Thị trường chè trong nước còn “mua tranh, bán cướp”

Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho chất lượng sản phẩm chè Việt Nam giảm sút, đời sống người trồng chè còn khó khăn.

Việt Nam vẫn nổi tiếng có nguồn nguyên liệu chè lớn, lượng xuất khẩu đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, đời sống người trồng chè còn khó khăn. Đặc biệt, thị trường chè Việt Nam vẫn còn lộn xộn, việc tranh mua tranh bán vẫn diễn ra thường xuyên khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh chè của Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi.

Phóng viên VOV online phỏng vấn ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Là người theo sát và gắn bó nhiều năm với ngành chè Việt Nam, xin ông đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Việt Nam hiện nay?

Ông Đoàn Anh Tuân: Đến nay, cả nước đã có 136.000 ha chè, với năng suất bình quân 7 tấn/ha, sản lượng xuất khẩu năm 2010 là 130.000 tấn và xếp vào hàng thứ 5 về sản xuất và xuất khẩu chè trên thế giới. Tuy nhiên, điều còn đáng lo ngại nhất về ngành chè là: Chất lượng sản phẩm chè của Việt Nam còn thấp, không ổn định; giá xuất khẩu bình quân bằng 60% giá bình quân thế giới.

Nếu thu hái chè không đúng cách cũng là một nguyên nhân làm giảm chất lượng chè

Sản xuất công nghiệp không ổn định do thiếu nguyên liệu, chất liệu chưa đều, chưa tốt, thiếu lao động lành nghề, thiếu vốn để cải tiến máy móc, công nghệ, nhà xưởng theo tiêu chuẩn quốc tế. Không những thế, thương mại chè bị phụ thuộc và bị lũng đoạn bởi khách hàng trung gian nước ngoài. Tuy đã mở rộng nhiều thị trường nhưng lại bị ép giá do chất lượng và không có thương hiệu.

Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu chế tài quản lý về chất lượng nên rất dễ bị tác động theo nhu cầu của  thị trường thứ cấp tại các cửa khẩu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu và năng lực sản xuất của các nhà máy chế biến cũng như thương hiệu ngành.Năng suất lao động thấp, diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến thu nhập của người nông dân trồng chè chưa đảm bảo được cuộc sống và khó có cơ hội tái đầu tư vào cây chè.

PV: Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản nào, thưa ông?

Ông Đoàn Anh Tuân: Có 3 nguyên nhân chính thuộc về các công đoạn sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Về sản xuất nông nghiệp trong ngành chè: Phần lớn diện tích chè hiện có trên cả nước là giống chè trung du lá nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, đang bị thoái hóa. Mặc dù Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã nghiên cứu lai tạo một số giống chè mới nhưng vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi và theo quy hoạch cụ thể, nên việc cải thiện năng suất, chất lượng của toàn ngành còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất chè có chất lượng cao và đa dạng hóa sản phẩm.

Người nông dân sản xuất chè hiện nay vẫn tư duy bóc màu, không chú trọng đầu tư thâm canh. Nông dân hoặc vì lợi nhuận trước mắt hoặc vì chưa có khả năng tái đầu tư nên không tuân thủ quy trình kỹ thuật trong canh tác, không quan tâm đến chất lượng nguyên liệu.

Hầu hết nông dân làm chè hiện nay đều hái chè dài hoặc cắt chè bằng liềm, bằng máy hái cải tiến để tăng khẩu độ… làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sau chế biến, tiêu tốn thêm nhiều nhiên liệu vào quá trình sản xuất, đồng thời làm cây chè bị khai thác kiệt quệ, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển lâu dài của cây chè. Đồng thời, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng còn tùy tiện.

Khi nhà máy thiếu nguyên liệu dễ xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, tác động xấu đến thị trường

Về công nghiệp chế biến chè: Từ năm 2000 đến nay, nhiều tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến chè tràn lan, chồng chéo, lấn át nhau; nhiều nhà máy công suất thấp, công nghệ lạc hậu. Có những địa phương trên cùng một xã có tới 11 nhà máy chế biến.

Và, hầu hết các địa phương công suất chế biến vượt cao hơn so với khả năng cung cấp nguyên liệu từ 2-4 lần. Nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến tình trạng “mua tranh, bán cướp”. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho chất lượng sản phẩm chè Việt Nam giảm sút.

Về xuất khẩu: Chè của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới chủ yếu dưới dạng chè rời. Chè có bao gói, mẫu mã mang thương hiệu còn rất hạn chế nên giá bán thấp, chưa có thị trường ổn định và bền vững.

