Thêm hai trường hợp lừa đảo doanh nghiệp tại Togo

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 3, đã nhận được thư của hai doanh nghiệp Việt Nam nhờ xác minh đối tác tại Togo.

Trường hợp thứ nhất, một khách hàng ở Lomé –Togo có tên là African Poverty Alleviation Commission cần mua bột mì với số lượng 25.000 tấn, trị giá hơn 11 triệu USD. Khách hàng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam làm hồ sơ tham gia đấu thầu. Theo hướng dẫn, doanh nghiệp Việt Nam đã gửi hồ sơ và 3 ngày sau nhận được thông báo đã thắng thầu. Phía ‘‘đối tác” Togo hối thúc doanh nghiệp Việt Nam khẩn trương mua vé máy bay sang Togo để ký hợp đồng, đồng thời giới thiệu các tuyến đường bay, thủ tục xin visa vào Togo và cho biết, nếu doanh nghiệp Việt Nam không sang đúng hẹn sẽ bị hủy hợp đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể chuyển trước vào tài khoản của khách hàng 1.800 euro để họ thay mặt giúp làm thủ tục nhập khẩu.

Sau khi xem xét thư của phía đối tác Togo và kiểm tra thực tế, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á kết luận African Poverty Alleviation Commission là một tổ chức lừa đảo. Bằng chứng là địa chỉ của tổ chức trên là không có thật. Tại thủ đô Lome, Togo không có phố Kara (rue du Kara) như doanh nghiệp Togo cung cấp. Trong thư của tổ chức Togo cũng cho biết việc nhập cảnh vào Togo không cần visa và được miễn phí. Tuy nhiên theo nguồn tin chính thức của Bộ Ngoại giao nước này, việc xin thị thực vào Togo là bắt buộc và phải trả tiền. Phí xin visa vào Togo tối thiểu là 20 euro/người nếu thời gian lưu trú 15 ngày và vào 1 lần; 30 euro nếu vào nhiều lần với cùng thời gian lưu trú.

Trường hợp thứ hai, một doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm được qua mạng Internet một đối tác tại Togo là GOLDLINK ENTERPRISE, địa chỉ: 168 DIAMOND BUILDING, BP 2903 Lome, Togo, West Africa. Phía đối tác đề nghị hợp tác sản xuất bảng quảng cáo, tháp ăng-ten, các trạm BTS với dự án quy mô khá lớn. Trước khi tiến hành giao dịch, doanh nghiệp Việt Nam gửi thư nhờ Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á kiểm tra xem công ty Togo có thực sự tồn tại hay không. Vụ đã chuyển hồ sơ này đến Thương vụ Việt Nam tại Nigeria đề nghị xác minh giúp.

Sau khi thẩm tra, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria cho biết tại địa chỉ 168 DIAMOND BUILDING, BP 2903 Lome, Togo, không có doanh nghiệp nào tên là GOLDLINK ENTERPRISE.

Trước đó, theo đề nghị của doanh nghiệp Việt Nam, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á đã từng xác minh một số trường hợp tương tự tại Togo và phát hiện đó là những trường hợp lừa đảo và kịp thời cảnh báo cho doanh nghiệp Việt Nam. Thủ đoạn mà những đối tác Togo này hay dùng là đặt mua hàng với khối lượng lớn, thời gian ký hợp đồng rất gấp và thường hối thúc nhà xuất khẩu chuyển trước một số phí từ 1500 đến 6000 USD như phí đăng ký sản phẩm nhập khẩu, phí xin giấy phép nhập khẩu và hợp thức hoá giấy tờ này, phí theo quy định của Bộ Tài chính Togo về kiểm soát chống khủng bố, rửa tiền, buôn lậu ma tuý, phí trả cho luật sư thay mặt người bán ký hợp đồng trước sự chứng kiến của ngân hàng nước sở tại, phí hợp thức hoá hợp đồng… Trong khi theo Luật Thương mại của Togo, nhà xuất khẩu không phải trả những loại phí trên.

Một số đối tượng còn tự nhận là các tổ chức của chính phủ hoặc phi chính phủ đứng ra mua hàng để phục vụ các hoạt động nhân đạo tại châu Phi.

Để tìm kiếm khách hàng tại châu Phi, doanh nghiệp nên liên hệ với các Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria, Ai Cập, Nam Phi, Maroc và Nigeria, các Đại sứ quán châu Phi tại Hà Nội, tích cực tham gia các Hội chợ triển lãm quốc tế, các Hội thảo, Diễn đàn Doanh nghiệp, các đoàn nghiên đi cứu thị trường và xúc tiến thương mại do các Cơ quan trong nước tổ chức hoặc qua người quen giới thiệu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên