Thị trường vàng trang sức: Nên cấp phép nhập khẩu cho DN nhỏ
VOV.VN-Kinh doanh vàng trang sức tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có chính sách hợp lý.
Khi thị trường vàng miếng từng bước ổn định thì phát triển thị trường vàng trang sức là hướng đi của doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc kinh doanh vàng trang sức tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có chính sách hợp lý tạo thuận lợi cho thị trường phát triển. Vì vậy các chuyên gia kinh tế cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ hơn để thị trường này phát triển trong thời gian tới.
Thiếu nguồn nguyên liệu sẽ khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Việt Nam đối mặt với rủi ro (Ảnh: Tuoitre) |
Thời gian qua, do siết chặt quản lý kinh doanh vàng miếng khiến cho thị trường vàng trang sức đối mặt với việc thiếu nguồn nguyên liệu chế tác. Để giải quyết khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý về nguyên tắc cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM là Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp (VJC) được cấp phép do có đủ các điều kiện quy định đưa ra tại Nghị định 24 và Thông tư 16 và mỗi lô nhập không quá 100 kg vàng.
Tuy nhiên, điều này khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng khác băn khoăn. Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là kịp thời, nhưng nếu chỉ cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp đủ điều kiện, thường là doanh nghiệp lớn, thì các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi trong số các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức thì có 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy để có được nguyên liệu sản xuất, thì họ vẫn buộc phải thu mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Điều này, có thể tạo ra hiện tượng nhập lậu vàng, làm cho thị trường thêm phức tạp.
Ông Đinh Nho Bảng nói rõ thêm: “Thực ra nhu cầu vàng trang sức chỉ 20-25% thôi, còn 75% vẫn là vàng miếng cho nên nhu cầu nguyên liệu vàng trang sức không lớn. Vì vậy có cấp giấy phép thì cũng không ảnh hưởng lớn đến cung cầu ngoại tệ. Bản thân nguồn nguyên liệu không ổn định, các doanh nghiệp cũng khó mà phát triển được thị trường vàng trang sức để sản xuất vì nguồn nguyên liệu không ổn định và mua ngoài thì rủi ro rất lớn”.
Việc thiếu nguồn nguyên liệu sẽ khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Việt Nam đối mặt với rủi ro, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải thu hẹp sản xuất. Từ đó có thể sẽ mất những hợp đồng đã ký với các đối tác, nhất là đối tác nhập khẩu. Lo ngại này không phải không có cơ sở bởi theo báo cáo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam thì nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý 1/2013 giảm 12-14% so với cùng thời điểm năm 2012 và thời gian qua, do sự cạnh tranh từ sản phẩm nữ trang Trung Quốc, cộng với việc thiếu vốn sản xuất, khoảng 70% trong tổng số gần 3.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng rơi vào tình trạng khó khăn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng dù Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp trang sức, đặc biệt là xuất khẩu nhưng do thuế xuất khẩu vàng trang sức hàm lượng từ 80% trở lên còn cao (đến 10%), nên sản phẩm trang sức Việt Nam khó cạnh tranh với các nước Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc bởi từ nhiều năm nay, nhiều nước trong khu vực đã giảm thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ xuống mức 0%.
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “Theo kinh nghiệm thế giới, đặc biệt là Thái lan và một số nước trong khu vực cũng như đánh giá thực tế Việt Nam rõ ràng chúng ta đang bỏ quên hoặc đúng hơn là chưa khai thác hết các tiềm lực của thị trường vàng chế tác kim hoàn của Việt Nam. Chúng ta vì quá nặng trong quản lý thị trường vàng nên đã tạo ra sức ép kiếm chế sự phát triển các năng lực chế tác vàng kim hoàn của Việt Nam.
Vì thế trong thời gian tới quản lý nhà nước nên có sự điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của khu vực thị trường này để vừa giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập, cái thiện cơ cấu xuất khẩu cũng như giúp đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về các mặt hàng kinh doanh khác.”
Tại nhiều nước trong khu vực, Ngành vàng trang sức luôn mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao và đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP, chẳng hạn như kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức của Thái Lan đạt bình quân khoảng 3 tỷ USD/năm; Ấn Độ đạt khoảng hơn 10 tỷ USD…
Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để thị trường kim hoàn Việt Nam phát triển thì bên cạnh chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng cần xây dựng các quy chuẩn chất lượng của hàng hóa để vừa khuyến khích chế biến sâu, vừa tạo thu nhập gia tăng lớn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách để khuyến khích việc đào tạo nghề và việc làm cho cơ sở sử dụng nhiều lao động kinh doanh chế tác vàng.
Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã tạo bước ngoặt trong việc lâp lại trật tự thị trường vàng, nhưng trong thời gian tới cần có cơ chế đồng bộ hơn để thị trường vàng trang sức phát triển nhằm tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp trang sức nói riêng ./.