCL, Đồng Tháp là một trong những địa phương chủ trương phát triển đàn bò sữa mạnh của khu vực.

Gần 500 con bò sữa được Đồng Tháp mua về để vận động người dân mua nuôi với nguồn vốn vay của ngân hàng. Người dân đặt niềm tin vào dự án nuôi bò sữa để đổi đời, bớt cơ cực hơn làm lúa. Nào ngờ mới mua về đã gặp sự cố như bò già, bò bệnh… dẫn đến thua lỗ, nợ nần chồng chất. Hàng loạt hộ thực hiện theo chủ trương của tỉnh phát triển đàn bò sữa “bí lối” nhưng ngân hàng cứ đến đòi nợ mỗi ngày, lâm vào cuộc sống khốn khó.

Giờ đây, nhắc lại câu chuyện “sữa bò đắng” ông Huỳnh Minh Đoàn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp thừa nhận bò sữa là con vật khó nuôi và không phù hợp với những vùng ngập lũ như ở Đồng Tháp có khí hậu nóng và thiếu đồng cỏ. Đặc biệt, những hộ thiếu kiến thức cơ bản, thiếu cơ sở vật chất… thì rất khó nuôi bò sữa. Dù vậy, thời điểm đó, tỉnh Đồng Tháp vẫn chủ trương phát triển đàn bò sữa để rồi dẫn đến thất bại và nông dân là người lãnh đủ: “Đồng Tháp chúng tôi đã làm nhiều mô hình nhưng không thành công do chỉ đạo làm nhưng không hỗ trợ người dân. Nhà nước quản lý vĩ mô phải bảo đảm và chống lưng cho chuyện này chứ nói suông là không được. Đây là bài học sâu sắc đối với tôi. Làm gì cũng phải nghiên cứu sâu và tính toán thật kỹ”- ông Đoàn thừa nhận.

Không chỉ Đồng Tháp mà nhiều địa phương khác ở khu vực ĐBSCL cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Như vậy đã rõ, ĐBSCL không phải là “vùng đất hứa” cho bò sữa. Nhiều dự án bò sữa đổ bể, người dân mang bò sữa đi xẻ thịt trong sự ấm ức.

Nhiều người dân lúc đó cho rằng chính quyền khuyến khích dân nuôi bò sữa, nhưng khi thất bại, không thấy “bóng dáng” chính quyền ở đâu để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân.

Phát triển ồ ạt, không nắm chắc đầu ra nên nhiều thời điểm, người dân trồng khoai lang lâm vào cảnh khốn đốn

… đến bài học từ cây khoai lang

Có thể nói, trong nhiều thời điểm, nông dân ở khu vực sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất nước luôn đối mặt với nhiều thách thức. Gần đây, ngoài những yếu tố rủi may thì tình trạng bị ‘‘điều khiển’’ để sản xuất với bàn tay thương lái nước ngoài thao túng đã làm cho khó càng thêm khó. Trong đó, bài học từ cây khoai lang vẫn còn đó.

Lợi nhuận thu được tăng cao hơn nhiều lần so với trồng lúa đã khiến diện tích trồng khoai lang trên địa bàn khu vực ĐBSCL tăng nhanh.

Tuy nhiên, do phát triển ồ ạt, không nắm chắc đầu ra nên nhiều thời điểm, người dân trồng khoai lang lâm vào cảnh khốn đốn. Nhiều vụ thương lái nước ngoài điều khiển thương lái trong nước kích thích người trồng khoai và đảm bảo đầu ra. Nhưng đến lúc thu hoạch thì lời hứa hão còn đấy mà người mua đã ra đi phương nào.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long trăn trở: “Chúng tôi không cản được người dân giảm diện tích vì có thời điểm giá quá cao. Biết rằng sản xuất phải theo dõi thị trường, nếu cứ thấy giá cao mà lao vào trong khi nhu cầu không bền vững là rất khó”.

Lỗ hổng trong công tác quy hoạch

Nhìn nhận ở góc độ khoa học, thời gian qua, chất lượng và giá trị nông sản của khu vực ĐBSCL được nâng lên đáng kể, sản lượng xuất khẩu tăng cao. Tuy nhiên, việc phát triển liên tục và ồ ạt, thiếu quy hoạch mà nhiều bài học “trúng mùa, mất giá” từng xảy ra đối với cây dừa ở Bến Tre, khoai lang Vĩnh Long, cây mía ở Hậu Giang, cây khóm ở Tiền Giang v.v.. đã đẩy sản phẩm nông sản của vùng liên tục rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa.

Tiến sĩ Từ Văn Bình, Trường Đại học Kinh tế TPHCM nói: “Chúng ta chỉ tập trung vào sản xuất mà đầu ra không nắm được là một trong những trở ngại, thiệt thòi lớn. Người chịu thiệt thòi nhiều nhất là nông dân –người sản xuất chứ không phải người sử dụng. Vì vậy, chúng ta phải nhìn lại thị trường để sản xuất”.

Dù vất vả làm ra nông sản có chất lượng nhưng đến nay bài toán đầu ra cho sản phẩm luôn quá tầm đối với người nông dân.

Điều này cho thấy lỗ hổng trong công tác quy hoạch sản xuất ở khu vực ĐBSCL.

Đây thật sự là bài toán khó đã và đang tiếp tục đặt ra cho các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, những người hoạch định chiến lược.

Chúng tôi sẽ nêu rõ những nhận định của các địa phương, nhà khoa học trong việc tìm thêm những giống cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở ĐBSCL trong bài “Chuyện “nóng” nhưng đừng “vội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên