“Thẻ vàng” EC làm dậy sóng nghề biển
VOV.VN - Gần 2 năm qua, việc Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “Thẻ vàng” đối với thuỷ sản Việt Nam đã tác động tiêu cực đến ngành thuỷ sản của Việt Nam.
Gần 2 năm qua, việc Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “Thẻ vàng” đối với thuỷ sản Việt Nam đã tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Đây là hệ quả đối với nghề cá mà ở đó ngư dân khai thác tự do, thiếu bền vững kéo dài nhiều năm qua của ngành thuỷ sản Việt Nam.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cảnh báo mạnh mẽ rằng, nếu không gỡ được “thẻ vàng”, hoặc bị nâng lên “thẻ đỏ” thì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thuỷ sản, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân mà trước hết là ngư dân.
Phó Thủ tướng đặt mục tiêu là phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định đánh bắt cá của Việt Nam và quốc tế. Về lâu dài phải đảm bảo cho nghề cá Việt Nam phát triển bền vững, trách nhiệm. Đây cũng là những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.
2 lần xâm phạm vùng biển nước ngoài trong lúc hành nghề khai thác hải sản, ngư dân Trần Năm, chủ tàu cá QNg - 90446 TS, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã trả giá quá đắt. Trước đây, nghe đồn thổi về mức lãi khá lớn nếu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt nên ông Năm cùng bạn thuyền vượt sang đánh bắt tại vùng biển Australia.
Trong lúc khai thác, ông bị phía nước bạn phát hiện và tịch thu con tàu cùng ngư cụ trị giá hàng tỷ đồng. Chiếc tàu cá thứ hai của ông vừa mới đóng lại tiếp tục hoạt động xâm phạm vùng biển nước ngoài, khi bị phát hiện dù kịp thoát chạy về Việt Nam cũng đã bị cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Ngãi tước giấy phép khai thác thủy sản 6 tháng và cắt hết mọi chính sách hỗ trợ, từ chối cho vay vốn theo chính sách của nhà nước đối với chiếc tàu cá này. Tiền mất tật mang, bao nhiêu vốn liếng, tiền của dành dụm cả đời giờ tan theo sóng biển.
Việc Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam đã làm dậy sóng nghề biển gần 2 năm qua. |
Thiệt đơn thiệt kép, ngư dân Trần Năm than thở: "Trước kia tôi đánh bắt đi xa, ra nước ngoài, bị bắt mất 1 chiếc tàu, thiệt hại tài sản quá lớn. Tôi thấy người ta làm thu nhập cao nhưng hiệu quả không tốt, nguy hiểm tính mạng con người và thiệt hại tài sản".
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, các ngành chức năng và địa phương ven biển đã triển khai quyết liệt các biện pháp tuần tra, kiểm soát nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. 5 tháng đầu năm nay đã xảy ra 41 vụ với 69 tàu và gần 300 ngư dân vi phạm.
Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng thủy sản đạt 2,42 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2018... |
Công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa tốt, xử lý các hành vi khai thác IUU chưa nghiêm, nguồn lực cho hoạt động chống khai thác IUU chưa được đầu tư đúng mức… Chính vì vậy mà chúng ta chưa tạo được bước đột phá trong công tác chống khai thác IUU.
Thượng tá Lê Văn Khương, Phó Tham mưu Trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết vẫn còn nhiều tàu cá Việt Nam vượt sang vùng biển nước ngoài khai thác trái phép.
Cũng theo Thượng tá Lê Văn Khương: "Nhiều ngư dân biết vùng biển của các nước nhưng vì lợi ích của một số thuyền trưởng hoặc chủ tàu nên họ không quan tâm gì đến vùng biển của Việt Nam hay nước ngoài. Thêm nữa vùng biển của Việt Nam và Indonesia, Việt Nam và Malaysia vẫn còn vùng biển chồng lấn. Nếu Việt Nam theo Hiệp định phân định giữa Việt Nam và các nước thì không có vấn đề gì nhưng xử lý theo vấn đề chồng lấn thì có khác đi".
Theo Ủy ban châu Âu (EC), việc đánh bắt quá đà ở 1 vùng biển có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái của những vùng biển khác, tác động đến nguồn lợi thủy sản của khu vực này. Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đối với thuỷ sản Việt Nam. Đồng thời, EC đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam cải thiện công tác quản lý nghề cá, đảm bảo tiêu chuẩn khi nhập khẩu hải sản vào thị trường châu Âu.
