Thêm xung lực mới cho quan hệ kinh tế Việt Nam- Nhật Bản
VOV.VN -Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của VN và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN
Nhận lời mời của Nhà Vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 16-19/3/2014.
Chuyến thăm sẽ tạo thêm một xung lực mới, đưa quan hệ Việt – Nhật lên tầm cao mới, thúc đẩy sự hợp tác toàn diện, sâu rộng giữa hai nước Việt – Nhật trên tinh thần đối tác chiến lược.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011).
Theo ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại điện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội: “Có thể nói rằng mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản mà hai quốc gia vừa kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập vào năm 2013, hiện đang ở thời kỳ rực rỡ nhất từ trước tới nay. Mối giao lưu giữa hai dân tộc cũng đang có những bước tiến vững chãi. Hợp tác kinh tế từ Nhật Bản cũng như vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua”.
Ông Atsusuke Kawada cho rằng, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ là cơ hội để Nhật Bản tăng đầu tư vào Việt Nam và tìm kiếm cơ hội tốt nhất cho những hoạt động hướng tới Việt Nam trong tương lai.
Nhà viện trợ ODA lớn nhất
Hơn hai mươi năm trước, Nhật Bản đã tiên phong trong việc nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam, đồng quan điểm với Chính phủ Việt Nam là “Phát triển kinh tế đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo”.
Vốn ODA Nhật Bản góp phần tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam |
Thông qua việc xây dựng và trang bị cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, nhà máy điện, cảng biển... ODA của Nhật Bản đã và đang hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng thêm việc làm, thúc đẩy thương mại, tăng cường liên kết với khu vực tư nhân, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng số vốn của các nhà tài trợ.
Tính từ năm 1992 đến hết tài khóa 2012 (31/3/2013), Nhật Bản đã cam kết khoảng 2.118 tỷ Yên (khoảng 24 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay) vốn vay ODA cho Việt Nam. Năm tài khóa 2011 (kết thúc vào ngày 31/3/2012), Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam khoản ODA vốn vay là 208,097 tỷ yên, tương đương 2,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, năm tài khóa 2012, là 203 tỷ yên (khoảng 2,03 tỷ USD).
Tại cuộc họp báo mới đây, ông Mori Mutsuya- trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam đã đưa ra nhận định: Năm 2014, nguồn vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam ít nhất sẽ bằng 2013, tương đương 200 tỷ yên.
Ông Mori cho biết, nhận định của ông đưa ra dựa trên mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, Việt Nam có một vị trí quan trọng vì vậy hỗ trợ Việt Nam thực hiện tái thiết đất nước và tăng trưởng kinh tế và sứ mệnh quan trọng của Nhật Bản.
“Việt Nam đang phấn đấu tạo những bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Vì sự phát triển của Việt Nam cũng như của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Nhật Bản và JICA sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ những khó khăn và niềm vui với người dân Việt Nam. Hướng đến năm 2030, tôi rất mong tiếp tục được thấy những phát triển mới của Việt Nam trong 20 năm tới”- ông Mori nhấn mạnh.
Nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam
Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam đã cơ bản hoàn thành Giai đoạn IV và thỏa thuận khởi động Giai đoạn V Sáng kiến chung trong năm 2013.
Lũy kế tính đến ngày 20/12/2013, Nhật Bản có 2.166 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 34.764 tỷ USD, đứng 1/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tháng 1/2014, Nhật Bản có 5 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 5, 19 triệu USD.
Theo con số JETRO công bố, hiện nay, tính cả các văn phòng đại diện thì có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam. Theo con số thống kê vào cuối tháng 1/2014, tổng số doanh nghiệp Nhật Bản là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là 1.294 doanh nghiệp, đứng thứ 2 sau Thái Lan (1.534 doanh nghiệp) trong số 10 quốc gia của khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, theo ông Atsusuke Kawada, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam như một thị trường thay thế cho Trung Quốc hay Thái Lan, do lo lắng về những rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc hay giá thành cao tại Thái Lan.
Theo kết quả điều tra về tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp Nhật Bản do JETRO thực hiện vào tháng 10 và tháng 11/2013, có tới hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 hay 2 năm tới, với lý do chi phí nhân công của Việt Nam (công nhân, kỹ sư) rẻ hơn một nửa so với Trung Quốc hay Thái Lan.
Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mở thêm nhà máy thứ 2, thứ 3 tại Việt Nam. Một doanh nghiệp dệt may của Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi cũng đã nghĩ tới chuyện xây dựng nhà máy thứ 2 tại quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, nhưng sau khi điều tra trên nhiều góc độ thì về tổng thể, đầu tư ở Việt Nam tốt hơn, nên chúng tôi đã mở thêm nhà máy tại Việt Nam”.
Đối tác thương mại quan trọng
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam-Nhật Bản trong 2 tháng đầu năm 2014, đạt khoảng 4,02 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng mạnh 22,8% và nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam hàng hóa có xuất xứ Nhật Bản đạt trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 6,3%.
Theo Tổng Cục Hải quan, Nhật Bản vẫn luôn là thị trường thương mại quan trọng của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lên đến 10% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với tất cả các thị trường trên thế giới. Trong năm 2013, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản xếp thứ 4 trong tất cả các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; trong đó, xếp thứ 2 về xuất khẩu và xếp thứ 3 về nhập khẩu.
Trong năm 2013, Nhật Bản là bạn hàng thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 25,163 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,581 tỷ USD (tăng 4% so với năm 2012), nhập khẩu đạt 11,582 tỷ USD (giảm 0,2%).
Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản bao gồm: hàng dệt may, dầu thô, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ & sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện,...
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận năm qua, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản chủ yếu là máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, sắt thép & sản phẩm từ sắt thép, nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày, sản phẩm từ chất dẻo. Tính chung kim ngạch nhập khẩu 5 nhóm hàng lớn nhất này đạt 7,62 tỷ USD, chiếm 65% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản.
Trong tuyên bố chung năm 2011, hai bên đặt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020.
Hai nước đã giành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.
Ngày 21/1/2014, Nhật Bản đã bãi bỏ việc kiểm tra toàn bộ tồn dư chất Ethoxyquin đối với tôm của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại hai chiều về mặt hàng nông lâm thủy sản./.