Đồng thời, có quá nhiều công ty tham gia xuất khẩu chè, nhiều công ty xuất khẩu tổng hợp không chuyên về chè, họ chỉ kinh doanh thuần túy có lãi là làm nên sẵn sàng chào bán các loại chè chất lượng thấp khiến các cơ sở sản xuất chè vẫn tiếp tục sản xuất ra chè chất lượng thấp, giá rẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành chè Việt Nam.

Ngay cả với việc sản xuất chè thô, Việt Nam còn kém xa Kenya, Bangladesh và Indonesia. Các quốc gia này sử dụng thương hiệu ngành là chất lượng sản phẩm và phương thức bán hàng qua sàn đấu giá nên vừa tránh được hiện tượng ép giá lại vừa phát huy được giá trị của mình mà không cần làm công tác thương hiệu sản phẩm.

Hiệp hội Chè Việt Nam dự kiến đến năm 2020: Tổng sản lượng sản phẩm ngành chè đạt 250.000 tấn (tăng 43%, trong khi năm 2010, đạt 175.000 tấn). Trong đó, xuất khẩu đạt 182.000 tấn (chiếm 73% tổng sản lượng) với tỷ trọng: Chè xanh và chè đặc sản 60.000 tấn (33%); Chè đen OTD 73.000 tấn (40%); Chè CTC 49.000 tấn (27%).

Đơn giá xuất khẩu bình quân đạt 1,99 USD/kg (so với đơn giá xuất khẩu bình quân năm 2010 đạt 1,45 USD/kg). Đơn giá trung bình chè nội tiêu là 5 USD/kg (năm 2010 ở mức 3,5 USD/kg).

Sản lượng tiêu dùng nội địa đạt 50.000 tấn.

PV: Vậy tại sao đến nay Việt Nam vẫn chưa có sàn giao dịch cho chè và, theo ông, cần làm gì để sớm có sàn cho ngành chè?

Ông Đoàn Anh Tuân: Phải khẳng định rằng, có sàn giao dịch chè sẽ giúp các đơn vị giới thiệu và bán sản phẩm một cách minh bạch, công bằng (tạo tiền đề cho sự ra đời trung tâm đấu giá chè sau này). Điều này giúp kích thích người dân và doanh nghiệp hướng theo sản xuất tốt hơn thay vì tìm cách thương mại láu cá để bán sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay chưa ra đời được sàn, cái vướng mắc lớn nhất vẫn là do chất lượng sản phẩm chè Việt Nam. Bởi vì khi chúng ta muốn ra sàn thì phải tham gia chung một sân chơi, một luật chơi. Nhưng các doanh nghiệp chè Việt Nam hiện nay vẫn mỗi người làm theo một kiểu, chưa có tiêu chuẩn chung để ra sàn.   

Hiện nay, Hiệp hội Chè Việt Nam đang nghiên cứu về việc cho ra đời một sàn giao dịch cho chè, nhưng phải mất ít nhất 5 năm nữa mới có thể thành lập.

PV: Để phát triển bền vững, ngành chè Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?

Ông Đoàn Anh Tuân: Phải tháo gỡ các vướng mắc đã phân tích ở trên. Thứ nhất, cần nhanh chóng xác định các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào ứng dụng; lựa chọn loại nhân giống cho từng loại chè thành phẩm (chè xanh, chè orthodox, chè CTC…);

100% diện tích trồng mới và trồng dặm đều bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng; thay thế dần các diện tích chè giống cũ, lâu năm, năng suất thấp và diện tích mất khoảng bằng các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt.

Thứ hai, phải tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc chè theo kỹ thuật mới; quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho chè; áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế trong chè. Quá trình thu hái phải đảm bảo đúng kỹ thuật phù hợp từng vùng nguyên liệu và mục tiêu sản phẩm.

Thứ ba, về chế biến, phải áp dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn của nhà máy chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách cải tiến quy trình công nghệ, máy móc sản xuất đồng bộ.

Thứ tư, cần đầu tư cho xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, xây dựng thương hiệu ngành chè Việt. Đó là đầu tư cho cả chuỗi giá trị ngành chè trong dài hạn và cần có sự tham gia của các cấp Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và sự cố gắng nỗ lực, trách nhiệm của cả ngành chè (trong cả khâu sản xuất nông nghiệp và chế biến, tiêu thụ sản phẩm).

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên