Thị trường chứng khoán Việt đang có "cơ hội thứ ba"
Tổng giám đốc CTCK HSC Johan Nyvene chào nhà đầu tư Nhật: Việt Nam là một thị trường "lặng lẽ" nhưng đầy tiềm năng...
Với sự điều phối của ông Dominic Scriven - một người Anh, có 20 năm gắn bó đầu tư tại Việt Nam, phiên đối thoại về cơ hội đầu tư trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản ngày 25/4 đã diễn ra sôi nổi và cởi mở.
“Tôi không phải là người Việt Nam, nhưng tôi cũng không nói được tiếng Nhật”.
Cho phép tôi dẫn câu chuyện chuyện hôm nay bằng tiếng Việt", Dominic đã mở đầu như vậy và theo sự dẫn dắt của ông, các cơ hội tại Việt Nam được thể hiện sinh động trước sự quan tâm của người Nhật. Ở đó, không chỉ có cơ hội từ cổ phần hóa DNNN, mà còn từ TTCK và từ quá trình M&A, đang diễn ra âm thầm, nhưng rất mạnh mẽ tại Việt Nam.
Cơ hội thứ nhất
Vietnam Airlines và Vinatex là hai DN "đăng đàn" cùng lãnh đạo các công ty tài chính hàng đầu Việt Nam, như SSI, HSC, VFM để đối thoại với nhà đầu tư Nhật Bản. Trước hai cơ hội tham gia vào quá trình cổ phần hóa Vietnam Airlines, Vinatex, nhà đầu tư Nhật đặt nhiều câu hỏi xoay quanh việc xác định giá trị DN, tỷ lệ bán cho nhà đầu tư ngoại, khả năng niêm yết sau IPO, khả năng chấp nhận nhân tố mới trong quản trị DN sau cổ phần hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, quá trình xác định giá trị DN của Vietnam Airlines được thực hiện bởi 2 nhà tư vấn uy tín trên thế giới là Morgan Stanley và Citi Group, nên nhà đầu tư có thể đặt niềm tin vào hai tổ chức này. Theo ông Minh, hiện phương án xác định giá trị DN đã được Vietnam Airlines hoàn tất và trình lên Chính phủ.
"Trong giai đoạn đầu cổ phần hóa, chúng tôi dự kiến trình Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ bán cho nhà đầu tư nước ngoài từ 25 - 30% vốn, trong đó nhà đầu tư chiến lược có thể mua đến 20%. Đây là phương án mà Vietnam Airlines xây dựng, còn quyết định tỷ lệ cụ thể sẽ phải chờ sự phê duyệt của Thủ tướng. Trong định hướng dài hạn, Nhà nước sẽ giữ tối đa 65%, sau đó giảm xuống 51% vốn tại các DNNN lớn, trong đó có Vietnam Airlines", ông Minh nói.
Giới thiệu với các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Minh cho biết, năm 2013, Vietnam Airlines có khoảng 16 triệu lượt hành khách/năm, doanh thu 2,8 tỷ USD. Năm 2014, dự kiến doanh thu toàn Tập đoàn khoảng 3,5 tỷ USD. Dự kiến, tháng 10/2014, Vietnam Airlines sẽ IPO và khoảng 1 năm sau đó, sẽ niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Dù hoạt động trong một ngành nghề đặc thù, với mong muốn số 1 là tìm được nhà đầu tư chiến lược là các hãng hàng không quốc tế, nhưng Tổng giám đốc Vietnam Airlines vẫn mở cơ hội với các nhà đầu tư khác, khi ông nói rằng, Tổng công ty sẵn sàng đón chào các nhà đầu tư tài chính tìm cơ hội đầu tư vào Vietnam Airlines.
Trước các nhà đầu tư Nhật Bản, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vinatex, bà Phạm Nguyên Hạnh cũng thể hiện mong muốn tìm nhà đầu tư chiến lược cho Tập đoàn. Theo bà Hạnh, Vinatex đã xác định xong giá trị DN, dự kiến sẽ IPO trong tháng 7 tới. Vinatex mong muốn tìm được 3 nhà đầu tư lớn, trong đó có 1 nhà đầu tư tài chính và 2 nhà đầu tư cùng lĩnh vực ngành nghề.
