Thấy gì từ WEF Đông Á - 2014?

VOV.VN - Các nội dung được Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á đề cập là những điểm nhấn quan trọng, thu hút nhiều sự quan tâm.

Từ ngày 21 - 23/5, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á lần thứ 23 (WEF Đông Á -23) diễn ra tại Philippines, có khoảng 450 đại biểu là chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực tham gia.

Với chủ đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”. Nội dung được hội nghị tập trung bàn thảo tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều, hướng tới phát triển bền vững và nhận diện kết nối khu vực. WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu có uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tăng trưởng tiến bộ đồng đều

Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được nhắc đến với vai trò là động lực tăng trưởng chính của thế giới, khi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu khởi phát từ Mỹ năm 2008. Để tăng cường nội lực hơn nữa thì hợp tác toàn diện trong khu vực đang là nhu cầu khách quan của cộng đồng Đông Á. Đây cũng là mục tiêu được lãnh đạo các quốc gia trong khu vực theo đuổi từ nhiều năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự WEF Đông Á - 23. (Ảnh: Nhật Bắc)

Đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố bản báo cáo “Cập nhật kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương” dự báo, các nước đang phát triển ở Đông Á sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 7% trong năm 2014, nhờ sự ổn định dần của nền kinh tế toàn cầu cùng với việc khu vực này có khả năng trụ vững bất chấp Mỹ cắt giảm gói kích thích kinh tế QE3. Với mức tăng trưởng nêu trên, Đông Á sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các quốc gia cả trong và ngoài khu vực.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là tốc độ phục hồi kinh tế còn thiếu bền vững và cân bằng; các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng chậm lại so với trước khủng hoảng (dự kiến GDP đạt 4,9% năm 2014 và 5,3% năm 2015). Trong khi kinh tế toàn cầu được IMF dự báo chỉ  tăng trưởng GDP ở mức 3,6% năm 2014 và 3,9% năm 2015.

Vì thế, IMF khuyến cáo các nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Đông Á nói riêng cần vừa duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, vừa giữ nhịp cân bằng, tạo nên bước tiến đồng đều giữa các quốc gia, các khu vực và các công ty trong mỗi quốc gia.

Hướng tới phát triển bền vững

Để phát triển bền vững, WEF Đông Á-23 cũng chỉ ra rằng, sự gắn kết của những yếu tố giáo dục, kinh doanh, việc làm được coi như 3 trụ cột để nền kinh tế của mỗi quốc gia và cả khu vực đạt đến được trình độ cao và bền vững.

Diễn đàn cũng phản ánh, hiện nay các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng quá chú ý đến sự cần thiết phải tạo ra việc làm, nhưng lại quan tâm không đầy đủ đến phúc lợi dành cho người lao động, khiến điều kiện việc làm thiếu an toàn và chế độ lương, thưởng cũng không công bằng.

Để có môi trường đầu tư an toàn, bền vững thì yêu cầu ổn định về an ninh là vấn đề cấp thiết mà hội nghị cũng đòi hỏi phải chú ý. Trong thời gian gần đây, khu vực Đông Á liên tục phải đối mặt với những mâu thuẫn về địa - chính trị, khiến WEF Đông Á-23 phải dành hẳn một phiên thảo luận về chủ đề căng thẳng địa - chính trị tại khu vực, có sự tham gia của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Samuel J. Locklear.

Bên lề Hội nghị lần này, Tổng thống nước chủ nhà Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đưa ra thảo luận vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc gây cản trở đến sự phát triển nhanh và bền vững của khu vực, cần sớm được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Nhận diện kết nối khu vực

WEF Đông Á-23 diễn ra trong bối cảnh, tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế khu vực Đông Nam Á đang được thúc đẩy, các nước ASEAN đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN cũng đang được triển khai.

Với quyết tâm, nội lực ổn định, gắn kết cao là điều kiện cần để Đông Á tự tin vào cuộc chạy đua kinh tế mà khu vực này được đánh giá là non trẻ và có nhiều tiềm năng. Đây cũng là nhiệm vụ mà mỗi quốc gia trong khu vực và các đối tác liên quan cần vượt qua để có được lợi ích chung trong cả trung và dài hạn.

Dự WEF Đông Á lần này Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã có đóng góp quan trọng vào 5 nội dung (đổi mới kinh tế, hội nhập, liên kết khu vực, phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức), trong đó hội nhập và liên kết khu vực là một trong những điểm nhấn trong phát biểu tại điễn đàn của Thủ tướng Việt Nam. 

Với tư cách, khách mời đặc biệt tại các phiên thảo luận về sáng kiến “Tăng trưởng châu Á”, Việt Nam cũng tạo được ấn tượng khi phát biểu về Chương trình nghị sự nông nghiệp và an ninh lương thực của ASEAN, thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công - tư…

Những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của WEF. Năm 2010, Việt Nam  đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại TP HCM với chủ đề “Vai trò đang lên của Châu Á trong phát triển toàn cầu.” Năm 2012-2013, Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan và Myanmar.

Hiện nay, Việt Nam đã có 13 Tập đoàn/Tổng công ty lớn là thành viên của WEF, trong đó có các Tập đoàn Dầu khí, FPT, VinGroup và VinaCapital là các thành viên sáng lập. Việt Nam đã và đang không ngừng thể hiện tinh thần chủ động, tích cực đóng góp để hoàn thiện việc xây dựng cộng đồng Đông Á trong tương lai.

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, kinh tế Đông Á vẫn được coi là dẫn đầu và là động lực trong quá trình phát triển. Vì thế, 3 nội dung chủ yếu được WEF Đông Á-23 lựa chọn là những điểm nhấn quan trọng có tác động không nhỏ đến quá trình phát triển đồng đều, nhanh và bền vững của khu vực, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trong và ngoài khu vực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên