Thị trường chứng khoán vẫn có thể là xu hướng trong năm 2022
VOV.VN - Theo các chuyên gia chứng khoán, tuy thị trường có thể vẫn trong xu hướng tăng trong năm 2022, song sẽ có sự phân hoá đáng kể ở các nhóm ngành chứ không tăng đồng loạt như năm 2021.
Hay nói cách khác, đầu tư chứng khoán năm 2022 sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi nhà đầu tư phải "đãi cát tìm vàng" để chọn được những cơ hội đầu tư tốt.
Năm 2021, là một năm đầy biến động, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt những thành quả nhất định, hệ thống giao dịch hoạt động thông suốt, thị trường hoạt động ổn định, tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và thanh khoản, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vị trí, vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Nhìn vào các chỉ số có thể thấy: Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11 khi VN-Index chạm mốc 1.500,81 điểm. Tính đến ngày 28/12/2021, VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đạt mức 458,05 điểm, tăng 125,5% so với cuối năm 2020. Số lượng nhà đầu tư tham gia TTCK tăng mạnh trong thời gian gần đây đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI cho biết: "Việc nhà đầu tư chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản chứng khoán là điều chúng ta mơ ước bây giờ đã làm được. Trước nay chúng ta nghĩ rằng nhà đầu tư nước ngoài dẫn dắt thị trường thì bây giờ nhà đầu tư nước không còn dẫn dắt thị trường nữa. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra thì thị trường tiếp tục tăng trưởng. Tuy là những điều bất thường nhưng lại là những điều tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam".
Dựa trên triển vọng hồi phục khả quan của kinh tế Việt Nam, một số công ty phân tích chứng khoán đều bảy tỏ triển vọng tích cực đối với thị trường chứng khoán trong năm 2022. Tuy nhiên, thị trường có thể diễn biến thận trọng trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng từ các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận thấp.
Với tình hình cầu tiêu dùng như hiện nay, nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu. Cơ hội phục hồi cho các ngành dịch vụ như hàng không và du lịch có thể quay lại từ nửa cuối 2022.
Ngay trong nửa đầu năm 2022, công ty chứng khoán dự báo vẫn có thể có một số ngành có thể tăng trưởng vượt trội bất chấp khó khăn gồm Xuất khẩu: thủy sản, dệt may và vận tải biển. Một số loại hàng hóa có thể đạt mức giá cao trong nửa đầu năm 2022 bao gồm phân bón, thủy sản, hóa chất và mía đường. Ngành hưởng lợi từ đầu tư công là xây dựng, bất động sản dân cư và bất động sản Khu công nghiệp. Ngành hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp gồm chứng khoán và bất động sản dân cư.
TS. Quách Mạnh Hào, chuyên gia Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam, Đại học Lincoln - Anh Quốc nêu kỳ vọng: "Điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ nhìn thấy sự quay trở lại của cổ phiếu cơ bản, tức là những ngành tốt, doanh nghiệp tốt sẽ trở lại dẫn dắt thị trường vì theo chu kỳ tâm lý, khi nhìn thấy rủi ro, nhà đầu tư sẽ có cảm giác đã đến lúc phải dừng lại, tìm đến cơ hội an toàn để bảo toàn tài sản đã tích lũy".
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron tiếp tục phủ nỗi lo lên toàn cầu, trong khi thế giới lo lắng về hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), lo lắng về khả năng lạm phát, về tình hình chính trị châu Âu biến động, về giá lương thực, thực phẩm cao kỷ lục… ở Việt Nam, những rủi ro lớn trong nước cũng tương tự và sẽ là thách thức cần phải vượt qua trong năm mới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều đồng thuận cho rằng, năm 2022, kinh tế vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi, nên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 vẫn được dự báo tích cực./.