Thị trường xăng dầu Tây Nguyên sau tăng giá

Sau khi có quyết định tăng giá xăng dầu, không khí mua bán tại các cửa hàng xăng dầu ở Tây Nguyên vẫn khá trầm lắng.

Từ 10h ngày 24/2, Bộ Tài Chính đã cho phép tăng giá các mặt hàng xăng, dầu. Mức tăng từ 2.900đồng đến 3.550 đồng/lít. Quyết định này tuy bất ngờ với nhiều người tiêu dùng, nhưng là điều được các doanh nghiệp xăng dầu chờ đợi đã lâu. Xăng dầu tăng giá, sự thay đổi trong kinh doanh mặt hàng này cũng sẽ giúp trả lời câu hỏi: Các doanh nghiệp ở Tây Nguyên có găm hàng, đợi giá cao mới bán hay không, và người dân đón nhận việc tăng giá như thế nào.

Đại lý thiếu nguồn cung

Việc tăng giá xăng, dầu vào sáng 24/2 tưởng chừng sẽ là động thái khôi phục ngay tình hình kinh doanh các mặt hàng này ở Đắc Lắc. Bởi theo dự đoán của nhiều người, các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu đã đầu cơ, tích trữ xăng, dầu chờ tăng giá. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều đại lý xăng, dầu vẫn chưa kinh doanh bình thường, với lý do nguồn hàng còn rất hạn chế, các chủ đầu mối chưa cung cấp về kịp.

Ông Đậu Mạnh Hùng, Phó Giám đốc cửa hàng xăng dầu số 1, Công ty cổ phần vật tư và xây dựng Đắc Lắc cho biết: “Tăng giá xăng rồi nhưng cửa hàng vẫn chưa có hàng. Trước khi giá xăng dầu, Tổng công ty có công văn thong báo một tuần cấp 22.000 lít, vì thế chúng tôi không đủ cung cấp cho khách hàng. Bây giờ chúng tôi cũng không đủ hàng, mỗi ngày chỉ bán được 6 - 7 tiếng”.

Tình hình tương tự cũng xảy ra ở một điểm nóng khác là huyện Đắc Min, tỉnh Đắc Nông. Doanh nghiệp xăng dầu Hoàng Diệu, ở xã Đức Minh, huyện Đắc Min cho biết, đến trưa nay (24/2), vẫn chỉ có rất ít dầu diezel để bán, đáp ứng nhu cầu bơm tưới cà phê tại địa phương. “Bình thường, mùa này cửa hàng bán 7.000 – 10.000 lít dầu…  nhưng công ty không cung ứng đủ. Đến sáng nay (24/2), xe của cửa hàng chờ ở công ty đã 3 ngày rồi mà chỉ được thêm 5.000 lít, không đủ bán trong ngày” - bà Hồ Thị Thùy Trang, chủ doanh nghiệp cho biết.

Như vậy, có thể tin được rằng, tình hình khán hiếm xăng dầu nóng bỏng những ngày qua ở Đắc Lắc, có một phần sự thật là các đại lý bán lẻ hết hàng. Chiều 24/2, lãnh đạo Bộ Công thương đã họp với tỉnh Đắc Lắc để bàn cách làm rõ nguyên nhân thật sự của tình trạng nóng sốt xăng dầu tại địa phương trong suốt gần 10 ngày qua. 

Người tiêu dùng bình thản đón nhận giá mới

Nhìn từ góc độ khác, mặc dù quyết định tăng giá bán xăng dầu của Bộ Tài chính lần này có mức tăng rất cao so với tất cả các lần tăng giá trước đây, nhưng người dân ở khu vực Tây Nguyên vẫn đón nhận trong sự cảm thông.

“Tôi hay đi giao thịt nên chạy lui, chạy tới rất nhiều, một lần đi trung bình mất khoảng 3 lít xăng.  Nhưng mà xăng lên mình cũng thấy bình thường thôi, không có gì gọi là sốc, không thấy bất ngờ, vì tất cả mọi thứ đều tăng giá hết rồi” - anh Huỳnh Văn Dũng, ở thị trấn Ea Tlinh, huyện Chư Dút, tỉnh Đắc Nông chia sẻ.

Cũng giống như anh Dũng, ông Nguyễn Viết Nông, thường trú tại phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc cũng đón nhận việc tăng giá xăng, dầu một cách bình thản. Bởi theo như ông Nông biết thì Nhà nước còn phải bù lỗ nhiều cho các mặt hàng năng lượng này. Việc tăng giá trong thời buổi kinh tế thị trường là tất yếu. Tiết kiệm chi phí cho các khoản đi lại bằng xe máy là biện pháp mà ông đưa ra để đối phó với việc tăng giá xăng, dầu.

Ông Nguyễn Viết Nông cho biết, ông làm viên chức nhà nước, một tháng đi lại hết 300.000 đồng tiền xăng. “Tất nhiên tăng giá xăng sẽ ảnh hưởng đến các chi tiêu hàng ngày, nhưng bù lại, xăng dầu sẽ hết khan hiếm, phù hợp với việc nhập khẩu của nhà nước. Một tháng định mức của tôi bấy nhiêu, bây giờ muốn thích nghi thì đi lại phải cố gắng hạn chế”- ông Nông nói./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên