Thị trường chứng khoán một năm buồn và câu chuyện niềm tin của nhà đầu tư
VOV.VN - Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều biến động và có tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Trái ngược với bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước không biến động quá xấu và trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán nước ta lại nằm trong nhóm các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.
Nhìn lại 2 năm Covid 2020-2021, trong khi kinh tế toàn cầu suy giảm, thị trường chứng khoán thế giới ảm đạm, thì chứng khoán Việt Nam tăng mạnh. Diễn biến này cho thấy thị trường vận hành chưa dựa trên nền tảng vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp, mà dựa trên kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước, nhất là sự tham gia tích cực của lớp nhà đầu tư mới, thường được gọi là thế hệ đầu tư F0. Thị trường năm 2021 nóng đến mức tất cả các cổ phiếu đều tăng mạnh cũng chưa làm thỏa mãn nhà đầu tư, khiến họ chuyển cái nhìn vào trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất phát hành được ấn định ở mức cao, bỏ mặc những cảnh báo rủi ro liên tục từ Bộ Tài chính.
Thậm chí tại một hội thảo cuối năm ngoái, ông Trần Lê Minh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam đưa ra nhận định: "Theo cá nhân tôi, để thực sự đánh thức nhà đầu tư, thị trường trái phiếu cần một thương vụ mất khả năng thanh toán tương đối lớn. Từ rủi ro thực tế sẽ giúp nhà đầu tư nhận diện ra ra rủi ro thị trường và từ đó có cái nhìn thận trọng hơn với kênh đầu tư chứng khoán. Tôi mong một tiếng rung chuông cảnh báo toàn thị trường. Tiếng rung cũng sẽ cho thấy, thị trường Việt Nam hoạt động bình thường chứ không phải theo kiểu ai cũng muốn phát hành trái phiếu và ai cũng có thể trả nợ".
Thực tế chứng minh, thị trường tăng mạnh trên cơ sở tâm lý đám đông đầy hưng phấn của nhà đầu tư cá nhân chắc chắn sẽ khó bền vững khi chưa chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với biến động có thể xảy ra. Vậy nên dễ lý giải việc nhà đầu tư nội là lực đỡ lớn nhất của thị trường trong năm ngoái, lại trở thành lực kéo giảm mạnh nhất trong năm nay, trái ngược hẳn với sự ổn định của dòng vốn ngoại. Và sự kiện hủy 9 đợt phát hành trái phiếu liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trở thành “cú sốc” quá mạnh đến tâm lý đám đông của nhà đầu tư cá nhân.
"Sau 2 năm tăng nóng, năm nay phải điều chỉnh, nữa là chúng ta dùng đòn bẩy tài chính còn tương đối nhiều, tâm lý đám đông rất là nặng nề, thị trường chứng khoán nước ta chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, tổ chức là chưa có nhiều, khi mà có suy giảm hay là có tâm lý nặng nề xảy ra thì lập tức là nó suy giảm rất nhanh. Vấn đề nữa liên quan đến đòn bẩy tài chính tài chính, khi áp lực giải chấp tương đối lớn thì giảm mạnh", TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhìn nhận.
Có thể nói, đầu tư theo tâm lý đám đông, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn của nhiều nhà đầu tư trong nước đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam ứng với câu nói: “Thành bởi nhà đầu tư mà bại cũng bởi nhà đầu tư”. Như trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sau cú sốc mang tên Tân Hoàng Minh, nhà đầu tư cá nhân “bán đổ bán tháo” tất cả các loại trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ, thậm chí đòi doanh nghiệp phát hành mua lại trước hạn mà không cần biết trái phiếu đó của doanh nghiệp tốt hay xấu, không cần biết các điều khoản về kỳ hạn đầu tư trong hợp đồng mà chính mình đã đặt bút ký. Làn sóng rút tiền lan sang các quỹ đầu tư trái phiếu cũng khiến các quỹ này mất thanh khoản nghiêm trọng, bởi không quỹ nào có thể dự phòng tiền mặt nhiều đến vậy.
"Sự dễ dãi của nhà đầu tư gây rủi ro chính nhà đầu tư vì mất đi khoản đầu tư, nhưng dễ dãi của nhà đầu tư cũng ảnh hưởng vĩ mô, sự lành mạnh của doanh nghiệp và thị trường nên tôi mong muốn nhà đầu tư cần ý thức rõ rủi ro, trước hết là cho chính mình và lớn hơn là sự ổn định của thị trường tài chính", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến.
Qua thăng trầm của thị trường chứng khoán năm qua, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của nhà đầu tư, đó là trách nhiệm với chính khoàn đầu tư của mình và trách nhiệm trong việc góp phần ổn định và phát triển bền vững của thị trường vốn - chứng khoán Việt Nam.
"Một điểm thú vị mà chúng tôi quan sát trên thị trường trong 3 tháng vừa qua, đó là sự quan tâm của thị trường với trái phiếu niêm yết, trái phiếu doanh nghiệp đầu ngành và các trái phiếu có thời hạn ngắn. Nhu cầu nhà đầu tư mua trái phiếu nhóm này khoảng 300-400 tỷ đồng/ngày. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư không chỉ rút khỏi thị trường trái phiếu mà còn nhanh nhạy rút tiền ở các kênh đầu tư khác để mua vào trái phiếu doanh nghiệp niêm yết khi mức chiết khấu đã xuống ở mức giá hấp dẫn", bà Nguyễn Thị Hoạt, chuyên gia Công ty chứng khoán Kỹ thương TCBS cho biết.
Như vậy, điểm tích cực sau thời gian thị trường trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh thời gian qua là trình độ nhà đầu tư có nâng lên cơ bản. Đã có cái nhìn đúng đắn hơn với những trái phiếu doanh nghiệp của nhà phát hành uy tín, được phân phối bởi đại lý chuyên nghiệp, và nhất là các yếu tố căn bản đã được cân nhắc, như sự hấp dẫn khi cân đối giữa lợi nhuận và mức độ rủi ro có thể chấp nhận. Đây là bài học không chỉ cho nhà đầu tư trái phiếu, mà cho cả thị trường vốn – chứng khoán nước ta nói chung.
Vậy nên, mong nhà đầu tư chứng khoán, hãy đừng là người “lữ khách” trên thị trường, vui thì tham gia ồn ào, buồn thì tháo chạy với tâm lý tiêu cực. Hãy là nhà đầu tư chuyên nghiệp, đồng hành lâu dài với thị trường, có kiến thức, có tâm lý ổn định, để không chỉ tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường biến động, mà còn giúp thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững.
Một năm buồn của thị trường chứng khoán Việt Nam, không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, khi đã không có quyết tâm giảm nhiệt sớm hơn, với những biện pháp “giảm sốc” được tính toán tốt hơn, “tuýt còi” kịp thời hơn trung gian thị trường đã làm trái quy định pháp luật, và nhất là không ổn định được tâm lý nhà đầu tư. Hệ quả buồn là tháng 5 năm nay, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã phải nhận quyết định kỷ luật và bị cách chức, điều chưa có tiền lệ trong hơn 20 năm hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Khép lại một năm chứng khoán buồn và câu chuyện tiêu cực về tâm lý của nhà đầu tư, để chung tay góp phần hồi phục lành mạnh và bền vững thị trường trong năm tới, là yêu cầu đặt ra đối với tất cả thành viên tham gia thị trường vốn – chứng khoán Việt Nam./.