Việc Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam đã làm dậy sóng nghề biển gần 2 năm qua. Khi bị cảnh báo “Thẻ vàng”, sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam đã và đang bị kiểm tra rất chặt, 100% lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu đều bị kiểm tra nghiêm ngặt.
Nhiều ngư dân và doanh nghiệp đã nhìn thấy rõ hậu quả của việc áp dụng Thẻ vàng:
"- EC cảnh báo thẻ vàng, họ sẽ không mua cá của Việt Nam nữa. Ngư dân rất lo lắng, chỉ làm trong vùng biển của Việt Nam không dám ra nước ngoài nữa.
- Bây giờ EC phạt thẻ như vậy, không cho mình xuất đi thì quyền lợi của người sản xuất, đánh bắt, khai thác xa bờ về bán không được giá.
- Điều này tác động cả hệ thống. Những người sản xuất cũng bị, những người làm phụ phẩm của cá ngừ cũng bị ảnh hưởng, chế biến bột cá, phế phẩm liên quan đến thị trường châu Âu cũng bị. Họ cũng đòi phải đánh bắt hợp pháp…".
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu bắt đầu chuyển hướng sang các thị trường khác như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, khi bị cảnh báo “Thẻ vàng” thì uy tín, hình ảnh, chất lượng của các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường khác cũng ít nhiều bị suy giảm.
Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương hàng đầu ở Việt Nam và châu Âu là thị trường xuất khẩu chủ lực. Từ ngày cảnh báo "thẻ vàng", kim ngạch xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp sang thị trường Châu Âu liên tục giảm từ 20% đến 30%.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định cho biết, sau khi bị "Thẻ vàng" EC, hoạt động xuất khẩu thủy sản sang châu Âu rất khó khăn. |
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định cho biết, các doanh nghiệp đang mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như cơ hội kinh doanh cho các khâu kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu quá khắt khe. Rủi ro vì hàng hóa bị chặn lại thanh tra, kiểm tra và chi phí phát sinh xuất khẩu vào thị trường này rất nhiều. Mặt khác, thời gian giao hàng liên tục bị chậm trễ, đối tác rất ngại ký hợp đồng với doanh nghiệp của Việt Nam.
"Hiện nay, các nước đang siết chặt rất căng thẳng về hồ sơ, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận nguồn gốc (FC), chứng nhận chất lượng (CC) sản phẩm. Họ đưa ra nhiều chỉ tiêu kiểm tra gắt gao. Hiện nay, hàng hóa mỗi lần xuất đi phải đợi chờ kiểm tra thông quan, phải mất thêm từ 10 đến 15 ngày. Dẫn đến công ty khó khăn về huy động vốn, chi phí phát sinh quá nhiều mang tâm lý rủi ro lớn quá nên rất bất ổn khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu" - bà Cao Thị Kim Lan bày tỏ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu từ 350 - 400 triệu USD, chiếm 16% - 17% tổng giá trị xuất khẩu hải sản Việt Nam. Do ảnh hưởng của “Thẻ vàng”, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường Châu Âu đang chịu nhiều áp lực và liên tục giảm.
Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng thủy sản đạt 2,42 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó thị trường châu Âu chỉ đạt 393 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Việt Nam cho rằng, khi bị “Thẻ vàng”, doanh nghiệp không xuất khẩu được thì ngư dân cũng không bán được cá vì hoạt động này theo chuỗi.
"Theo báo cáo mới đây của Tổng cục thủy sản thấy rằng, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài không giảm. Điều này nguy hiểm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt xuất khẩu thủy sản. Nếu bị thẻ đỏ thì EU không nhập khẩu thủy sản, mất uy tín và chúng ta phải trả giá một thời gian dài nữa" - ông Lăng cho biết thêm.
Ngay sau khi Ủy ban châu Âu ra cảnh báo “Thẻ vàng” với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan và các địa phương ven biển đã quyết liệt hành động nhằm tháo gỡ. Tuy nhiên, cho đến nay tình hình vẫn chưa cải thiện. Tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây thực sự là nguy cơ hiện hữu cho việc có thể EC sẽ rút thẻ đỏ.
Vậy, ngành thủy sản và các địa phương ven biển hành động thế nào để gỡ “Thẻ vàng” của EC. VOV sẽ trở lại vấn đề này trong bài 2 của loạt phóng sự./.
Phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm: Nỗ lực gỡ thẻ vàng EC