Hiện Vinatex có 65 DN thành viên, trong đó có 15 DN mà Vinatex sở hữu trên 51%; 28 DN sở hữu từ 20 - 50%, còn lại là các DN Vinatex đóng vai trò một cổ đông lớn. Phần lớn các DN này thuộc lĩnh vực dệt may và thời trang, nên Tập đoàn có số lao động lên tới 100.000 người. Thế mạnh của Vinatex là chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu lớn, có nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới và đang đón chờ cơ hội mới từ Hiệp định TPP.
Lãnh đạo cả hai DN trên khẳng định việc sẵn sàng chấp nhận nhân tố mới tham gia vào quản trị, điều hành công ty. Do tính chất đặc thù ngành nghề, Vietnam Airlines và Vinatex là hai tổng công ty có quan hệ hợp tác với nhiều đối tác trên thế giới, nên cam kết về việc sẵn sàng chấp nhận nhân tố mới để DN mở rộng không gian phát triển từ người lãnh đạo, đã chạm đến niềm tin của các nhà đầu tư.
Không có đủ thời gian để các DN sắp cổ phần hóa khác như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Vinalines, Tổng công ty Đầu tư phát triển khu đô thị và công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng số 1... được đối thoại với nhà đầu tư quốc tế, nhưng những cuộc tiếp xúc song phương với các tổ chức hàng đầu Nhật Bản trong chuyến công tác này đã bước đầu giúp các DN tiếp cận với nhà đầu tư tiềm năng.
Ông Bùi Thế Bình, Kế toán trưởng Vinacomin cho biết, Tập đoàn đã lên phương án cổ phần hóa 5 công ty thành viên năm nay và vì thế, rất sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư lớn đến tìm cơ hội hợp tác. Theo ông Bình, thực tế, một số tổ chức quốc tế đã đến làm việc với Tập đoàn, nhưng để chọn được một đối tác thực sự, song hành trên chặng đường dài, thì vẫn là câu hỏi ngỏ với Vinacomin.
Ông Vũ Tiến Giao, quyền Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) chia sẻ, Tổng công ty đang lên kế hoạch cổ phần hóa và xây dựng phương án trình Chính phủ, mong muốn tìm được đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp.
Trong cuộc trao đổi ngắn lúc giải lao, quyền Chủ tịch Licogi đã nói với Tổng giám đốc Dragon Capital, ông Dominic Scriven rằng, Licogi đang nỗ lực tái cấu trúc và đang tìm đối tác chiến lược, cần sự giúp sức của các tổ chức tài chính lớn như Dragon Capital.
Cơ hội thứ hai
Sau năm 2013 đạt mức tăng trưởng gần 20%, TTCK Việt Nam có sự phát triển ấn tượng trong những tháng đầu năm 2014 và đây là cơ hội thứ hai được giới thiệu với nhà đầu tư Nhật Bản. Ba điểm được nhà đầu tư lớn quan tâm là mức độ minh bạch, hiệu quả kinh doanh và không gian cho nhà đầu tư cho họ, đã được Chủ tịch UBCK Vũ Bằng trả lời chi tiết đến nhà đầu tư.
Về mức độ minh bạch, Chủ tịch UBCK cho biết, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cải thiện tính minh bạch của DN. Với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế như IFC, ADB, Nomura..., chất lượng minh bạch thông tin, DN niêm yết đã cao hơn rất nhiều qua từng năm và khái niệm minh bạch đang trở thành văn hóa chung mà các DN trong nền kinh tế hướng đến. Theo Chủ tịch UBCK, trong quá trình sửa đổi Thông tư 52/TT-BTC, Thông tư 121/TT-BTC và sửa Luật Doanh nghiệp hiện nay, minh bạch thông tin là một yêu cầu cơ bản mà cơ quan soạn thảo đặt ra.
"Nếu so với các TTCK đã phát triển, TTCK Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu, nhưng chúng tôi đang từng bước cải tổ để tự hoàn thiện mình và tăng khả năng cạnh tranh thu hút các nguồn vốn quốc tế", ông Vũ Bằng nói.
Về hiệu quả kinh doanh, thống kê của UBCK cho thấy, kết quả kinh doanh của các DN niêm yết cải thiện hàng năm. Năm 2013, khối DN này có doanh thu tăng 1,3%, lợi nhuận tăng 14,7% so với năm 2012. Các DN niêm yết nhìn chung hoạt động khả quan hơn so với khối DN ngoài sàn, đặc biệt là các DN lớn.
Về không gian cho nhà đầu tư ngoại, ông Bằng cho biết, Chính phủ đang xem xét việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời UBCK đang nghiên cứu khả năng cho phép DN phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Bên cạnh đó, Việt Nam đang xúc tiến thành lập TTCK phái sinh, đồng thời phát triển các sản phẩm mới như Index Futures, Bond Futures, Covered warrant, quỹ ETF... để tăng khả năng thu hút các dòng vốn lớn. Người đứng đầu ngành chứng khoán đã cảm ơn các nhà đầu tư Nhật Bản vì sự hỗ trợ họ dành cho TTCK Việt Nam, góp phần giúp nhiều DN đã trở thành những công ty, tập đoàn lớn trong nền kinh tế như SSI, BVH, FPT...
TTCK Việt Nam hiện có khoảng 6.700 nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản, chiếm 43% tổng số nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam cũng thu hút được gần 140 tổ chức Nhật Bản, chiếm khoảng 6% tổng số tài khoản nhà đầu tư tổ chức, nhưng sự khác biệt của người Nhật là đã đầu tư là đầu tư lớn. Hiện chưa có thống kê chính thức về giá trị đầu tư gián tiếp vào Việt Nam từ Nhật, nhưng vị trí của Nhật Bản chắc chắn nằm trong TOP đầu tại TTCK Việt Nam.
Cơ hội thứ ba
Tổng giám đốc CTCK HSC Johan Nyvene chào nhà đầu tư Nhật bằng một câu chuyện mới: ông nói đến cơ hội từ hoạt động M&A tại Việt Nam. "Đây là một thị trường "lặng lẽ" nhưng đầy tiềm năng", Johan nhận xét. Tham gia thị trường này, nhà đầu tư phải có sự am hiểu hoặc phải có đối tác tốt tại Việt Nam, mới có thể chọn lựa các thương vụ hấp dẫn.
"Nhà đầu tư Nhật nên để mắt đến thị trường M&A, bởi cơ hội ở đây không hề nhỏ", Johan nói và dẫn chứng, giá trị giao dịch trong các thương vụ M&A tại Việt Nam thường ở mức trung bình (30-50 triệu USD), nhưng tổng giá trị M&A của cả thị trường phải tính bằng con số hàng tỷ USD.
"Có một điểm khó là, nhà đầu tư Nhật Bản thường là các tập đoàn, DN đã phát triển, trong khi đa số DN Việt Nam tìm đối tác M&A lại ở quy mô vừa và nhỏ, nên không dễ để gặp nhau". Tuy nhiên, khi đã tìm được nhau, khả năng tạo giá trị gia tăng sau M&A là rất lớn.
Là nền kinh tế từng phát triển vượt trội, đầu tư tại Nhật đang giảm dần cơ hội tăng trưởng, trong khi đó tại Việt Nam, với xuất phát điểm thấp hơn, cơ hội tăng trưởng vẫn đang rất rộng dài.
"Chọn đúng địa chỉ, nhà đầu tư Nhật có thể tận dụng được cơ hội tăng trưởng cao của DN Việt Nam, thay vì đạt được mức tăng trưởng thấp hơn khi đầu tư tại Nhật", Johan nói và cho biết, M&A nhìn thì không thấy (vì hầu hết các bên không muốn công bố), nhưng thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài như Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, thậm chí cả Chile... đang tham gia khá tích cực vào thị trường này.
Không chỉ từ các DN tư nhân, Tổng giám đốc HSC chỉ ra cơ hội M&A chính từ việc cổ phần hóa các tập đoàn, DNNN lớn. "Các DNNN loại này thường có nhiều công ty con, quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với con đường M&A để thay đổi và phát triển", ông nói.
Người Nhật vốn thận trọng và kín kẽ, họ không dễ dàng nói "Yes" hay "No" sau một cuộc họp. Nhưng "nhân dân Nhật đánh giá rất cao hành trình này của Việt Nam", tờ Thời báo Tokyo phát hành sáng 26/4 dẫn lời nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá về chuyến công tác của Đoàn.
Sự lạc quan của người Việt Nam, cộng với tiềm lực và sự cẩn trọng của người Nhật, sẽ tạo nên những giá trị mới cho các bên? Niềm hy vọng đang nhân lên từ hai phía./.