Thị trường vật liệu xây dựng: Ế ẩm, chủ dạy nhân viên.. nấu ăn
Hầu hết các doanh nghiệp đều dừng các dự án mở rộng sản xuất, sản xuất chầm chừng, thậm chí “đắp chiếu” dây chuyền hoặc tìm cách cách tiết giảm chi phí...
Sức mua giảm, hàng tồn nhiều
Trái ngược với không khí nhộn nhịp của hơn một năm về trước, phố Cát Linh chuyên bán vật liệu xây dựng ở Hà Nội vào thời gian này trở nên trầm lắng cùng thị trường bất động sản.
Bà Vân, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Ðức Minh ở số 2, phố Giang Văn Minh, Hà Nội cho biết, từ tháng 12/2011 đến thời điểm này, tiêu thụ các loại VLXD đã giảm khoảng 40% so với trước đó. Bà Vân nói: “ế hàng, tôi bây giờ chuyển sang dạy mấy đứa nhân viên nấu ăn cho vui”.
Chỉ số giá vật liệu xây dựng trong tháng 4 đã giảm 0,44% so với tháng 3, song sức mua của người dân vẫn rất yếu. Hầu hết các loại VLXD đều bán rất chậm, nên các cửa hàng cũng giảm hàng nhập mới, mà chủ yếu bán hết hàng tồn kho và nhập các sản phẩm có chương trình khuyến mãi với số lượng nhỏ. Bà Vân hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp để giãn hoặc miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD trong giai đoạn khó khăn này và mong các doanh nghiệp tìm cách giảm chi phí, đưa thêm nhiều chương trình khuyến mãi để kích thích tiêu dùng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sinh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera cho biết, do ảnh hưởng của chính sách tài chính thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, cộng thêm thời điểm sau Tết Nguyên đán nhu cầu xây dựng chưa cao, nên sản lượng tiêu thụ VLXD chỉ đạt bình quân hơn 65% so với năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, mức lãi suất vốn vay vẫn ở mức cao, giá một số mặt hàng thiết yếu điều chỉnh tăng như: than tăng khoảng 10% từ ngày 27/2, đã làm tăng chi phí sản xuất của Tổng Công ty đối với nhóm gạch, ngói đất sét nung khoảng ba tỷ đồng/tháng; giá xăng dầu tăng hai lần kể từ ngày 7/3 đến nay đã khiến đơn vị phải trả thêm chi phí nhiên liệu khoảng hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Hầu hết các đơn vị sản xuất VLXD của Viglacera đã dừng sản xuất một phần hoặc toàn bộ từ trong Tết Nguyên đán, nhưng lượng sản phẩm tồn kho vẫn ở mức cao. Cụ thể: Kính xây dựng tăng 1,74 lần; gạch ốp lát các loại tăng 1,21 lần; sứ vệ sinh khoảng 300 nghìn sản phẩm; gạch ngói đất sét nung tăng 1,71 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên khó khăn nhất phải nói đến ngành xi-măng, do suất đầu tư xây dựng lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), ông Lê Văn Tới cho biết, hiện tổng lượng xi măng thành phẩm tồn kho cuối kỳ vào khoảng 2,95 triệu tấn, nhưng con số này không đáng lo ngại so với “tồn kho về công suất”, bởi công suất chính là thước đo hiệu quả đối với một dây chuyền sản xuất xi măng. Thông thường một dây chuyền được coi là hiệu quả thì luôn phải đạt công suất tối thiểu từ 70% đến 80%, song hầu hết các đơn vị trong ngành đều không đạt công suất này.
Theo dự báo, lượng tiêu thụ xi-măng trong năm nay chỉ xấp xỉ năm ngoái khoảng 56,5 triệu tấn, trong khi tổng công suất thiết kế các nhà máy xi-măng đến cuối năm 2011 là hơn 66 triệu tấn, tức là ngành xi măng sẽ “tồn kho công suất” khoảng 10 triệu tấn.
Cầm cự chờ “cứu hộ”
Trước những khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp đều dừng các dự án mở rộng sản xuất, sản xuất chầm chừng, thậm chí “đắp chiếu” dây chuyền hoặc tìm cách cách tiết giảm chi phí, cơ cấu lại sản xuất... Chẳng hạn, ông Nguyễn Văn Sinh cho biết, Viglacera đã định hướng lại cho từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm đồng bộ cung cấp cho từng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở trung và cao cấp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiết giảm chi phí, định mức tiêu hao vật tư, nguyên nhiên liệu, phát động các phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và mở rộng mạng phân phối trên toàn quốc và đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, các đơn vị của Viglacera thực hiện kiểm soát thu chi theo ngày giống như ngân hàng, qua đó hạn chế được những bất hợp lý trong sản xuất. Đối với Tổng công ty xi măng Vicem thì lấy công nghệ làm mũi nhọn để hạ giá thành sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Lê Văn Tới cho biết, Bộ Xây dựng đang tiến hành nhiều biện pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp VLXD, như phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện Chương trình làm đường bằng bê-tông để tiêu thụ xi măng và đẩy mạnh các chương trình nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Bộ cũng đề xuất Chính phủ tăng cường chỉ đạo các đơn vị sử dụng các thiết bị, vật liệu, nguồn lực trong nước nhằm hạn chế và thay thế hàng nhập khẩu.
Một tin vui dành riêng cho các nhà sản xuất gạch không nung là Thủ tướng vừa có yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, theo hướng các công trình sử dụng vốn Nhà nước như trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung. Đặc biệt, các công trình xây dựng nhà cao tầng không phân biệt nguồn vốn phải ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung tối thiểu là 30% trong tổng số VLXD.
Ðể vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp sản xuất VLXD cần chủ động, linh hoạt các giải pháp, đồng thời cũng cần những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan. Các doanh nghiệp sản xuất VLXD lãi suất cho vay giảm xuống mức khoảng 12%/năm, miễn giảm thuế giá trị gia tăng VAT cho các doanh nghiệp từ 6 tháng đến một năm. Ðồng thời, cơ cấu hoặc giãn các khoản nợ đến hạn và quá hạn cho các doanh nghiệp, bình ổn giá nguyên nhiên liệu đầu vào, nhất là điện cho các doanh nghiệp sản xuất...
Tại hội thảo Nhận định kinh tế thế giới và thách thức cho Việt Nam năm 2012 tổ chức sáng 23/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết sẽ nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, sau khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, cần giải pháp kịp thời về chính sách tiền tệ, tài khóa để gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp. Đây được coi là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp./